(Congannghean.vn)-Dân ca ví, giặm có một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân xứ Nghệ, tạo nên bản sắc riêng của mảnh đất sâu nặng nghĩa tình, cho nên việc bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh rất được quan tâm. Sau khi được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, một trong những hướng đi để bảo tồn dân ca ví, giặm chính là truyền tình yêu dân ca ví, giặm cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, trên thực tế, thế hệ trẻ đến với dân ca không nhiều, để tìm được người kế cận là rất khó khăn.
Dân ca ví, giặm là tiếng hát tâm tình của người dân xứ Nghệ. Từ trong lao động, sản xuất, người dân tìm về với cội nguồn dân ca. Thuở bé, nghe bà, mẹ cất lên điệu hò, câu ví mà nhớ, mà thuộc... Nhưng để say mê, theo đuổi nghiệp hát dân ca thì không phải ai cũng có. Đó phải là niềm đam mê và có năng khiếu thật sự.
Các câu lạc bộ dân ca ví, giặm thành lập và mở rộng đến tận phường, xã, thôn, xóm. Từ trong câu lạc bộ, các hạt nhân được phát huy tiềm năng của mình với dân ca... Mặc dù số lượng thành viên trong các câu lạc bộ đông nhưng đa số là các cụ ông, cụ bà đã lớn tuổi, lớp trẻ đến với dân ca còn rất ít ỏi. Điều này cũng dễ hiểu, khi xu thế hiện nay, giới trẻ ưa chuộng dòng nhạc hiện đại, xa rời cái da diết, ngọt ngào của làn điệu dân ca. Thành lập câu lạc bộ dân ca để lôi kéo được các tầng lớp từ trí thức, bộ đội... tham gia để dân ca thực sự sống trong đời sống, trở thành máu thịt, món ăn tinh thần không thể thiếu và hơn hết là kế cận những bậc lão làng. Bên cạnh đó, phong trào đưa dân ca vào trường học cũng là một trong những hoạt động sôi nổi, mạnh mẽ và có sức lan tỏa, từ đó phát hiện ra những hạt nhân có năng khiếu với dân ca.
Khó khăn trong việc truyền dạy dân ca cho thế hệ trẻ |
Đã hơn 20 năm nay, Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Nghệ An đưa bộ môn dân ca thành một trong những chuyên ngành tuyển sinh chính của trường. Theo chỉ tiêu hàng năm, trường sẽ tuyển sinh từ 15 - 20 em, thế nhưng, năm nào trường cũng chỉ tuyển được một nửa trong số chỉ tiêu, số lượng thí sinh chỉ đạt từ 8 - 10 em.
Thầy giáo Phan Mậu Cảnh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Các em đến với dân ca ngoài niềm đam mê đòi hỏi cần phải có năng khiếu cùng với môi trường hoạt động. Đó có thể là môi trường giảng dạy trong nhà trường, các hoạt động ngoài xã hội hay tại các trung tâm, tạo môi trường cho dân ca hoạt động một cách tự nhiên. Tuy nhiên, không phải tự phát mà có sự chỉ đạo, có quy mô. Thế nhưng, hiện nay các em đến với bộ môn này rất ít, do không có năng khiếu, rồi cơ chế thu hút kém, đầu ra khó, việc làm không ổn định, thu nhập thấp. Có đam mê nhưng để lưu luyến, gắn bó với bộ môn này thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay... Chính vì vậy, bộ môn này rất khó tuyển sinh.
Để thu hút lớp trẻ đăng ký tuyển sinh vào chuyên ngành dân ca cũng đang là trăn trở của Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật. Trước hết, cần phải tuyên truyền cho giới trẻ về cội nguồn dân ca, có những giải pháp như xây dựng cơ sở hát dân ca, câu lạc bộ dân ca, du lịch dân ca, để thu hút các em đến với bộ môn này. Trong những năm qua, nhà trường rất chú trọng đưa dân ca vào trường học, đặc biệt năm 2014, đã tổ chức Hội thi tiếng hát dân ca trong phạm vi nhà trường.
Thời gian tới, trường đang có kế hoạch làm đề án, đề tài một cách bài bản để đưa dân ca vào trường học từ bậc cao đẳng đến bậc phổ thông. Trường cũng phối hợp liên kết với Trung tâm Bảo tồn Dân ca xứ Nghệ, các đoàn nghệ thuật đào tạo nguồn. Ngoài giảng dạy bộ môn dân ca đúng chuyên ngành thì nhà trường còn đưa dân ca vào dạy tại các ngành khác như: Quản lý văn hóa, du lịch...
Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho Lễ vinh danh dân ca ví, giặm vào ngày 31/1, ngày 28/1 tới, trường sẽ tổ chức Hội thảo khoa học về chuyên đề “Học sinh, sinh viên với việc bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ”. Đây là hội thảo khoa học đầu tiên tổ chức có quy mô với trên 40 bài tham luận của học sinh, sinh viên trên địa bàn toàn tỉnh. Hy vọng những cuộc hội thảo sẽ giúp các em đến với bộ môn dân ca nhiều hơn. Từ đó, góp phần trong việc bảo tồn, phát huy vốn di sản quý giá này.
.