(Congannghean.vn)-Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nghệ An là một trong những tỉnh thuộc tuyến lửa Khu 4 bị đế quốc Mỹ tập trung đánh phá ác liệt nhất. Theo thống kê, trong 2 cuộc chiến tranh phá hoại, máy bay Mỹ đã đánh vào Nghệ An 30.216 trận, trong đó có 70 trận chúng rải thảm bằng máy bay ném bom B52.
Tàu chiến Mỹ đã 1.406 lần bắn phá nội thuỷ, nội địa, làm 15.230 người chết, 20.605 người bị thương. Tổng số bom đạn ném, bắn xuống Nghệ An là 203.930 tấn. Mỹ - Ngụy tung 70 gián điệp biệt kích vào Nghệ An. Tàu biệt kích xâm nhập, đánh phá 632 lần, gây ra 264 vụ bắt cóc 777 ngư dân. Khắp nơi từ làng mạc đến các thị trấn, thị tứ và các trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh, các nhà máy, công, nông trường, xí nghiệp, các trục đường giao thông… đều bị địch tập trung đánh phá với mức độ ngày càng tăng, riêng TP Vinh gần như bị phá hủy hoàn toàn.
Lực lượng Công an Nghệ An hướng dẫn ôtô chở hàng hoá và vũ khí vào chiến trường miền Nam qua cầu Cấm, huyện Nghi Lộc vào năm 1965 - Ảnh tư liệu |
Trước tình hình đó, cùng với quân và dân tỉnh nhà, Ty Công an Nghệ An bước vào cuộc chiến mới với quyết tâm cao cả về tinh thần, lực lượng, ý chí và hành động; dũng cảm, mưu trí, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng với quyết tâm góp phần đánh thắng chiến tranh phá hoại, tập trung xây dựng và bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đồng thời tích cực tham gia chi viện cho chiến trường miền Nam.
Trên nền tảng của phong trào "3 không" từ thời kỳ chống thực dân Pháp và cuộc vận động "3 phòng" trước đây, Ty Công an Nghệ An đã làm tốt công tác tham mưu, tổ chức phát động "phong trào bảo vệ trị an" ngoài xã hội và "phong trào bảo mật phòng gian" trong cơ quan, xí nghiệp, lực lượng vũ trang; kết hợp với xây dựng phong trào quần chúng, xây dựng xã, khối đạt tiêu chuẩn vững mạnh; xí nghiệp, đơn vị bộ đội, trường học thành đơn vị an toàn.
Từ trong các hoạt động thực tiễn, quần chúng nhân dân đã sáng tạo ra nhiều hình thức và biện pháp để bảo vệ tài sản Nhà nước, nhất là ở các địa bàn xung yếu, trọng điểm; phối hợp với các cấp, ngành xây dựng các làng, xã chiến đấu, tổ chức phòng ngừa, đấu tranh nhằm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và đảm bảo ANTT trong mọi tình huống. Nhiều tấm gương tiêu biểu trong phong trào quần chúng đảm bảo ANTT đã được tuyên dương để nhân rộng điển hình như: Lê Thị Đông, Nguyễn Thị Khang, Vừ Chông Xử…
Một trong những nhiệm vụ quan trọng và cấp bách lúc bấy giờ của Ty Công an Nghệ An trong cuộc chiến tranh phá hoại chính là chống gián điệp, biệt kích. Thực hiện phương châm "giữ dưới đất là chính, giữ bên trong là chính", ở các vùng xung yếu, Ty Công an Nghệ An đã xây dựng các kế hoạch nghiệp vụ, bố trí lực lượng chủ động đón lõng, bao vây, phong toả.
Phối hợp với các lực lượng quân sự, dân quân du kích... phát động quần chúng khoanh vùng đánh địch ở 53 xã trọng điểm và xây dựng hệ thống liên lạc chỉ huy ở 234/417 xã; lập phương án chống gián điệp, biệt kích ở 353/417 xã với nhiều tình huống khác nhau. Trực tiếp đấu tranh 44 vụ án gián điệp, xác lập và đấu tranh 24 chuyên án, bắt giữ 80 tên gián điệp; vô hiệu hoá, cảm hoá, giáo dục hàng chục đối tượng, thu hồi hàng trăm khẩu súng các loại, nhiều vũ khí, phương tiện, điện đài, tài liệu của địch. Đối với bọn phản động nội địa, Ty Công an Nghệ An vừa tiến hành các biện pháp phòng ngừa vừa đẩy mạnh trinh sát, đấu tranh chuyên án, phát động quần chúng nhân dân tham gia phong trào "phòng gian bảo mật”.
Đoàn viên thanh niên tham quan bảo tàng truyền thống của Công an Nghệ An |
Thời gian này, với mục tiêu cắt đứt các huyết mạch giao thông, ngăn chặn chi viện cho chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ đã tập trung số lượng lớn máy bay và bom đạn đánh vào các mục tiêu giao thông vận tải, nhất là các cầu, đường trên tuyến Quốc lộ 1A, đường 7, đường 15, đường sắt, đường thuỷ và các cầu nhỏ trên các tuyến tỉnh lộ, liên hương... Có những mục tiêu bị đánh phá nhiều lần, mang tính huỷ diệt, như: Ga Hoàng Mai, ga Vinh, cầu Cấm, phà Bến Thuỷ, dốc Truông Bồn, cầu Giát, cầu Bùng…
Trước tình hình đó, thực hiện khẩu hiệu: "Mặt đường, sông nước là chiến trường, phương tiện là vũ khí", lực lượng CSGT đã hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng khác như thanh niên xung phong, giao thông vận tải, công binh… kiên cường bám cầu, bám đường, bám phà, không quản ngại hy sinh, gian khổ, dũng cảm chiến đấu bảo vệ từng mét đường; kịp thời điều hành các phương tiện, bảo vệ an toàn hàng hóa, vật tư, tài sản trên xe, trong kho, bến bãi, nhằm giữ vững mạch máu giao thông, đảm bảo an toàn nhất về người và tài sản chi viện cho chiến trường miền Nam.
Vận động quần chúng nhân dân đào hơn 1.000 hố tăng xê (hố tránh bom) và hàng trăm km giao thông hào để phòng, chống máy bay địch. Trong cuộc chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ, đã xuất hiện nhiều đơn vị và cá nhân tiêu biểu, trở thành những tấm gương quả cảm trong nhiệm vụ giữ vững mạch máu giao thông ở những "toạ độ lửa" khốc liệt, như: Đội CSGT Công an TP Vinh, Trạm Công an đường sắt ga Vinh và các liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, như: Nguyễn Trọng Đích, Hoàng Vũ Trọng, Huỳnh Năm, Đoàn Danh Ngôn, Tăng Bá Bình, Trần Văn Điển…
Cùng với việc giữ vững mạch máu giao thông là nhiệm vụ bảo vệ hàng hoá vận tải, tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân. Ty Công an Nghệ An đã tham mưu cấp ủy, chính quyền hành chính các cấp thành lập các tổ chức phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu người, cứu tài sản. Toàn tỉnh đã lập 85 trạm gác phòng không, 6.508 người tham gia các đội phòng cháy, chữa cháy, 2.345 người tham gia các đội cứu thương, tải thương.
Lực lượng Phòng cháy, chữa cháy Ty Công an Nghệ An đã phối hợp với các lực lượng dũng cảm “cứu chữa” trên 350 trận, bảo vệ an toàn trên 55.000 tấn phương tiện (hàng quân sự), 40.000 tấn xăng dầu. Nhiều trận đánh ác liệt với giặc Mỹ, "giặc lửa" đã để lại tiếng vang lớn trong thời gian này như: Trận chữa cháy Kho xăng dầu Hưng Hoà ngày 5/8/1964, trận chữa cháy tàu Đoàn Kết trên cảng Bến Thuỷ ngày 10/5/1965, trận chữa cháy 6 toa tàu chở đầy đạn pháo tại ga Si tháng 12/1972, vụ chữa cháy cứu trận địa tên lửa ở Đô Lương ngày 24/6/1972 và vụ 99 ngày đêm chữa cháy trên tầng cao mỏ than Khe Bố...
Mặc dù thời kỳ này, Ty Công an Nghệ An tập trung toàn bộ lực lượng để chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, tuy nhiên, công tác đấu tranh, khám phá án trị an (hình sự) vẫn được chú trọng, đặc biệt là những vụ trọng án liên quan đến cướp của, giết người. Tỉ lệ phá án thời kỳ này đạt từ 70 - 80%, nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng được điều tra, xử lý kịp thời.
Trong đó, nhiều vụ án kinh tế phức tạp đã được khám phá, như: Vụ Nguyễn Đình Nạp, Nguyễn Ngọc Quang, là lái xe cho Bộ Giao thông Vận tải, chuyển thuốc tân dược cho chiến trường đã lấy 9.580 lọ sâm Trung Quốc, Triều Tiên; vụ Công ty đường ngầm ở TP Vinh, đã bắt 30 tên do Bùi Văn Mẫu cầm đầu xảy ra hồi tháng 5/1969; vụ tham ô tập thể ở Ga Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu (4/1969); vụ tham ô ở Đại lý tiết kiệm nông trường 3/2, huyện Quỳ Hợp (9/1970) do Đỗ Như Hoa cầm đầu... Những chiến công ấy đã góp phần đảm bảo ổn định trật tự trị an cho hậu phương, tạo niềm tin vững chắc cho tiền tuyến.
Song song với nhiệm vụ giữ gìn ANTT, bảo vệ vững chắc hậu phương miền Bắc XHCN, Ty Công an Nghệ An đã hết lòng, hết sức chi viện cho các chiến trường. Tính từ năm 1962 - 1975, đã chi viện cho chiến trường miền Nam và chiến trường Lào 441 CBCS. Trong đó, có 63 đồng chí CBCS Ty Công an Nghệ An và CBCS Công an là người Nghệ An đã anh dũng hy sinh, hàng chục đồng chí khác bị thương trên chiến trường miền Nam và chiến trường Lào, nhiều gấp 6,3 lần số CBCS Công an hy sinh tại Nghệ An trong 2 cuộc chiến tranh phá hoại.
Qua những năm tháng làm nhiệm vụ chiến đấu gian khổ ấy, các đồng chí đã phát huy truyền thống quê hương Xô Viết anh hùng, kiên cường, dũng cảm chiến đấu, gắn bó với cán bộ địa bàn, giữ đất, giành dân, không quản ngại khó khăn, gian khổ, xứng đáng với trọng trách và niềm tin mà cấp uỷ, lãnh đạo Ty Công an đã giao phó. Nhiều tấm gương chiến đấu quả cảm, ngoan cường và hy sinh anh dũng đã tô thắm thêm bề dày truyền thống của Ty Công an Nghệ An, được đồng bào miền Nam ruột thịt ghi nhớ và kính phục, như các đồng chí: Bùi Huy Giáp, Đỗ Ngọc Huyền, Nguyễn Đức Thung, Lưu Xuân Hội, Trần Minh Viễn, Trần Thanh Hồng…
Có thể nói, trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Ty Công an Nghệ An đã góp phần quan trọng, cùng nhân dân cả nước đánh thắng giặc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Với những cống hiến to lớn ấy, Công an Nghệ An vinh dự được Đảng, Nhà nước ghi nhận và phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 10 đơn vị và 4 cá nhân.
.