Văn hóa - Giáo dục

Thân thương hai tiếng: Lòng dân

09:42, 23/09/2014 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Từng dòng người đội nắng mưa nhẫn nại xếp thành hàng dài, những khuôn mặt lặng đi trước nỗi đau, hàng trăm thanh niên nắm tay nhau quỳ xuống và bật khóc, hàng triệu con tim nghẹn ngào nức nở khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã về cõi vĩnh hằng… Dù đã 1 năm trôi qua, nhưng những hình ảnh đó vẫn chưa phai mờ trong ký ức của mỗi người dân Việt.

Các em học sinh trường Tiểu học Chu Văn An (Quảng Bình)  đến viếng Đại tướng và tổ chức Lễ kết nạp Đội viên mới
Các em học sinh trường Tiểu học Chu Văn An (Quảng Bình) đến viếng Đại tướng và tổ chức Lễ kết nạp Đội viên mới
Không chỉ với người dân Hà Nội mà với nhân dân cả nước, ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu, quận Ba Đình – nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã sống nhiều năm và khu Núi Thọ - Vũng Chùa - Đảo Yến (thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) - nơi Đại tướng yên nghỉ đã trở thành một địa chỉ quen thuộc. Dù trời nắng hay mưa, vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, tại đây luôn có người dân đến thăm viếng, gửi hoa thắp hương tưởng nhớ. 
 
Bà Phan Thị Thanh, 82 tuổi, ở số 10/127/30 Văn Cao, phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội – người đã từng được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp bùi ngùi nhớ lại: “Năm đó tôi khoảng 35 tuổi. Khi tôi đến nhà cụ Đặng Thái Mai (bác họ tôi) – bố vợ Đại tướng chơi, tôi tình cờ gặp Đại tướng ở đó. Ông được mọi người gọi bằng một cái tên rất thân mật là “anh Văn”. Tác phong nhanh nhẹn, giản dị, giọng nói ấm áp, gần gũi của Đại tướng nửa thế kỷ sau vẫn còn in đậm trong tôi…
 
Những năm sau đó, dù không có điều kiện được gặp Đại tướng nhưng tôi vẫn thường xuyên theo dõi các thông tin liên quan đến   Đại tướng qua báo, đài, truyền hình. Cách đây 1 năm khi nghe tin Đại tướng mất, dù đã nhủ với lòng mình “sinh, lão, bệnh, tử” là lẽ thường tình, nhưng tôi vẫn rất buồn. Tôi nghĩ rằng,  dù có 1 năm, 10 năm, trăm năm hay ngàn năm sau nữa thì tên tuổi ông vẫn còn vang vọng trong mỗi trái tim người Việt”.
Hội CCB Việt Nam trồng hàng thông kính dâng Đại tướng tại đường lên  khu mộ Vũng Chùa (Quảng Bình)
Hội CCB Việt Nam trồng hàng thông kính dâng Đại tướng tại đường lên khu mộ Vũng Chùa (Quảng Bình)
Với tâm trạng tương tự, ông Nguyễn Văn Hùng, 40 tuổi ở huyện Vĩnh Bảo, Thành phố Hải Phòng, người đã đến viếng Đại tướng tại 30 Hoàng Diệu cách đây 1 năm và gửi hương hoa thắp hương Đại tướng vào dịp giỗ đầu của Đại tướng tâm sự, “dù chưa một lần được gặp Đại tướng, nhưng tên tuổi và chiến công lẫy lừng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở nên thân thuộc với chúng tôi từ rất lâu rồi. Ông không chỉ là người làm nên lịch sử mà còn là một tấm gương mẫu mực, một nhân cách lớn đối với nhân dân Việt Nam nói chung và thế hệ trẻ Việt Nam nói riêng. Sự ra đi của Đại tướng khiến hàng triệu người dân Việt Nam xích lại gần nhau và hơn bao giờ hết người ta lại cảm nhận rõ ý nghĩa thân thương của hai tiếng lòng dân”.
 
Đã 1 năm vị Đại tướng “cả đời vì nước vì dân” về cõi vĩnh hằng. Sẽ còn mãi trong trong lòng dân là hình ảnh trong nắng vàng của mùa thu Hà Nội, những dòng người nối đuôi nhau tìm về viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tình cảm thiêng liêng, chân thành. Tuy Đại tướng đã đi xa nhưng hình bóng, những câu nói, tấm gương của ông sẽ được con cháu noi theo, những mong ước, tâm nguyện của Đại tướng sẽ dần trở thành hiện thực. Xin kính cẩn nghiêng mình thắp một nén hương thơm tưởng nhớ ông – vị Đại tướng huyền thoại!

Nguồn: Anninhthudo.vn

Các tin khác