Văn phòng Chính phủ vừa thông báo về chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT công bố phương án đổi mới thi ngay trong đầu năm học này với phương án lựa chọn phù hợp nhất. Đây cũng là kỳ vọng, mong mỏi của nhân dân và thí sinh cả nước đối với một kỳ thi quốc gia. Và theo thông tin của chúng tôi, thời điểm này, Bộ GD&ĐT cũng đang nỗ lực hoàn tất những khâu kỹ thuật cuối cùng để có thể công bố phương án một kỳ thi quốc gia theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng. Chúng tôi đã thu thập thêm các ý kiến của các nhà khoa học với nhiều cách “phản biện” mới nhằm tìm ra giải pháp tối ưu cho kỳ thi quốc gia.
NGƯT Mai Thọ Trung, nguyên là Phó Chủ nhiệm Khoa Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2: Ba phương án của Bộ GD&ĐT không thể đáp ứng được cùng lúc hai mục tiêu
“Để có cơ sở cho việc lựa chọn theo tôi cần phải dựa vào mục tiêu của 2 kỳ thi. Mục tiêu của thi tốt nghiệp THPT là đánh giá lại kiến thức học sinh đã học ở bậc phổ thông ở phạm vi rộng, mang tính toàn diện, phải thi nhiều môn; không hạn chế số lượng kết quả thi chỉ cần đạt các môn thi từ 5 điểm trở lên là được, do đó không mang tính cạnh tranh. Vì vậy nên dễ dẫn đến tiêu cực “dĩ hòa vi quý”; việc thi có khi chỉ là hình thức, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp không phản ánh đúng yêu cầu của kỳ thi. Mục tiêu của thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ là kỳ thi tuyển chọn, có chỉ tiêu cụ thể nhằm đào tạo các chuyên gia, những cán bộ chuyên sâu nên các môn thi không nhiều, điểm xét tuyển được lấy từ cao xuống thấp nhưng chỉ giới hạn ở mức nhất định nên kỳ thi mang tính chất cạnh tranh, việc coi thi thường chặt chẽ hơn, ít tiêu cực hơn. Như vậy, mục tiêu của 2 kỳ thi là khác nhau. Do đó cả 3 phương án mà Bộ GD&ĐT đưa ra theo tôi không đáp ứng được 2 mục đích trên.
Theo tôi để giải đáp bài toán rút gọn 2 kỳ thi còn 1 kỳ thi, tôi tán thành các ý kiến xét tốt nghiệp THPT nhưng với phương thức sau: Xét tốt nghiệp phải được dựa vào các điểm thi hết môn vào cuối năm học của 3 lớp 10, 11, 12 với 8 môn bắt buộc: Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ, theo lộ trình: Năm học 2014-2015 là năm chuyển tiếp thì chỉ cần lấy điểm thi hết môn của 8 môn lớp 12; năm học 2015-2016 lấy điểm thi hết môn của 8 môn lớp 11, 12; năm học 2016-2017, lấy điểm thi hết môn của 8 môn lớp 10, 11 và 12; các năm sau cứ thực hiện như vậy. Đề thi và đáp án thi hết môn do Sở GD&ĐT ra, các trường tự tổ chức thi và tự chấm điểm. Chỉ cần môn thi hết môn đạt điểm 5 được nhà trường đưa lên Sở cấp bằng tốt nghiệp THPT. Căn cứ vào điểm xếp loại giỏi, khá, trung bình. Nếu môn nào thi không đạt các em được thi lại, nếu vẫn không đạt thì thi lại vào năm sau. Phương án trên không những đạt được mục tiêu đặt ra khi cấp bằng THPT mà còn thúc đẩy việc dạy học của các thầy cô và học tập của học sinh trong toàn cấp.
Đối với kỳ tuyển sinh vào ĐH và CĐ thì việc tổ chức thi theo khối và các môn thi tuyển như các năm vừa qua đồng thời thực hiện 3 chung là hợp lý, đáp ứng được mục tiêu của kỳ thi quốc gia”.
Học sinh cả nước đang mong mỏi một phương án thi quốc gia tối ưu |
PGS.TS Nguyễn Vũ Lương, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên: Thi tốt nghiệp nên giao cho từng trường chịu trách nhiệm
PGS.TS Nguyễn Vũ Lương đưa ra một phương pháp tổ chức thi cho học sinh phổ thông, đó là thay thế kỳ thi THPT bằng một cách đánh giá nhẹ nhàng, hiệu quả hơn bằng cách giao cho từng trường chịu trách nhiệm. Các môn học xã hội, học sinh có thể viết các bài tổng kết theo một ngân hàng đề bài được soạn trước. Các môn khoa học tự nhiên, các em có thể thi qua mạng theo ngân hàng đề cho trước. Với cách thi này, học sinh luôn hạnh phúc vì có thể đạt được mong muốn của mình. Và các em được học thực sự có hiệu quả. Các kỳ thi ĐH nên thi chung để đánh giá trình độ công bằng hơn. Đề thi có tính phân loại cao. Tuy nhiên, có thể thi chung cho từng nhóm trường và nội dung thi nên cập nhật các kiến thức mới để khuyến khích học sinh tự học, tự nghiên cứu. Hình thức thi có thể rộng hơn nhằm phân loại, đánh giá học sinh theo tiêu chuẩn đề ra của từng trường.
TS Nguyễn Đức Trọng, Phó Hiệu trưởng ĐH Hòa Bình: “Phải thêm nhiều cách kiểm tra “bổ sung” mới đảm bảo chất lượng nguồn tuyển”
TS Nguyễn Đức Trọng, Phó Hiệu trưởng ĐH Hòa Bình cho biết, Trường ĐH Hòa Bình có đưa ra giải pháp kỹ thuật về chấm thi, việc chấm toàn bộ bài thi trắc nghiệm do trường ĐH đảm nhiệm. Bài thi tự luận, được chấm chéo giữa các tỉnh với nhau hoặc vẫn giao cho Trưởng cụm thi phụ trách để đảm bảo công bằng, nghiêm túc không xảy ra tiêu cực. Toàn bộ dữ liệu và bài thi sau khi chấm xong được lưu trữ tại trường ĐH làm Chủ tịch Hội đồng thi. Trường ĐH phối hợp với Sở GD&ĐT đưa kết quả về các trường THPT và công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sử dụng kết quả thi, theo TS Trọng, điểm thi của thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp...
Về tuyển sinh ĐH, CĐ, TS Trọng cho hay, các trường ĐH, CĐ phải nêu rõ phương thức tuyển sinh, trong đó cần chỉ rõ hình thức và mức độ sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia trong việc tuyển sinh vào trường theo từng ngành học để học sinh biết và đăng ký. Công bố phương thức tuyển sinh của trường mình trong đó có các môn thi của kỳ thi THPT quốc gia sẽ được dùng để xét tuyển đối với những ngành đào tạo của trường (gọi là các môn thi xét tuyển) và công bố môn thi xét tuyển đối với từng ngành đào tạo. Trên cơ sở kết quả kỳ thi quốc gia, tùy thuộc và đặc thù của nhà trường, có thể bổ sung các hình thức kiểm tra năng lực khác. Đối với các trường ĐH, CĐ không sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh sẽ xây dựng đề án tuyển sinh riêng, trình Bộ GD&ĐT. Đề án tuyển sinh riêng chỉ cần nêu rõ phương thức tuyển sinh, điều kiện đảm bảo chất lượng nguồn tuyển.
NGƯT Hàn Liên Hải, nguyên Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Nội: “Đừng thả giáo viên và thí sinh vào biển cả!”
Nhận xét về 3 phương án của kỳ thi quốc gia của Bộ GD&ĐT, NGƯT Hàn Liên Hải cho rằng: Phương án 1 đã được thực hiện trong kỳ thi TNPT năm học 2013-2014. Ưu điểm và tính “đột phá” của nó chính là việc tổ chức quản lý đã có sẵn kinh nghiệm nhiều năm làm các kỳ thi quốc gia, lại có thêm lực lượng hùng hậu gồm giáo viên trung học, ĐH, CĐ tham gia coi - chấm thi và thanh - kiểm tra. Tuy nhiên, chắc chắn đề thi sẽ dài hơn, khó hơn đề thi THPT, ảnh hưởng phần nào đến tâm lý học sinh. Điều này khẳng định thí sinh sẽ là người thiệt thòi nhất khi thực hiện phương án này. Về phương án 2, 3, có thể thấy đặc điểm nổi bật nhất là sự tích hợp của nhiều môn trong các bài thi. “Tôi không dám nói đến sự hay dở của các kiểu thi tích hợp bài thi này vì chương trình và SGK hiện hành chưa hề có. Bất kể sự tích hợp nào đã được hình thành rất rõ hay mới chỉ là ý tưởng của các chuyên gia thì chưa có CT, SGK và chưa đưa vào giảng dạy không thể yêu cầu thí sinh làm các bài thi kiểu này được. Có thể ví như đem thả thí sinh và cả giáo viên vào biển cả! Nó phản ảnh một kiểu tư duy phản giáo dục”.
NGƯT Hàn Liên Hải đưa ra kiến nghị: không nên có kỳ thi quốc gia hai 2 trong 1. Bỏ hẳn các phương án 2, 3 liên quan đến bài thi tích hợp ít nhất trong vài năm tới. Tiếp tục thực hiện tốt (minh bạch, trung thực, ít tốn kém) kỳ thi TNPT có tính chất quốc gia (cấp bằng hoặc chứng nhận quốc gia, phân cấp cho các địa phương). Lấy kết quả của thi THPT làm điều kiện để dự tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Không có kỳ thi 3 chung. Trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ.
.