Văn hóa - Giáo dục
Vẫn còn giáo viên dạy thêm trái quy định
15:45, 21/03/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Chỉ thị 5105/CT-BGDĐT về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học, đã nhận được sự đồng tình cao của dư luận, nhất là các bậc phụ huynh. Việc dạy thêm, học thêm, thi chọn vào các trường THCS chất lượng cao cũng như những sân chơi trí tuệ cho học sinh tiểu học ở các cấp huyện, tỉnh, quốc gia chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định. Sau một thời gian triển khai, việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm có thực sự đem lại hiệu quả?
Ngày 3/11/2014, Bộ GD&ĐT ban hành Chỉ thị 5105/CT-BGDĐT về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An ban hành Công văn số 2380/SGDĐT-GDTH, ngày 20/11/2014, nhằm chỉ đạo các giải pháp hạn chế sức ép phải học thêm đối với phụ huynh, học sinh tiểu học; đồng thời, tổ chức hội nghị tư vấn để tham mưu UBND tỉnh chủ trương tuyển sinh vào lớp 6 các trường chất lượng cao cấp huyện không qua thi tuyển.
Thực hiện Chỉ thị số 5105/CT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Nghệ An ban hành Công văn số 2380 về việc chấn chỉnh dạy thêm trái quy định đối với giáo dục tiểu học. Theo đó, yêu cầu tất cả các trường tiểu học phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mỗi giáo viên phải ý thức được rằng: Dạy thêm ở tiểu học là việc làm vi phạm chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Mỗi nhà trường, giáo viên phải có cam kết bằng văn bản về thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Xử lý trách nhiệm của người đứng đầu đối với các phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục nếu để cán bộ quản lý, giáo viên cơ sở mình vi phạm chủ trương cấm dạy thêm đối với giáo dục tiểu học; không xem xét thi đua trong năm học đối với phòng GD&ĐT, trường tiểu học có giáo viên vi phạm quy định. Ngoài ra, sẽ tăng cường công tác phối hợp với chính quyền cơ sở, tổ dân phố và các lực lượng xã hội phát hiện và đấu tranh với hành vi dạy thêm ở tiểu học (kể cả giáo viên đã nghỉ hưu). Tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời đối với giáo viên vi phạm quy định.
Chỉ thị số 5105/CT-BGDĐT được ban hành đã giảm bớt áp lực cho học sinh tiểu học |
Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Thái Huy Vinh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Sở đã quán triệt, chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các trường tiểu học thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này, đảm bảo dứt khoát “5 không”: Đối với học sinh học 2 buổi/ngày, không ra bài tập về nhà; không thi học sinh giỏi tiểu học; không thành lập các đội tuyển để bồi dưỡng, các sân chơi trí tuệ; không kiểm tra chất lượng đầu năm học; không thi tuyển vào lớp 6. Sở cũng khuyến khích các trường tiểu học, những nơi học 2 buổi/ngày, học sinh để sách vở tại trường, chỉ trừ thứ 6 thì đưa về cho phụ huynh kiểm tra, xem xét để có sự phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường.
Các trường tiểu học cũng đã đưa ra các giải pháp để giảm thiểu tình trạng dạy thêm, học thêm như: Nâng cao chất lượng dạy học 2 buổi/ngày; đẩy mạnh, đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên môn trường, cụm trường về các nội dung mới của cấp học; xây dựng chương trình giáo dục nhà trường, trong đó chú trọng giờ tự học cuối ngày có hướng dẫn của giáo viên để giải quyết các bài tập trong ngày...
Sở GD&ĐT phối hợp với Thanh tra Sở kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định ở một số đơn vị như TP Vinh, Nghi Lộc, TX Cửa Lò. Kết quả cho thấy, tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn diễn ra, một số ít giáo viên ở các huyện vẫn dạy thêm trái quy định.
Lý giải về tình trạng này, ông Thái Huy Vinh cho biết: Một số giáo viên vẫn chạy theo cơ chế thị trường, thương mại hóa giáo dục, thiếu lòng tự trọng nghề nghiệp, tổ chức dạy thêm dưới nhiều hình thức đã gây ra áp lực đối với phụ huynh và học sinh. Do đó, hiện tượng dạy thêm, học thêm trái quy định vẫn chưa chấm dứt. Nhiều phụ huynh xuất phát từ áp lực con phải vào học ở các trường điểm đã buộc phải cho con học thêm. Bên cạnh đó, một số ít giáo viên dù đã về hưu nhưng vẫn tổ chức dạy thêm. Nhiều phụ huynh lại tỏ ra thờ ơ, ít quan tâm đến chủ trương này của ngành GD&ĐT. Trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để kiểm tra và có hình thức xử lý nghiêm tình trạng này.
Liên quan đến chủ trương này của Bộ GD&ĐT, một trong những khó khăn của ngành giáo dục tỉnh Nghệ An hiện nay là việc tuyển sinh vào lớp 6 của các trường THCS chất lượng cao. Do nhu cầu học sinh vào học lớn, trong khi khả năng đáp ứng và chỉ tiêu tuyển sinh có hạn nên việc lựa chọn một hình thức xét tuyển phù hợp, đảm bảo chất lượng đầu vào và công bằng đang là “bài toán” khó khi thực hiện chủ trương không được tổ chức thi tuyển của Bộ GD&ĐT.
Huyền Thương