Văn hóa - Giáo dục

Tâm nguyện của nghệ nhân tuồng cổ Kẻ Gám

09:18, 25/12/2014 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Từ bao đời nay, làng Kẻ Gám, xã Xuân Thành, huyện Yên Thành đã nổi tiếng là cái nôi của tuồng cổ. Một trong những nghệ nhân nổi tiếng khắp huyện lúa lúc bấy giờ là ông Phan Văn Lạng (SN 1940), người làng Kẻ Gám. Dù nay tuổi đã cao, sức yếu đi nhiều nhưng ông vẫn một lòng tâm huyết với tuồng. Ông luôn cố gắng giữ gìn và bảo tồn môn nghệ thuật dân gian này. Đồng thời, muốn “truyền lửa” cho thế hệ trẻ ngày nay trước nguy cơ nghệ thuật tuồng bị mai một. 
 
Niềm đam mê hát tuồng từ nhỏ
 
Tuồng Kẻ Gám từ lâu đã nổi danh khắp huyện lúa và mỗi khi nói đến môn nghệ thuật này, không ai không biết đến ông Lạng - bậc cao niên trong làng đã có công rất lớn trong việc phát huy và bảo tồn môn tuồng. 
Ông Lạng (giữa) cùng với những nghệ nhân trong đội tuồng
Ông Lạng (giữa) cùng với những nghệ nhân trong đội tuồng
Theo sự chỉ dẫn của các cụ trong làng, chúng tôi tìm về nhà ông vào những ngày trời bắt đầu se se lạnh, với mong muốn được ông chia sẻ về những điều hay, lẽ phải khi đến với hát tuồng. Nở nụ cười mến khách, ông Lạng tâm sự về cái duyên của mình với môn nghệ thuật này: “Cái duyên đưa tôi đến với tuồng cổ từ khi đầu còn để 3 chỏm tóc. Lúc đó nhà tôi ở cạnh nhà cố Hoàng Tao - nghệ nhân tuồng nổi tiếng một thời của làng Kẻ Gám. Hàng ngày, khi bên nhà cố Tao tập tuồng là tôi lại chạy sang xem, rồi “say” với những điệu tuồng từ lúc nào không biết”. 
 
Từ khi say mê với những điệu tuồng, những câu diễn, ông bắt đầu để ý học mót theo. Hàng ngày, ông lén học cách hát, cách xướng điệu, cách biểu diễn của các cụ rồi tự tập luyện một cách say sưa, nhuần nhuyễn. Lúc bấy giờ, phong trào hát tuồng rất phát triển và diễn ra sôi nổi ở làng Kẻ Gám. Những bài hát tuồng được bà con trong vùng yêu thích, mến mộ. Tuy nhiên, do chiến tranh loạn lạc và những khó khăn trong việc chọn người, rồi truyền nghề nên một thời gian dài tuồng cổ bị lãng quên. 
 
Nhận thức vai trò cũng như giá trị của nghệ thuật tuồng, nhằm giữ gìn di sản văn hóa đặc sắc này, đến năm 2000, Câu lạc bộ (CLB) Tuồng xã Xuân Thành được thành lập. Ông Lạng được bầu làm Chủ nhiệm CLB. Đến nay, CLB có gần 30 người tham gia (trong đó 15 người thường xuyên hoạt động tích cực). Hễ người dân nào muốn học, hay những ai đam mê môn tuồng đều có thể đi học và tham gia CLB. Ở đây, các học viên được ông hướng dẫn một cách tận tình, chu đáo, vì thế mà tuồng cổ được nhiều người quan tâm hơn, yêu thích hơn. Nhất là đối với những người trung tuổi trong xã. 
 
Không chỉ say mê với những điệu tuồng và muốn truyền nghề cho các thế hệ trẻ sau này, ông còn tự tay đi mua vải về cắt, may trang phục và tự làm các đạo cụ biểu diễn cho CLB. Thấy sự nhiệt tình và tâm huyết của ông nên bà con trong xã ai cũng muốn đóng góp một ít. Người góp sức, góp tiền, sau nhiều đêm liền thức trắng tự may những bộ quần áo phục vụ cho CLB tuồng, đến nay, hòm trang phục của ông đã có hơn 20 bộ, có thể đáp ứng cho 2 vở tuồng diễn liên tục trong một buổi diễn.
 
Trăn trở với nghệ thuật tuồng cổ
 
Không ngại khó khăn, vất vả, tìm tòi ở những vở tuồng mà ông cha trong làng để lại, có lần ông còn đạp xe đi tới các vùng khác để học các vở tuồng mới về tập cho các hội viên. Trong niềm vui sướng, ông nói: “Khi nghiên cứu các vở tuồng mình lại biết thêm nhiều về lịch sử của dân tộc. Bởi hầu hết các vở tuồng đều nói về các nhân vật lịch sử như Trưng Trắc, Trưng Nhị, Ngô Quyền, Trần Bình Trọng... nên đây cũng là một cách để dạy cho con cháu chúng ta sau này biết nhớ ơn những vị anh hùng của dân tộc”. 
 
Hàng năm, vào buổi nông nhàn hoặc ra giêng, hai, vào dịp hội hè, đình đám, CLB tuồng của làng được các huyện bạn như Đô Lương, Diễn Châu... mời về biểu diễn. Đa phần các thành viên trong hội đã ở tuổi “xế chiều”, nhưng với lòng đam mê, yêu thích hát tuồng và cũng để giữ gìn, bảo tồn loại hình nghệ thuật đang dần bị mai một này, họ hăng say tập luyện quên hết cả mệt mỏi, quên đi những lo toan của cuộc sống thường ngày. Và cũng nhờ có một hội trưởng luôn khởi xướng và đi đầu trong các phong trào nên hội hoạt động rất sôi nổi. 
 
Nhờ có nhiều kinh nghiệm biểu diễn và am hiểu về nghệ thuật tuồng nên một số CLB tuồng ở các xã khác trong huyện mời ông về để hướng dẫn, chỉ bảo cho họ. Những lúc ấy ông không ngại đường sá xa xôi, luôn nhiệt tình đến giúp đỡ. Từ ngày thành lập đến nay, ở cuộc thi nào, CLB Tuồng xã Xuân Thành luôn giành được giải Nhất, nhiều năm liền được cấp tỉnh, huyện tặng Bằng khen, Giấy khen.
 
Giờ tuổi đã cao, sức khỏe yếu đi nhiều nhưng ông vẫn luôn say sưa chỉ dạy cũng như hướng dẫn, chỉ đạo những buổi CLB chuẩn bị đi diễn.Và có một điều ông cứ trăn trở, day dứt mãi trong lòng, đó là lớp trẻ bây giờ không còn mấy ai thích nghe tuồng nữa. Chính những đứa con của ông cũng vậy, vì cuộc sống cơm áo, gạo tiền hàng ngày mà không mấy ai màng đến thú vui này nữa.
 
Ông mong sao chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa, cũng như tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân về môn nghệ thuật này, để có thể giữ chân được những người yêu nghề. Gìn giữ, bảo tồn và phát triển môn nghệ thuật tuồng để nó mãi trường tồn với thời gian.

Đức Chung

Các tin khác