Văn hóa - Giáo dục
Khó trong công tác phân luồng học sinh sau trung học
(Congannghean.vn)- Những năm gần đây, hầu hết các trường nghề đều gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh. Đặc biệt, năm 2014, Bộ GD&ĐT có chủ trương giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ thì nguồn tuyển vào các trường nghề càng trở nên đáng lo ngại hơn bao giờ hết. Và nguyên nhân cơ bản nhất lý giải cho vấn đề này là do công tác phân luồng, hướng nghiệp học sinh sau trung học hiện nay vẫn còn gặp nhiều bất cập, hạn chế.
Trong những năm gần đây, công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh phổ thông được xã hội đặc biệt quan tâm. Trong đó, chủ trương đẩy mạnh công tác giáo dục hướng nghiệp, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, phát triển mạng lưới giáo dục nghề nghiệp. Công tác hướng nghiệp đã góp phần quan trọng vào việc hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học, nhằm mục đích tạo nguồn đào tạo nhân lực theo yêu cầu phát triển KT-XH. Tuy nhiên, hiệu quả của vấn đề phân luồng học sinh trung học vào học nghề ở các tỉnh trên cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng vẫn còn thấp.
Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng này nằm ở tâm lý “sính” bằng cấp của một bộ phận phụ huynh và học sinh. Khi mỗi mùa tuyển sinh cận kề, chúng ta không khó để bắt gặp hình ảnh phụ huynh lo lắng, sốt sắng, chạy đôn chạy đáo tìm mọi cách để cho con em mình có thể vào được đại học. Nhiều gia đình và học sinh không tự lượng được sức học, khả năng của bản thân và điều kiện kinh tế của gia đình để tìm con đường học nghề phù hợp. Do tư duy của nhiều gia đình chưa thể thoát khỏi suy nghĩ “đại học là con đường duy nhất để thành công” nên họ không có được sự định hướng đúng đắn cho con em mình.
Tâm lý muốn thoát ly lao động chân tay nặng nhọc nên nhiều học sinh không kể đến năng lực của bản thân, không cần quan tâm đến nhu cầu của xã hội mà cứ nhất quyết nộp hồ sơ dự thi vào các trường ĐH, CĐ. Đó là chưa nói đến việc nhiều gia đình, mặc dù con cái không muốn vào các trường ĐH, CĐ nhưng vẫn bị bố mẹ ép bắt thi cho bằng được. Còn nếu vào học nghề tại các trường là do bí quá không có con đường nào khác hơn nữa. Cùng với đó, các thông tin tư vấn và hướng nghiệp dạy nghề còn yếu kém, chưa đủ làm cho học sinh hiểu để có sự lựa chọn đúng đắn. Mặt khác, do không có sự quản lý chặt chẽ nên các trường ĐH, CĐ được mở ra quá nhiều, chỉ tiêu tuyển sinh tăng, trong khi điểm đầu vào thấp nên thu hút được một số lượng lớn học sinh thi tuyển vào đó.
Công tác tư vấn trước mùa tuyển sinh là hết sức quan trọng |
Đối với bản thân các trường trung học hiện nay, vấn đề phân luồng cho học sinh chưa nhận được nhiều sự quan tâm đặc biệt. Điều này trước hết nằm ở vai trò của các giáo viên. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia giáo dục, vấn đề này vẫn chưa được phát huy tối đa hiệu quả của nó, thậm chí còn ở tình trạng khá mờ nhạt. Các trường trung học thiếu hẳn một đội ngũ giáo viên am hiểu tâm lý học sinh và nhu cầu lao động các ngành nghề trong xu thế phát triển của xã hội. Nhiều trường chưa thật sự quan tâm đến chất lượng của công tác giáo dục hướng nghiệp, chưa có sự phối hợp chặt chẽ với các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn để có sự hướng nghiệp đúng đắn cho các em học sinh.
Thực tế hiện nay, vấn đề đào tạo tại một số trường, cơ sở học nghề còn có nhiều bất cập, hạn chế. Hầu hết các trường nghề đang tồn tại kiểu đào tạo theo thị hiếu của người học chứ chưa thật sự chú trọng đến nhu cầu xã hội. Nội dung chương trình luôn theo mô típ cũ, ít có sự thay đổi để phù hợp với xu thế thay đổi ngành nghề hiện nay. Vì vậy, một số lượng lớn học sinh ra trường không tìm được việc làm từ nghề mình đã học. Cùng với đó, các nhà tuyển dụng vẫn đang quá coi trọng bằng cấp. Họ không cần quan tâm đến trình độ năng lực thực sự của cá nhân mà chỉ nhìn vào tấm bằng tốt nghiệp để tuyển dụng lao động. Vì vậy, đa số học sinh tốt nghiệp các trường TCCN vẫn rất khó tìm được việc làm.
Bên cạnh đó, các trường, cơ sở đào tạo nghề chủ yếu chỉ được tập trung ở những thành phố lớn, nơi đông dân cư chứ chưa chú trọng phân bố về các vùng nông thôn, đặc biệt là các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa… Vì vậy, học sinh ở đây sau khi tốt nghiệp trung học mà không đủ năng lực hoặc điều kiện để học cao hơn thì cũng không có cơ hội để tiếp cận với việc học nghề. Cùng với đó, công tác phân luồng cho học sinh sau trung học dường như mới chỉ khép kín trong phạm vi ngành giáo dục mà chưa có sự quan tâm, chung tay góp sức của các cấp ban ngành khác. Ở một số địa phương, chính quyền các cấp vẫn chưa thật sự hiểu về công tác này để có được sự chỉ đạo đúng đắn. Do đó, công tác phân luồng còn gặp rất nhiều khó khăn và vẫn chưa nhận được sự đồng thuận ủng hộ của xã hội.
Công tác phân luồng cho học sinh sau THPT có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi nó sẽ tạo nền tảng cho việc chuẩn bị nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển theo xu thế của đất nước. Do đó, để phân luồng đạt hiệu quả cao, thiết nghĩ, cần phải có sự tổng hợp của nhiều yếu tố như: Cần nâng cao công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các trường, cơ sở đào tạo nghề và đơn vị tuyển dụng lao động; bản thân các cơ sở đào tạo phải tự biết đổi mới khung chương trình để phù hợp với nhu cầu đòi hỏi ngành nghề của xã hội; mở rộng mạng lưới đào tạo nghề đối với các vùng nông thôn, miền núi…
Và điều quan trọng nhất vẫn nằm ở việc thay đổi nhận thức của các phụ huynh, học sinh và toàn thể xã hội trong việc xác định tầm quan trọng của việc đào tạo nghề hiện nay.
Ngọc Anh