Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201504/nguoi-dua-do-cau-hat-dan-ca-600873/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201504/nguoi-dua-do-cau-hat-dan-ca-600873/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Người đưa đò câu hát dân ca - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 13/04/2015, 09:38 [GMT+7]

Người đưa đò câu hát dân ca

(Congannghean.vn)-Một buổi chiều mưa, tôi hẹn gặp nghệ sĩ Hồng Dương trong quán cà phê nhỏ trên đường Lê Hồng Phong, TP Vinh. Tuy lịch trình đã dày đặc, anh vẫn đồng ý dành cho tôi chút thời gian quý báu trước giờ lên tàu ra Hải Phòng công diễn. Nhấp một ngụm trà, anh bắt đầu kể cho tôi nghe về câu chuyện đời, chuyện nghề, về những năm tháng làm nghệ thuật đầy vất vả và cả tình yêu da diết, không vẩn danh lợi với dân ca ví, giặm.
 
Tình yêu trong trẻo với dân ca ví, giặm 
 
Nghệ sĩ ưu tú Tạ Hồng Dương sinh năm 1969 ở thành Vinh, trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Bố là nhạc công của Đoàn Văn công Nghệ An, mẹ là nghệ sĩ Thu Hương nức danh một thời trong đoàn chèo Nam Định. Mang trong mình sự giao thoa giữa nền văn hóa hai miền, ngay từ nhỏ, anh đã bộc lộ rõ năng khiếu và tình yêu với các loại hình nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là với “đặc sản xứ Nghệ” - dân ca ví, giặm. 
Nghệ sĩ Hồng Dương trong vai diễn Bác Hồ về thăm Đồng Tháp
Nghệ sĩ Hồng Dương trong vai diễn Bác Hồ về thăm Đồng Tháp
Năm 1986, Hồng Dương thi vào Khoa Dân tộc, Trường Sân khấu điện ảnh và đạt số điểm tuyệt đối. Đây là “cánh cửa” mở ra cho anh những cơ hội và trải nghiệm mới về con đường mà mình theo đuổi. Ra trường, Hồng Dương trở về công tác tại đoàn chèo Nghệ Tĩnh (nay là Nhà hát Dân ca xứ Nghệ). Từ đó đến nay, sân khấu dân ca chính là “ngôi nhà” thứ hai, là nơi cho anh “niềm tin, thành công và cả tình yêu đôi lứa”. 
 
Có thể nói, trên sân khấu, Hồng Dương là một trong số ít những nghệ sĩ toàn tài, tỏa sáng ở cả vai “chính” và vai “lệch”. Anh có thể tái hiện thành công một Hiển, chàng sinh viên giàu nghị lực trong “Nơi đất ở”, một Chu Xung trong sáng, lạc quan trong vở kịch “Lôi Vũ”, nhưng cũng để lại không ít ấn tượng mạnh mẽ, khó quên với các vai phản diện, đầy góc cạnh như Thái sư trong vở “Viên ngọc dạ minh châu”, Vũ Nội trong “Góc khuất”. Sự đa năng, linh hoạt, biến hóa đầy tinh tế của Hồng Dương đã được chứng minh qua rất nhiều Huy chương (5 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc) từ các hội diễn chuyên nghiệp trên toàn quốc như: Huy chương Vàng năm 1995, với vở “Viên ngọc dạ minh châu”; Huy chương Vàng năm 2010, với vở “Góc khuất”; Huy chương Bạc năm 2000, với vở “Nơi đất ở” và hàng loạt các giải thưởng cao quý khác…
 
Cũng như các anh chị em nghệ sĩ khác, đằng sau những ánh hào quang trên sân khấu, Hồng Dương cũng phải tất tả trở về đời thường với biết bao khó khăn, vất vả. Nhớ về những năm tháng khó khăn của thời kì bao cấp, khi mà đồng lương không đủ để nuôi sống gia đình, anh không nén được bồi hồi, xúc động. Hồng Dương vẫn chẳng thể nào quên những kỉ niệm trong những chuyến lưu diễn hàng tháng trời đến các vùng sâu, vùng xa. Để có tiền nuôi sống bản thân và “nuôi” nghề, anh phải tranh thủ làm thêm các nghề chụp ảnh, bắn lỗ tai, uốn tóc cho các chàng trai, cô gái ở bản làng. Đó là những năm tháng khó khăn nhất, nhưng cũng là cái thuở đầy say mê và cháy hết mình với nghệ thuật như anh trải lòng tâm sự.
 
Hai thập kỉ với hàng trăm vai diễn về Bác Hồ
 
Trong cuộc đời theo đuổi nghệ thuật, vai diễn mà Hồng Dương thể hiện nhiều nhất chính là hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. 25 năm tham gia diễn xuất với hơn 100 lần hóa thân vào vai Bác Hồ, với anh đó là một niềm tự hào, vinh dự lớn không thể diễn tả hết bằng lời. 
 
Như là duyên tiền định, khi mới “chân ướt chân ráo” vào đoàn, Hồng Dương đã được cấp trên tin tưởng, giao cho vai Bác Hồ trong vở “Danh nhân lớn lên từ câu hò ví, giặm”. Đây là một bản trường ca kể về cuộc đời của Người từ lúc ấu thơ ở làng Sen cho đến những phút giây giã từ sau cuối. Thuở ấy, dù còn trẻ tuổi đời, tuổi nghề, nhưng Hồng Dương đã mạnh dạn nhận vai, anh quyết tâm phải thể hiện thật tốt vì đây là một cơ hội không dễ gì có được. Như một sự đáp trả công sức và nỗ lực của anh, vở diễn đã đạt Huy chương Vàng tại Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2000. 
 
Và rồi, từ sân khấu đầu tiên thành công vang dội ấy, Hồng Dương tiếp tục được giao những vai diễn khác về Bác. Trong những vở “Lời người lời của nước non”, “Những mẩu chuyện về Bác Hồ”, “Danh nhân lớn lên từ câu hò ví, giặm”, “Bác về”…, hình ảnh Hồng Dương trong bộ quần áo kaki giản dị, đôi dép nâu cũ sờn, chất giọng trầm ấm, mang nặng ân tình xứ Nghệ đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả trên mọi miền đất nước. 
 
Không chỉ thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu dân ca, Hồng Dương còn được các đạo diễn điện ảnh “chọn mặt gửi vàng”, tiếp tục hóa thân vào vai diễn về Người trong các bộ phim “Bác về”, “Cõi thiêng”, “Thầu Chín ở Xiêm”. Đặc biệt, anh còn tham gia lồng tiếng cho nghệ sĩ Trần Lực trong bộ phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, góp phần tái hiện xuất sắc chân dung vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc trong những năm tháng bôn ba cứu nước.
 
Niềm kính yêu Bác và trách nhiệm trong lao động nghệ thuật chính là động lực thúc đẩy Hồng Dương tiếp tục thăng hoa hơn nữa trong các vai diễn. Theo anh, bí quyết diễn xuất thành công hình tượng Hồ Chủ tịch, đó là mỗi ngày đều luyện tập không ngừng nghỉ, dành nhiều thời gian để tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác qua sách báo, những thước phim, những mẩu chuyện của các nhân chứng lịch sử. Anh tận dụng tất cả các kênh thông tin để từ đó phác họa cho mình một chân dung đầy đủ, trọn vẹn nhất về Người.
 
Hồng Dương đặc biệt chú ý đến cử chỉ, phong thái và cách nói của Bác. Có nhiều chi tiết nhỏ phải rất tinh ý mới nhận ra, như việc lẫn trong âm sắc xứ Nghệ của Bác có phong vị hiện đại, sang trọng của các thứ tiếng nước ngoài (tiếng Anh, tiếng Pháp). Bác nói “nhưn dưn” chứ không phải “nhân dân”, “cách mệnh” chứ không phải “cách mạng”. Cái khó nhất theo Hồng Dương chính là làm sao tái hiện được thần thái ung dung, tự tại, hòa hiếu, thể hiện một nhân cách lớn, trí tuệ lớn, tâm hồn lớn của một danh nhân mang tầm vóc thời đại. 
 
Hơn hai thập kỉ trải lòng trên sân khấu, tình yêu với dân ca ví, giặm đã trở thành nhiên liệu “đốt cháy”, giúp Hồng Dương tỏa sáng. Năm 2012, anh vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Với Hồng Dương, đó là một phần thưởng tinh thần quý giá để anh tự hào rằng, cuộc đời cống hiến vì nghệ thuật của mình không một giây phút nào trôi qua vô nghĩa.
.

Thu Phương

.