(Congannghean.vn)-Y tế học đường có vai trò hết sức quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe và khám, chữa bệnh cho học sinh, những thế hệ tương lai của đất nước. Tuy nhiên, hiện nay ở hầu hết các điểm trường trên địa bàn tỉnh đều không có cán bộ y tế chuyên trách. Điều đó cho thấy, công tác y tế học đường (YTHĐ) vẫn chưa được đầu tư, quan tâm đúng mức.
Toàn tỉnh hiện có 518 trường mầm non, 541 trường tiểu học, 410 trường trung học cơ sở và 113 trường trung học phổ thông. Trong đó, chỉ có các trường mầm non và trung học phổ thông là có 100% cán bộ y tế chuyên trách, còn lại các trường tiểu học và trung học cơ sở chỉ có 75% là có cán bộ y tế chuyên trách. Thực tế, đã có 100% trường trên địa bàn tỉnh có cán bộ y tế. Tuy nhiên, đa số cán bộ YTHĐ là những người chưa được đào tạo chuyên sâu về y tế mà chỉ giữ chức năng kiêm nhiệm.
Thông tư liên tịch số 18, ngày 28/4/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế cũng quy định: “Nhân viên YTHĐ phải có trình độ từ trung cấp y trở lên thuộc biên chế chính thức của nhà trường”. Quy định là như vậy, song trên thực tế, đến thời điểm này, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã có nhân viên y tế nhưng chỉ là… kiêm nhiệm.
Tổ chức khám sức khỏe cho học sinh Trường THPT Quỳnh Lưu I, huyện Quỳnh Lưu |
Hiện nay, công tác YTHĐ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cải thiện môi trường học tập an toàn và chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu cho học sinh. Mặc dù 100% trường học trong tỉnh đã có cán bộ y tế nhưng chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm. Phần lớn cán bộ y tế là văn thư hoặc kế toán, thủ quỹ kiêm nhiệm nên họ chỉ dám xử lý những tình huống bệnh thông thường, sau đó đưa sang trạm y tế và thông báo cho phụ huynh học sinh. Một số cán bộ y tế trường học còn lúng túng trong triển khai nhiệm vụ và chưa làm tốt việc tham mưu cho lãnh đạo nhà trường trong công tác này.
Cơ sở vật chất cho công tác YTHĐ tại một số trường chưa đồng bộ. Chất lượng khám, chữa bệnh không cao do không đủ các điều kiện. Ngoài ra, kinh phí triển khai các hoạt động chuyên môn chủ yếu từ nguồn mục tiêu quốc gia, nên việc bố trí kinh phí cho công tác YTHĐ gặp không ít khó khăn. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chăm sóc sức khỏe cho học sinh.
Giải thích về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Thái, Chánh Văn phòng phụ trách mảng YTHĐ (Sở GD&ĐT) cho biết: Do kinh phí triển khai các hoạt động YTHĐ chủ yếu từ nguồn mục tiêu quốc gia và nguồn quỹ bảo hiểm y tế học sinh trích lại cho các trường, kinh phí của các huyện, thị xã, thành phố cũng như các xã, phường, thị trấn hỗ trợ còn ít, nhiều nơi không có kinh phí cho công tác này. Vì vậy, việc bố trí kinh phí cho công tác YTHĐ gặp không ít khó khăn.
Hiện nay, việc kiểm tra, giám sát vệ sinh y tế trường học tuy tiến hành khá đều đặn hàng năm, với sự phối hợp của Sở Y tế và Sở GD&ĐT, nhưng chất lượng chưa cao, do thiếu nhân sự và trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra. Khi phát hiện những thiếu sót, có rất ít trường chịu khắc phục tồn tại, yếu kém. Tình trạng này kéo dài trong nhiều năm liền chỉ vì “không có kinh phí”, “khó khắc phục”.
Mặc dù công tác YTHĐ trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến nhưng trên thực tế vẫn còn gặp không ít khó khăn. Thiết nghĩ, việc đầu tư cho công tác YTHĐ là rất cần thiết, có ý nghĩa quan trọng, do đó cần phải có cơ chế phù hợp nhằm thu hút cán bộ y tế có chuyên môn và tâm huyết về công tác tại các trường, nhất là cần có chỉ tiêu biên chế cho nhóm đối tượng này.
Đồng thời, có kế hoạch đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ y tế trường học để nâng cao trình độ chuyên môn. Bên cạnh đó, cần quan tâm bố trí nguồn kinh phí hợp lý cho công tác YTHĐ; chỉ đạo các trường sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí trích lại từ bảo hiểm y tế học sinh để đầu tư cho cơ sở vật chất... Có như vậy, công tác YTHĐ mới được đảm bảo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.
.