Văn hóa - Giáo dục

Kỳ thi THPT quốc gia 2015

Nỗi lo 'độ vênh' về chất lượng giữa hai loại cụm thi

15:45, 28/05/2015 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố 38 cụm thi THPT quốc gia liên tỉnh. Theo đó, cụm thi liên tỉnh do các trường ĐH chủ trì dành cho thí sinh thi lấy kết quả vừa để xét tốt nghiệp THPT, vừa để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Trong khi đó, cụm thi ở địa phương do Sở GD&ĐT chủ trì sẽ dành cho những thí sinh thi lấy kết quả chỉ để xét tốt nghiệp THPT. Mặc dù việc phân chia làm hai loại cụm thi nêu trên được xem là giải pháp nhằm giảm áp lực thi cử cho những thí sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp nhưng không ít người vẫn còn băn khoăn về “độ vênh” chất lượng giữa hai loại cụm thi vì nhiều lý do khác nhau.
 
Khảo sát sơ bộ từ Sở GD&ĐT các địa phương thời gian qua cho thấy, trung bình có khoảng 20% học sinh lớp 12 thi kỳ thi THPT quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp THPT. Thậm chí, có địa phương, tỉ lệ này lên đến gần 50%.  Như vậy, phương án phân ra thành hai loại cụm thi được kỳ vọng sẽ làm giảm đáng kể khó khăn, vất vả cho những thí sinh tham gia thi chỉ để xét tốt nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, việc phân chia thành các loại cụm thi cũng chỉ mang tính tương đối, bởi các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp còn một con đường khác để vào ĐH là tham gia xét tuyển ở các trường tuyển sinh bằng hình thức sử dụng kết quả học THPT. Đến thời điểm hiện tại, có 150 trường tuyển sinh với hình thức xét tuyển theo tinh thần tự chủ. Và như vậy, “cửa” vào các trường ĐH, CĐ đối với những thí sinh tham gia thi ở các cụm thi địa phương vẫn khá rộng mở. 
Cần tổ chức thanh, kiểm tra nghiêm túc để tạo sự công bằng giữa hai cụm thi
Cần tổ chức thanh, kiểm tra nghiêm túc để tạo sự công bằng giữa hai cụm thi
 
Một tỉ lệ không nhỏ thí sinh đăng ký dự thi ở các cụm thi địa phương đặt ra câu hỏi: Liệu có tồn tại “độ vênh” về chất lượng giữa hai loại cụm thi? Băn khoăn trên không phải là không có cơ sở khi nhìn vào tỉ lệ đỗ tốt nghiệp xấp xỉ 100% những năm qua. Cụm thi do địa phương tổ chức là dành riêng cho “con em trong nhà”, tỉ lệ đỗ cao phản ánh chất lượng giáo dục tại địa phương và cũng tạo điều kiện cho thí sinh được xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ tuyển sinh theo hướng tự chủ.
 
Ở đây, “bệnh thành tích” có thể sẽ dẫn tới những ưu tiên “đặc biệt” về cơ sở vật chất, nhân lực cho cụm thi do địa phương tổ chức. Khâu coi thi, thanh tra thi được xem là khâu then chốt quyết định chất lượng của kỳ thi. Tuy nhiên, với tâm lý tạo điều kiện cho thí sinh địa phương có được tấm bằng tốt nghiệp để học nghề hay xin việc làm có thể khiến giám thị, thanh tra làm việc “nhẹ nhàng” hơn. Tâm lý buông lỏng cho thí sinh làm được bài sẽ rất dễ tạo ra một lớp thí sinh “đỗ oan”, thậm chí có thể sẽ có điểm số cao hơn những thí sinh có học lực tương đương dự thi ở cụm thi do các trường ĐH chủ trì. Và với cơ chế cho phép tự chủ tuyển sinh, những thí sinh “đỗ oan” này có thể được trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
 
Dù Bộ GD&ĐT đã quy định các phương án tuyển sinh riêng của các trường ĐH, CĐ phải có “ngưỡng” để đảm bảo chất lượng, nhưng những tiêu chí để đảm bảo “ngưỡng” lại chưa được đề cập cụ thể, chi tiết. Một điều có thể dự đoán là, số thí sinh trượt kỳ thi THPT quốc gia sẽ không nhiều như kỳ thi ĐH, CĐ trước đây, nghĩa là, nguồn tuyển sẽ “rộng mở” với các trường “tốp dưới”. Ngoại trừ số học sinh có học lực khá, giỏi có nguyện vọng xét tuyển vào các trường “tốp trên”, tình trạng học sinh đổ dồn về cụm thi địa phương, vừa “dễ thở” lại vẫn có thể vào ĐH, CĐ vô hình chung sẽ làm giảm đi đáng kể mục đích, ý nghĩa phân luồng khi chia ra hai loại cụm thi.
 
“Độ vênh” trong chất lượng tổ chức giữa hai loại cụm thi sẽ dẫn tới tình trạng không công bằng giữa các thí sinh dự thi, đồng thời phản ánh thiếu thực chất kết quả tốt nghiệp THPT giữa các cụm thi. Để khắc phục tình trạng này, trước hết cần phải xác định rõ, dù cụm thi do trường ĐH hay Sở GD&ĐT chủ trì, mọi công tác tổ chức từ thanh tra, coi thi, chấm thi đều phải được tiến hành nghiêm túc như nhau. Một trong các khâu này nếu thực hiện không đồng bộ, chất lượng kỳ thi chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
 
Đặc biệt, lực lượng thanh tra, giám sát kỳ thi cần thực hiện nhiệm vụ “đều tay” ở hai loại cụm thi, nhất là ở các khâu coi thi, chấm thi, xét tuyển, xử lý các vi phạm trong tuyển sinh… Những kinh nghiệm tổ chức thành công kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ những năm trước đã tạo được niềm tin trong xã hội cần được áp dụng, phát huy nhằm đảm bảo tính công bằng, nghiêm túc của kỳ thi.

Bùi Minh Tuấn

Các tin khác