(Congannghean.vn)-Vovinam (còn gọi là Việt võ đạo) là môn võ cổ truyền đặc sắc của Việt Nam, nhưng vì trước năm 2009, môn võ này chưa phát triển nên không được biết đến ở Nghệ An. Huấn luyện viên Trần Hoàng Biên là người đầu tiên có công gây dựng môn võ học này tại quê hương mình. Đến nay, sau nhiều năm thầm lặng truyền bá và vun đắp, anh đã đưa Vovinam phát triển lớn mạnh, trở thành môn võ phổ biến ở Nghệ An, đem lại thành tích vẻ vang cho thể thao tỉnh nhà.
Vạn sự khởi đầu nan
Ngày Liên đoàn Vovinam Nghệ An chính thức được thành lập và đi vào hoạt động (12/10/2014), người vui nhất có lẽ là thầy giáo, huấn luyện viên Trần Hoàng Biên. Chàng trai trẻ sinh năm 1983 này là người đầu tiên “mở đường” đưa môn võ đặc sắc này về với quê hương xứ Nghệ. Với xuất phát điểm gian khó, anh cùng những người tâm huyết với Vovinam đã chung tay xây dựng Liên đoàn đi đến thành công từ con số 0 đúng nghĩa: không trụ sở, không kinh phí và phong trào tập luyện Vovinam còn hoàn toàn xa lạ với người dân.
Ít ai biết, hành trình đến với Vovinam của Biên là con đường hết sức chông gai. Anh bén duyên với môn võ này năm 18 tuổi, trong một dịp vào chơi nhà người chú ở Vũng Tàu. Chú anh là võ sư dạy thiếu lâm tự, vì muốn rèn luyện thể lực cho cháu nên đã đưa anh đến Nhà thi đấu đa năng Vũng Tàu để luyện võ. Hồi ấy, Biên chưa có ý niệm gì về võ thuật nhưng tình cờ, anh được gặp và nói chuyện với thầy giáo dạy võ Vovinam ở đó. Cuộc trò chuyện ngắn ngủi đã để lại trong Biên ấn tượng vô cùng sâu sắc. Anh quyết định đến với Việt võ đạo mà không ngờ rằng, quyết định ấy đã hoàn toàn thay đổi định hướng cuộc đời mình.
Thầy Biên và màn biểu diễn Quyền vũ khí |
Sau 6 tháng luyện tập, gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền sớm đè nặng lên vai chàng trai trẻ đã buộc Biên phải bỏ dở niềm đam mê để kiếm sống. Nhiều năm “bôn ba” khắp Sài Gòn, Vũng Tàu, Đồng Nai làm đủ mọi nghề, nhưng anh vẫn không nguôi nhớ về những ngày tháng trên sàn đấu. Cuối năm 2004, cơ duyên với môn võ Vovinam một lần nữa lại tìm đến với anh. Thông qua Internet, Biên quen với võ sư Phạm Quang Long (Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Hà Nội). Ông là người đã dìu dắt anh trở lại với đam mê và giúp đỡ về mặt tài liệu liên quan đến võ học. Mãi đến năm 2007, Biên mới có cơ hội ra Hà Nội để gặp thầy Long. Anh được thầy nhận làm đệ tử, nuôi ăn học trong nhà. Tuy khoảng thời gian quý báu bên thầy không nhiều nhưng đã giúp Biên thực sự trưởng thành trong cả võ thuật và định hướng về tương lai.
Tiễn anh trở về quê nhà, thầy Long dặn dò: “Trách nhiệm của em là về phát triển phong trào Việt võ đạo ở Nghệ An cho thật mạnh…”. Lời dặn ấy đã trở thành động lực để Biên phấn đấu không ngừng nghỉ, từng bước “gây dựng cơ đồ” cho môn võ Vovinam trên đất Nghệ.
Biến thách thức thành cơ hội
Biên không khỏi bùi ngùi khi nhớ về buổi đầu đầy khó khăn, vất vả. Năm 2007, anh trở về quê nhà và mở lớp học võ miễn phí cho trẻ em trong vùng nhưng không được dân làng ủng hộ. Họ đệ đơn lên chính quyền xã đòi giải tán. Xã buộc anh đóng lớp với lí do không có giấy phép hành nghề. Biên phải lặn lội đến các ban, ngành, cơ quan chức năng để xin giấy phép hoạt động. Cuối cùng, nhờ sự giới thiệu của ông Trần Huy Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Thể dục Thể thao quần chúng, anh đã hoàn tất mọi thủ tục pháp lý để đưa môn võ Vovinam phát triển tại tỉnh nhà.
Năm 2009, Biên thành lập Câu lạc bộ (CLB) võ thuật Trường THPT Phan Bội Châu, cũng là CLB Vovinam đầu tiên ở Nghệ An lúc bấy giờ. Khó khăn và thử thách lại càng nhiều thêm. Đã có lúc, lương dạy học không đủ để trả tiền phòng trọ, Biên phải xin ở tạm tại lán công trình của một người bạn làm xây dựng. Đêm về lán ngủ, ban ngày, anh đi dạy võ. Để kiếm sống và bám trụ với nghề, Biên nhận làm thêm đủ mọi việc, từ hàn xì, thợ hồ đến tiếp thị bánh kẹo… Thậm chí, anh còn tự mua vải về may võ phục cho học sinh để vừa có thêm thu nhập cho mình, vừa tiết kiệm chi phí cho các em. Theo đuổi đam mê đến cùng, không ít lần, anh vấp phải sự phản đối quyết liệt của bố mẹ và cái nhìn hoài nghi của bà con làng xóm. Nhiều người gọi anh là “thầy hâm”. Trước những lời bàn tán không hay, Biên chỉ lặng lẽ dùng hành động và nỗ lực của mình để chứng minh con đường anh đang theo đuổi là đúng đắn.
Trải qua 7 năm xây dựng và phát triển, đến nay, huấn luyện viên Trần Hoàng Biên đã xây dựng được 15 CLB trong tỉnh. Anh còn giúp đỡ các môn sinh Vovinam từ các nơi khác trở về phát triển Vovinam ở nhiều huyện như: Thanh Chương, Đô Lương, Yên Thành, Quỳ Châu, Cửa Lò, TP Vinh… TP Vinh là cơ sở lớn mạnh nhất với 7 CLB lớn như: CLB Trường ĐH Vinh, CLB ĐH Vạn Xuân… Môn võ Vovinam cũng từng bước khẳng định vị thế của mình khi xây dựng được đội ngũ đông đảo gồm 30 huấn luyện viên và gần 1.000 võ sinh hoạt động thường xuyên. Đồng thời, một số trường ĐH như ĐH Vạn Xuân cũng đã đưa môn võ Vovinam vào giảng dạy chính thức.
Những năm gần đây, ghi nhận sự phát triển vượt bậc của môn võ cổ truyền Vovinam trong đời sống văn hóa - xã hội của người dân xứ Nghệ, năm 2013, nhờ sự giúp đỡ của ông Lê Minh Giang, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Vinh, Biên đã đứng ra phối hợp tổ chức thành công giải “Vovinam - Việt võ đạo Trường Đại học Vinh mở rộng lần thứ nhất” gây được tiếng vang lớn. Nối tiếp những thành công đó, trong Đại hội thể dục thể thao toàn quốc lần thứ VII - 2014, bộ môn võ thuật này đã xuất sắc đem về 2 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Đồng cho đoàn thể thao tỉnh nhà. Đặc biệt, ngày 12/10/2014, Liên đoàn Vovinam Nghệ An chính thức được thành lập và đi vào hoạt động. Đây được xem là dấu mốc mở ra một trang mới của bộ môn Vovinam tỉnh Nghệ An. Những thành công rực rỡ đó không thể không kể đến công lao to lớn của Trần Hoàng Biên.
.