Văn hóa - Giáo dục

Tỏ lòng thành kính Bác Hồ qua những bức ảnh

14:25, 22/09/2014 (GMT+7)

(Congannghean.vn)-Mỗi khi bắt gặp hình ảnh Bác Hồ, ông vui mừng khôn tả, nước mắt rưng rưng. Dù năm nay đã gần 80 tuổi, nhưng với ông, niềm say mê sưu tầm ảnh tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn cháy trong huyết quản.

Ông là Phan Bùi Tường trú tại số nhà 14, ngõ 40, phường Hà Huy Tập, TP Vinh. Đam mê ấy không những đem lại cho ông nhiều niềm vui mà trên hết, đó là hành động hết sức thiết thực trong việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Trong ngôi nhà nhỏ tại TP Vinh, chúng tôi có dịp được trò chuyện với ông Phan Bùi Tường. Dù năm nay đã gần 80 tuổi nhưng mắt ông còn tỏ, tai còn thính và minh mẫn lắm. Đặc biệt, mỗi lần nhắc đến Bác Hồ, đôi mắt ông sáng lên, xúc động rưng rưng. Từng là cán bộ kế toán tại Chi cục Bảo vệ Thực vật Nghệ An, những năm công tác, ông luôn ấp ủ một điều giản dị là sau này nghỉ hưu làm việc gì đó có liên quan đến con người và sự nghiệp của Bác.

Ông chia sẻ: “Tôi không có cơ hội được gặp Bác Hồ bằng xương, bằng thịt, nên muốn tích lũy, sưu tầm những hình ảnh về Người để tỏ lòng kính yêu. Và trên hết, tôi muốn lưu giữ những hình ảnh với các chặng đường hoạt động của Bác để con cháu mình biết được, từ đó học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh”.

Năm 2000, ông Tường nghỉ hưu. Lúc này, ông mới có thời gian rảnh rỗi để thực hiện tâm niệm ấp ủ bấy lâu nay. Về nhà, con cái trưởng thành, chỉ còn 2 vợ chồng, ông bắt đầu hành trình sưu tầm ảnh Bác. Những ngày đầu, chủ yếu ông sưu tầm trên báo Tiền Phong và một số báo khác.

234
Ông Phan Bùi Tường bên tập tư liệu ảnh Bác Hồ mà ông đã dày công sưu tầm

Mỗi lần đọc báo, bắt gặp hình ảnh Bác Hồ, trái tim ông lại dấy lên niềm vui sướng. Ông dùng kéo cắt cẩn thận, đem dán vào tập giấy A4 đã đóng sẵn. Sưu tầm trên báo hàng ngày chưa đủ, ông còn đến các hiệu sách, thư viện đặt mua báo cũ về đọc. Biết chuyện, nhiều bạn bè của ông ủng hộ, ghé nhà thường xuyên với món quà không gì khác là tờ báo có tư liệu, hình ảnh Bác Hồ.

Đam mê, nhiệt huyết, có những khi ông mất ăn, mất ngủ khiến vợ lo lắng. Nhưng rồi, nhận thấy được niềm vui, lạc quan, yêu đời nơi ông, bà hết mực ủng hộ, động viên chồng. Có những lần đi đâu, nghe ai nói người này, người kia có sách báo cũ bán là bà lại tất tả chạy về mách nước cho ông.

Đến nay, gần 15 năm sưu tầm tư liệu ảnh Bác Hồ, ông Tường đã có trên 1.000 ảnh. Sưu tầm từ nhiều nguồn nên trong tập ảnh của ông rất phong phú, không có sự trùng lặp và mỗi bức ảnh là một góc nhìn mang nhiều ý nghĩa về cuộc đời và quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đó là lúc Người lên tàu ra đi tìm đường cứu nước, lúc Bác hoạt động ở nước ngoài, rồi trực tiếp chỉ đạo kháng chiến chống Pháp, Mỹ... Có rất nhiều bức ảnh sâu sát cuộc sống thường nhật của Người như Bác dạy hát cho các cháu thiếu nhi, Bác chẻ củi, đi tắm... Tất cả như hiện lên sinh động hơn qua những bức ảnh mà ông Tường đã sưu tầm có được.

Tập tư liệu ảnh trở thành cuốn sách gối đầu giường của ông Tường. Với ông, nó là một người bạn, một kho tư liệu quý giá, không thể rời xa dù chỉ một ngày. Ông còn ông photo thành nhiều bản để gửi tặng bạn bè. Tranh thủ ngày nghỉ, con cháu lại tụ tập về với ông, động viên bằng cách giúp ông đóng lại các tập ảnh và dán từng tấm ảnh vào tập ảnh.

Ông cho biết: “Thấy ông đang sử dụng giá sách tạm thời, con cháu hứa sẽ mua cho tủ kính để bảo quản lâu dài. Người con rể hiện đang làm nghề giáo, yêu quý tập ảnh coi đây là tài sản quý giá, đang nhắc khéo sau này kế thừa lại cho anh...”.

Ngoài sưu tầm tư liệu về Bác Hồ, ông Tường còn sưu tầm nhiều tấm ảnh rất đẹp khác về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về những người phụ nữ thành đạt nổi tiếng hay những câu chuyện lạ...

Dẫn chúng tôi xem giá sách tạm đóng ở góc tường, mới thấy được sự dày công với niềm đam mê của ông Tường. Ông cho biết, toàn bộ các tập ảnh ở đây là do ông tự sưu tầm và đóng lấy. Đến nay có gần 150 tập ảnh các loại, mỗi tập ảnh được cắt, dán bố trí khoa học, cẩn thận.

Mân mê những bức ảnh về Bác Hồ vừa mới sưu tầm được, ông không giấu được niềm xúc động lẫn tự hào. “Tâm nguyện của tôi là có sức khỏe để tiếp tục sưu tầm những hình ảnh về Bác Hồ, càng nhiều càng tốt.

Đó không chỉ là niềm vui, niềm đam mê mà nó còn là tư liệu quý của gia đình để giáo dục con cháu”. Việc làm của ông Tường gần 15 năm qua thể hiện ý nghĩa thiết thực về việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và mang giá trị cho mai sau.

Phan Tuyết

Các tin khác