(Congannghean.vn)-Sự phát triển ồ ạt của dòng nhạc thị trường, nhạc nước ngoài khiến âm nhạc truyền thống đang dần mất “chỗ đứng” trong lòng giới trẻ. Nói như thế không có nghĩa là âm nhạc truyền thống không có sức hút, bằng chứng là sự “lên ngôi” của các dòng nhạc dân gian, nhạc truyền thống tại các cuộc thi âm nhạc khiến khán giả vô cùng hào hứng, quan tâm theo dõi. Điều này đã tạo hiệu ứng tích cực trong việc giới thiệu, đưa âm nhạc truyền thống đến gần hơn với giới trẻ.
Với vai diễn xuất sắc và ấn tượng trong vở tuồng “Ông già cõng vợ đi xem hội”, cậu bé 9 tuổi Nguyễn Đức Vĩnh đã giành chiến thắng thuyết phục trong cuộc thi Tìm kiếm tài năng Việt 2015. Nói về ước mơ của mình, Vĩnh chia sẻ, em sẽ tiếp tục theo đuổi loại hình nghệ thuật này và mong muốn sẽ góp phần quảng bá, đưa âm nhạc dân gian truyền thống đến gần hơn với công chúng trong và ngoài nước.Điều đáng nói, tất cả những giai điệu, nhạc cụ âm nhạc dân gian, âm nhạc truyền thống đều được thể hiện bởi những người trẻ, thậm chí là những em nhỏ còn rất ít tuổi. Điều này cho thấy, âm nhạc truyền thống vẫn có chỗ đứng nhất định trong lòng giới trẻ. Âm nhạc truyền thống đã thực sự chạm đến trái tim những người trẻ yêu nhạc, thôi thúc họ tìm đến những giai điệu truyền thống và biến tấu, sáng tạo chúng trở thành “thương hiệu” của riêng mình.
Nghệ sĩ nhân dân Hồng Lựu dạy hát cho các em học sinh |
Trở về với xứ Nghệ là trở về với cái nôi sinh ra câu hò ví, giặm mà UNESCO vừa công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trải qua bao biến cố của lịch sử, dân ca ví, giặm vẫn trường tồn và có sức hút kỳ lạ, từ thế hệ này qua thế hệ khác, trong đó có giới trẻ. Em Trần Thị Ngọc Trâm, học sinh lớp 8B, Trường THPT Hà Huy Tập, TP Vinh, một trong những giọng ca “vàng” đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi hát dân ca cho biết: “Mặc dù có thể hát nhiều thể loại nhạc khác nhau, nhưng em đặc biệt yêu thích và có hứng thú hơn cả với dân ca.
Bởi trong dân ca có những lời răn dạy của ông cha, những triết lý, bài học làm người. Những ca từ mộc mạc đó cứ ngấm vào máu thịt, tâm hồn”. Được thừa hưởng giọng hát ngọt ngào, sâu lắng từ mẹ là NSƯT Bích Ngọc, Ngọc Trâm được mẹ truyền tình yêu dân ca từ thuở còn nằm nôi, để rồi lớn lên, em từng bước bộc lộ năng khiếu và tình yêu với những câu hò, điệu ví. Ngọc chia sẻ: Một số học sinh hiện nay hầu như không thích âm nhạc truyền thống mà chỉ thích nhạc Hàn Quốc K-pop. Điều đó cũng dễ hiểu, vì nhịp sống hiện đại kéo theo sự phát triển của rất nhiều loại hình âm nhạc trẻ sôi động, khiến mọi người “quay lưng” với âm nhạc dân tộc. Tuy nhiên, không phải ai cũng vậy, nhiều người vẫn yêu và nặng tình với âm nhạc truyền thống, chỉ có điều, cơ hội để họ tiếp xúc với dòng nhạc này còn quá ít.
Cách đây không lâu, đoạn video clip bé gái 4 tuổi quê ở Yên Thành say sưa hát dân ca đã khiến cộng đồng mạng hết sức thích thú. Rõ ràng, câu hát quê hương luôn có sức hấp dẫn kỳ diệu. Bởi thế mà, hơn 100 câu lạc bộ (CLB) dân ca ví, giặm có rất nhiều thành viên nhỏ tuổi. Những chương trình dân ca trong trường học ngày càng được nhân rộng, những tấm lòng của các cựu học sinh yêu mến dân ca ví, giặm đã chung tay ủng hộ các CLB nhằm cổ vũ, động viên, tiếp thêm động lực, sức mạnh để các nghệ nhân tiếp tục gìn giữ, phát triển, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể và hơn hết, là ươm mầm những tài năng trẻ để câu hò xứ Nghệ sống mãi trong mạch nguồn văn hóa của nhân loại.
Thực tế, dòng nhạc truyền thống và nhạc cổ điển vẫn còn khá xa lạ với quần chúng, do ít được xuất hiện, nhắc đến và quan tâm quảng bá. Chỉ có truyền thông là phương tiện hữu hiệu nhất để đưa âm nhạc dân tộc, các loại hình âm nhạc truyền thống trở nên gần gũi và có sức lan tỏa trong công chúng.
.