(Congannghean.vn)-Thời gian qua, “bài toán” về thiếu giáo viên mầm non đang được dư luận trên cả nước hết sức quan tâm. Nghệ An cũng không nằm ngoài trường hợp đó. 2.508 giáo viên còn thiếu so với yêu cầu đã kéo theo nhiều hệ lụy. Trước vấn đề đó, vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định liên quan đến số người làm việc trong các trường mầm non công lập. Tuy nhiên, theo hướng dẫn liên ngành thì vẫn còn nhiều vướng mắc.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Nghệ An, toàn tỉnh có 518 trường mầm non, trong đó có 499 trường công lập, 5 trường dân lập và 14 trường tư thục. Hiện, có 162.624 cháu ở độ tuổi mầm non, trung bình 29 cháu/nhóm/lớp. Toàn tỉnh có 9.661 giáo viên biên chế. Năm học vừa qua, UBND tỉnh giao định biên là 10.804 giáo viên, như vậy, còn thiếu 1.143 giáo viên so với định biên được giao là bình quân 1,5 giáo viên/nhóm/lớp. Trong khi đó, theo đúng quy định thì mỗi nhóm lớp phải có 2 giáo viên, theo đó, còn thiếu 2.508 giáo viên so với yêu cầu. Tình trạng thiếu giáo viên mầm non kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó, người chịu thiệt thòi nhất không ai khác là những đứa trẻ. Cường độ làm việc của giáo viên cao, dẫn đến việc chăm sóc và dạy dỗ các cháu không được đảm bảo.
Đảm bảo chất lượng giáo viên mầm non để chăm sóc, nuôi dạy trẻ tốt hơn |
Trước thực trạng trên, Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV ngày 11/3/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chi hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non theo Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non được ban hành.
Theo đó, UBND tỉnh quyết định giao 1.600 người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các trường mầm non công lập được hưởng lương từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV và nguồn hợp pháp khác của đơn vị. UBND tỉnh cũng đã giao Giám đốc Sở GD&ĐT phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, hiệu trưởng các trường mầm non ký hợp đồng lao động với người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các trường mầm non công lập hưởng lương từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ đúng quy trình, quy định, đảm bảo thuận lợi trong quá trình triển khai...
Tại Hướng dẫn liên ngành số 288 ngày 6/3/2015 của liên Sở GD&ĐT, Sở Nội vụ và Sở Tài chính đã chỉ rõ, đối tượng được hỗ trợ làm giáo viên mầm non đủ tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp làm việc theo chế độ hợp đồng lao động. Ngoài việc ưu tiên số giáo viên đã có thời gian hợp đồng nhiều năm tại các trường mầm non công lập, giáo viên hợp đồng trong chỉ tiêu được UBND tỉnh phê duyệt mà UBND huyện đã thực hiện xét tuyển đúng quy trình hợp đồng lao động thì còn ưu tiên xét tuyển số giáo viên hợp đồng dôi dư cấp THCS và tiểu học sau khi được đào tạo lại đáp ứng yêu cầu của ngành học mầm non.
Việc ưu tiên xét tuyển số giáo viên hợp đồng dôi dư cấp THCS và tiểu học sau khi được đào tạo lại đáp ứng yêu cầu của ngành học mầm non trở thành vấn đề được các Phòng Giáo dục quan tâm và đặt ra nhiều câu hỏi. Đơn cử như: Số giáo viên này có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm mầm non và bằng cấp chuyên môn hiện tại đã đủ điều kiện sang dạy mầm non hay chưa? Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm mầm non do cơ sở giáo dục nào cấp và bồi dưỡng trong thời gian bao lâu là đúng quy định? Nếu giáo viên thuộc đối tượng trên được đi đào tạo để lấy bằng sư phạm mầm non trở lên (ít nhất 1 năm) thì sau khi có bằng sư phạm mầm non, việc chuyển sang dạy mầm non có còn thực hiện được nữa hay không?...
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Lê Thị Hường, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Để phổ cập giáo dục mầm non thì giáo viên mầm non phải đủ tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ, theo đó, Nghệ An sẽ phổ cập giáo dục mầm non vào cuối năm 2015. Nhưng so với tình hình thực tế hiện nay thì thời gian để thực hiện lại quá gấp rút. Đặc biệt, việc ưu tiên xét tuyển số giáo viên hợp đồng dôi dư tại cấp THCS và tiểu học sau khi được đào tạo lại đáp ứng yêu cầu của ngành học mầm non thì liệu có đảm bảo chất lượng chuyên môn hay không, khi mà thời gian đào tạo để được cấp bằng sư phạm mầm non ít nhất cũng phải 1 năm. Đó là chưa nói đến việc cơ sở nào đào tạo và đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian bao lâu mới đúng quy định?
.