Văn hóa - Giáo dục
Nhà trường bội chi, học sinh chịu thiệt vì thi học sinh giỏi tràn lan
15:03, 10/04/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Chỉ tính riêng năm học 2013 - 2014, cả thầy và trò cấp THCS trên địa bàn huyện Yên Thành (Nghệ An) phải thi đến 18 cuộc thi. Nghĩa là tính trung bình cứ 1 tháng có 2 kì thi lớn nhỏ. Trong đó tốn kém nhất, mất nhiều thời gian nhất và nhiều em học sinh phải chịu thiệt là kì thi học sinh giỏi cấp huyện khối 6, 7, 8.
Nếu như những năm học trước đây, Phòng Giáo dục huyện Yên Thành chỉ tổ chức thi học sinh giỏi huyện cho khối 9 thì kể từ năm học 2012 - 2013, Phòng Giáo dục lại tổ chức thêm kì thi học sinh giỏi cấp huyện cho tất cả các khối 6, 7, 8. Việc thi học sinh giỏi tất cả các khối nhằm mục tiêu chọn ra đội “gà chọi” chuẩn bị cho năm lớp 9 để thi với các huyện khác, nhằm lấy thành tích cao. Nhưng cách làm này vô hình chung đã đưa nhà trường vào tình thế bội chi, còn các em học sinh thì chịu thiệt. Trao đổi với chúng tôi, một cô giáo hiện là Hiệu trưởng trường THCS cho biết: “Việc Phòng Giáo dục tổ chức thi quá nhiều kì thi học sinh giỏi khiến chúng tôi không có tiền để dành cho các hoạt động khác. Tất cả nguồn lực đều tập trung cho bồi dưỡng học sinh giỏi, các hoạt động của Công đoàn và đoàn thể khác đành làm một cách cho có. Ngay cả một gói bột canh làm quà cho giáo viên về Tết cũng không còn. Theo tôi, phòng nên tập trung cho việc thi học sinh giỏi huyện khối 9 như trước đây, còn các khối lớp khác để nhà trường chúng tôi tự tổ chức. Đây cũng là cách làm của các huyện khác bấy lâu nay”.
Việc tổ chức quá nhiều kỳ thi học sinh giỏi ở các cấp vừa gây tốn kém vừa khiến học sinh thiệt thòi vì tập trung vào ôn thi - Ảnh minh họa |
Cũng vì phải đầu tư cho bồi dưỡng học sinh giỏi nên nhiều em học sinh cả năm không được vui chơi giải trí, không còn thời gian học thêm các môn khác, mặc dù đã đóng gần triệu bạc cho việc học thêm. Đây là lí do khiến không ít em chẳng mặn mà với kì thi học sinh giỏi cấp huyện của khối 6, 7, 8. Một phụ huynh học sinh lớp 8 tâm sự: Chắc sang năm không cho con thi học sinh giỏi nữa. Vì cả năm học này con tôi chỉ tập trung ôn thi có 2 môn Ngoại ngữ và Giáo dục công dân, các môn khác rất quan trọng lại không được học thêm nên có nguy cơ học yếu. Còn một em học sinh lớp 8A1 Trường THCS P.T cho biết: Một môn thi học sinh giỏi em phải học bồi dưỡng đến 50 buổi. Em thi hai môn nên phải học hơn 100 buổi bồi dưỡng. Đó là chưa kể học thêm ở nhà cô nữa nên gần như các môn học thêm khác ở trường em được học rất ít, bữa được bữa không. Đến khi thi học sinh giỏi cấp huyện xong (16/4/2014) thì chương trình học thêm trong trường cũng vừa hết.
Một thầy hiệu trưởng lâu năm cho biết: “Nhà trường chỉ được thu những khoản theo quy định của cấp trên và nộp về ngân sách Nhà nước, ngoài ra không được thu bất cứ khoản nào ngoài quy định thì lấy tiền đâu mà hoạt động. Chắt chiu, tiết kiệm được đồng nào đều để dành trả tiền bồi dưỡng và thưởng cho các em học sinh giỏi. Chỉ tính riêng khối 9, chúng tôi phải trả tiền công cho mỗi giáo viên là 20 buổi nhân với 9 môn thi, đó là chưa kể tiền thưởng cho học sinh và những môn thi có giải. Hai năm nay, Phòng Giáo dục thi học sinh giỏi cả khối 6, 7, 8 nữa thì tiền đâu ra mà trả cho giáo viên”. Một giáo viên bộ môn cho biết: Lấy đội tuyển học sinh giỏi khối 6, 7, 8 khó lắm, vì nhiều em học giỏi nhưng lại không muốn đi thi, vì tính đi tính lại các em lại thiệt vì không còn thời gian để học thêm các môn khác ở trường. Đây là cách làm chỉ có ở huyện Yên Thành. Có lẽ đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều trường đã “liều” thu một số khoản sai quy định để lấy tiền bù đắp cho sự thiếu hụt và phục vụ các hoạt động khác?
Thi học sinh giỏi là một hoạt động quan trọng trong nhà trường nhằm phát hiện và bồi dưỡng những tài năng. Thế nhưng, tổ chức thế nào, thời điểm nào để vừa tạo thuận lợi cho các nhà trường lại vừa đảm bảo phát triển toàn diện cho học sinh là một yêu cầu không kém phần quan trọng. Nếu thi học sinh giỏi một cách tràn lan như hiện nay sẽ dẫn đến nguy cơ khiến nhiều em học sinh học lệch, không còn quỹ thời gian cho các hoạt động vui chơi giải trí và tạo ra áp lực căng thẳng cho các em học sinh, các nhà trường và phụ huynh. Thiết nghĩ, ở các khối lớp 6, 7, 8 nên để các em phát triển toàn diện ở các môn học, đến lớp 9 mới tổ chức thi học sinh giỏi. Cách làm này vừa tạo cho các em có thời gian học tập và phát triển, vui chơi, đồng thời các nhà trường cũng dễ dàng cân đối thu, chi. Mong rằng, Phòng Giáo dục huyện Yên Thành cần xem xét lại có nên tổ chức thi học sinh giỏi cho tất cả các khối như hiện nay?
Thành Tâm