Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201406/co-nen-tiep-tuc-duy-tri-ky-thi-tot-nghiep-thpt-498377/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201406/co-nen-tiep-tuc-duy-tri-ky-thi-tot-nghiep-thpt-498377/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Có nên tiếp tục duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT? - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 19/06/2014, 09:02 [GMT+7]

Có nên tiếp tục duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT?

(Congannghean.vn)-Từ ngày 16/6, nhiều địa phương trên cả nước đã hoàn tất việc chấm thi và tiến hành công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT 2014. Đúng như dự báo của nhiều chuyên gia, tỉ lệ đậu tốt nghiệp THPT năm nay tại nhiều tỉnh xấp xỉ 100%. Tỉ lệ đậu tốt nghiệp cao chót vót khiến nhiều người đặt câu hỏi: Có nhất thiết phải tiếp tục duy trì một kỳ thi tốn kém để rồi hầu như tất cả thí sinh “dàn hàng ngang” cùng… đậu?
 
Tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2014, Nghệ An có 34.640 học sinh THPT và 1.966 học viên bổ túc THPT đăng ký dự thi, trong đó 34.610 học sinh THPT và 1.959 học viên bổ túc THPT đã đến dự thi. Sáng 16/6, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An chính thức công bố kết quả của kỳ thi này. Theo đó, 34.460 (99,56%) học sinh THPT và 1.872 (99,55%) học viên bổ túc THPT đã đậu tốt nghiệp. Khối THPT có 51/90 trường đậu tốt nghiệp 100%. Khối bổ túc THPT có 4/20 đơn vị đậu tốt nghiệp 100%.
 
Không chỉ ở Nghệ An, nhiều địa phương trên cả nước cũng có tỉ lệ đậu tốt nghiệp THPT vào loại “đẹp”, hầu hết đều xấp xỉ 100% ở hệ THPT, chẳng hạn như An Giang: 99,64%; Kiên Giang: 99,29%; Bình Dương: 99,86%; Bình Phước 99,41%; Bình Định: 99,17%; Quảng Bình: 99,32%; Vĩnh Phúc: 99,54%; Hà Nội 98,54%... Kết quả thi tốt nghiệp với tỉ lệ đậu cao chót vót đã được không ít người cả trong và ngoài ngành giáo dục dự báo từ trước khi cách thức tổ chức thi và xét tốt nghiệp năm nay có nhiều “cải tiến” theo hướng có lợi cho học sinh. Trước hết, thay vì thi 6 môn bắt buộc (3 môn cố định, 3 môn biết trước 2 tháng) như các năm trước, năm nay, Bộ GD&ĐT quy dịnh chỉ thi 4 môn, trong đó 2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn tùy thích trong số 6 môn còn lại. Phần lớn học sinh đều đăng ký thi các môn tự chọn nằm trong khối thi dự thi đại học đã định hướng từ trước nên khả năng “ăn điểm” cao hơn năm trước rất nhiều.
 
Một điểm mới quan trọng khác, với những năm trước, nếu thí sinh nào có tổng điểm các môn thi dưới 30 điểm thì chắc chắn sẽ trượt, không có cách gì “cứu”. Nhưng năm nay, thí sinh sẽ có thêm một cái “phao” để cứu đó là điểm tổng kết lớp 12. Quy định công thức xét tốt nghiệp năm nay là lấy điểm trung bình môn thi cộng với điểm tổng kết cuối năm lớp 12 rồi chia đôi. Quy định này được xem là “có lợi” cho học sinh nếu thí sinh có kết quả thi các môn dưới trung bình vẫn có thể đậu. Chẳng hạn, một học sinh có kết quả thi bình quân 3 - 4 điểm/môn vẫn có thể đậu tốt nghiệp, nếu như điểm tổng kết trung bình của học sinh đó được 7 hoặc 6. Trong bối cảnh, việc đánh giá chất lượng học tập của học sinh ở bậc học phổ thông còn không ít hạn chế, bất cập như hiện nay, việc làm “đẹp hóa” điểm số theo hướng “có lợi” cho học sinh để giành “thành tích cao” về cho nhà trường là điều có thể xảy ra.
 
Kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT gần như tuyệt đối khiến xã hội không còn coi trọng tính cần thiết của kỳ thi tốn kém này - Ảnh minh họa
Kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT gần như tuyệt đối khiến xã hội không còn coi trọng tính cần thiết của kỳ thi tốn kém này - Ảnh minh họa
 
Có nên tiếp tục duy trì một kỳ thi gây lãng phí, tốn kém?
 
Chi phí để tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm không phải là nhỏ. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, cả nước có trên 1 triệu thí sinh tham gia dự thi. Để phục vụ cho kỳ thi, cả nước đã phải huy động hơn 133.000 giáo viên làm nhiệm vụ coi thi, bố trí gần 45.000 phòng thi với hơn 2.400 hội đồng coi thi, hơn 23.000 giáo viên được điều động tham gia chấm thi. Ngoài ra, còn có hàng nghìn đoàn thanh tra được các Sở GD&ĐT giao nhiệm vụ cắm chốt ở các hội đồng thi, các đoàn thanh tra chấm thi ở các địa phương… Chi phí cho quá trình chuẩn bị, tổ chức kỳ thi ở tất cả các khâu tiêu tốn hàng trăm tỉ đồng. Đó là chưa tính đến các chi phí không nhỏ từ phía các gia đình có thí sinh dự thi.
 
Thực tế các kỳ thi tốt nghiệp THPT trong những năm qua cho thấy, năm nào cũng có những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Với quy định đổi chéo giáo viên giữa các hội đồng thi, giáo viên làm nhiệm vụ coi thi phải vượt một quãng đường khá xa để đến các điểm thi, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, đã có trường hợp thí sinh phải bỏ thi và giám thị phải ngừng làm nhiệm vụ do tai nạn giao thông. Đáng nói là, không có năm nào không có những vụ tai nạn xảy ra trong những ngày thi diễn ra.
 
Cần sự “cải tiến” thực sự
 
Qua tìm hiểu được biết, không chỉ các bậc phụ huynh mà ngay cả bản thân nhiều giáo viên cũng đã có ý kiến đề xuất, đã đến lúc nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT vì những bất cập, tồn tại trong các khâu tổ chức kỳ thi làm ảnh hưởng tới chất lượng chung của kỳ thi. Nếu tình trạng trên kéo dài, sẽ làm xói mòn lòng tin của dư luận xã hội vào ngành giáo dục. Bên cạnh đó, nhiều người “trong cuộc” cũng cho rằng: tấm bằng tốt nghiệp đã không còn giữ được “sứ mệnh” phân loại năng lực học tập thực sự của thí sinh. Với mảnh bằng tốt nghiệp THPT, học sinh cũng khó có thể xin được việc làm ngay, muốn có nghề nghiệp, các em phải học nghề hoặc học lên cao đẳng, đại học. Thực tế có nhiều em không có bằng tốt nghiệp THPT vẫn có thể có được tấm bằng cao đẳng, đại học bằng cách đi “đường vòng”. Ban đầu đăng ký xét tuyển vào học một trường trung cấp nào đó rồi sau tiếp tục học liên thông lên cao đẳng, đại học. Bằng tốt nghiệp THPT vì thế đã không còn quá quan trọng đối với nhiều học sinh, nó chỉ mang ý nghĩa là một giấy chứng nhận hoàn thành một bậc học.
 
Năm 2007, Bộ GD&ĐT đã từng đưa ra đề án đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Theo đó, sẽ thực hiện phương án “2 trong 1”, tổ chức một kỳ thi quốc gia chung. Kết quả của kỳ thi này được dùng làm căn cứ để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng. Chính vì những quan ngại về tính công bằng, nghiêm túc, chặt chẽ, khách quan mà phương án “2 trong 1” chưa được áp dụng trong thực tế. Mặc dù vậy, căn cứ vào kết quả của kỳ thi trong vài năm qua, việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT là điều cần thiết. Nên chăng, việc xét công nhận tốt nghiệp THPT có thể giao cho các cơ sở giáo dục dưới sự kiểm tra, thẩm định, giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý giáo dục. Kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng vốn được xem là thực sự công bằng, nghiêm túc vẫn được giữ nguyên nhằm tuyển chọn những người có đủ năng lực tiếp tục học lên.
 
Những đổi mới mang tính đột phá trong hình thức tổ chức thi cử trong bối cảnh hiện nay là vấn đề cấp thiết cần được quan tâm nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
.

Minh Tuấn