Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201406/hoc-duoc-gi-tu-phong-cach-viet-bao-cua-bac-ho-498869/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201406/hoc-duoc-gi-tu-phong-cach-viet-bao-cua-bac-ho-498869/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Học được gì từ phong cách viết báo của Bác Hồ? - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 20/06/2014, 08:25 [GMT+7]

Học được gì từ phong cách viết báo của Bác Hồ?

(Congannghean.vn)-Nhắc đến Bác Hồ, người ta nghĩ ngay đến một người cộng sản lỗi lạc, một lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, đồng thời là vị cha già kính yêu của toàn dân tộc. Bác Hồ còn có công lớn trong việc khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam và được biết đến là một nhà báo tài năng lỗi lạc, đức độ sáng ngời. Có thể nhận thấy, điểm nổi bật và xuyên suốt hơn cả trong các bài báo của Người là cái tâm của người làm báo. Chính cái tâm trong sáng, luôn lo cho dân, đặt lợi ích của dân lên trên hết đã khiến những bài báo của Bác có sức lan tỏa, để lại dư vang trong lòng người đọc.
 
Theo thống kê, từ bài báo đầu tiên của Người viết ngày 18/6/1919 với nhan đề “Yêu sách của nhân dân An Nam” đăng trên báo L’ Humanute đến bài báo cuối cùng được Bác viết trước lúc đi xa “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” với bút danh T.L, đăng trên báo Nhân dân ngày 1/6/1969, Người là tác giả của rất nhiều tác phẩm báo chí với số lượng lên đến hàng nghìn bài. Người đã có bài đăng trên 50 tờ báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình trong và ngoài nước. Trong các bài báo của mình, Người đã sử dụng 56 bút danh khác nhau. Với tâm niệm “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”, những bài báo của Người đã thể hiện tầm nhìn của một nhà báo mẫu mực, sáng ngời về phẩm chất, đức độ, tài năng. Qua phong cách viết báo của Người, những người làm báo, viết báo cũng có thể học được rất nhiều điều quý báu.
 
Trước hết, qua các bài báo của Bác, bất cứ người làm báo nào cũng có thể học được cách viết, lối diễn đạt ngắn gọn, giản dị, trong sáng, chuẩn xác. Những bài báo của Người thường không sử dụng lối diễn đạt khoa trương, sáo rỗng, đại ngôn, trái lại rất dễ hiểu, dễ nhớ. Muốn diễn đạt hay, thuyết phục được độc giả, theo Người phải thường xuyên trau dồi khả năng sử dụng ngôn ngữ sao cho chân thực nhất, chính xác và tinh tế nhất. Việc sử dụng ngôn ngữ báo chí, chủ yếu là Tiếng Việt được thể hiện bằng tình cảm, thái độ trân trọng, nâng niu của Người đối với ngôn ngữ dân tộc. Bác cho rằng “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc”. Trải qua hàng nghìn năm, cha ông ta đã chắt lọc và phát triển ngôn ngữ Việt phong phú như ngày hôm nay nên Bác luôn nhắc nhở: Mỗi người phải có trách nhiệm quý trọng, giữ gìn và phát triển Tiếng Việt để ngày càng hoàn thiện hơn.
 
Điểm nổi bật, xuyên suốt trong các bài báo của Người là cái tâm của người làm báo - Ảnh tư liệu
Điểm nổi bật, xuyên suốt trong các bài báo của Người là cái tâm của người làm báo - Ảnh tư liệu
Để cho ngôn ngữ diễn đạt trong các bài báo thêm phần phong phú, Người thường dùng lối so sánh, ví von hoặc sử dụng ca dao, tục ngữ, thành ngữ dân gian. Trong khi viết, Người rất cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng trong việc sử dụng từ ngữ. Trước khi cho đăng, Người thường đọc đi, đọc lại bản thảo, gạch bỏ những từ ngữ có thể gây khó hiểu và thay bằng những từ ngữ giản dị nhưng ý tứ sâu sắc, làm cho văn phong trong sáng hơn.
 
Trong bài báo “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” đăng trên báo Nhân dân số 5409 ra ngày 3/2/1969, ký dưới bút danh T.L, người đọc nhận ra một lối viết chân phương, giản dị, dễ hiểu ngay từ những lời đầu tiên. Bác viết: “Nhân dân ta thường nói: Đảng viên đi trước, làng nước theo sau, đó là một lời khen chân thành đối với đảng viên và cán bộ chúng ta. Đảng ta lãnh đạo rất sáng suốt. Rất nhiều cán bộ, đảng viên tỏ ra anh dũng, gương mẫu, gian khổ đi trước, hưởng thụ đi sau”. Từ những lời lẽ dẫn dắt giản dị ấy, Người đi đến khẳng định: “Đảng ta đã đào tạo một thế hệ thanh niên cách mạng, gái cũng như trai, rất hăng hái, dũng cảm trong mọi công tác. Đó là những bông hoa tươi thắm của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nhân dân ta và Đảng ta rất tự hào vì có những người con xứng đáng như thế”. Cách diễn đạt ấy là kết quả của những suy nghĩ, chiêm nghiệm khách quan, chân thực trong lao động, sản xuất và chiến đấu của nhân dân ta lúc bấy giờ.
 
Để thuyết phục được người đọc, trước khi đặt bút viết, Bác luôn chú ý đến đối tượng độc giả để tìm cách diễn đạt phù hợp. Bác cho rằng: “Mỗi khi viết một bài báo thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông, dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc?”. Người yêu cầu khi nói, khi viết: “Phải học cách nói quần chúng. Chớ nói như giảng sách. Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết phải tỏ rõ tư tưởng và mơ ước của quần chúng… Phải làm thế nào cho ai cũng có thể hiểu được. Làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm theo lời kêu gọi của mình”. Nhằm thuyết phục được mọi đối tượng người đọc, đồng thời gia tăng tính chân thực cho các bài báo, theo Bác, phải tăng cường thâm nhập vào đời sống, xuống cơ sở tìm hiểu thực tế. Thống kê trong vòng 10 năm, từ 1955 đến 1965, Bác đã thực hiện 700 lượt xuống cơ sở, thăm các hợp tác xã ở các địa phương, các công trường, xí nghịêp, các đơn vị sản xuất, đơn vị bộ đội từ miền ngược đến miền xuôi, từ biên giới đến hải đảo. Bác xuống cơ sở vừa để tìm hiểu tình hình đời sống của người dân vừa để khai thác thông tin, tư liệu phục vụ cho các bài viết của mình.
 
Còn rất nhiều điều mà người làm báo, viết báo có thể học hỏi từ phong cách viết báo của Bác. Điểm nổi bật và xuyên suốt hơn cả trong các bài báo của Người là cái tâm của người làm báo. Chính cái tâm trong sáng, luôn lo cho dân, đặt lợi ích của dân lên trên hết đã khiến những bài báo của Bác có sức lan tỏa, để lại những dư vang trong lòng người đọc. Hơn thế, những vấn đề đặt ra mang tính gợi mở trong nhiều bài báo của Người cho đến nay vẫn còn vẹn nguyên tính thời sự.
 
.

Minh Tuấn