Văn hóa - Giáo dục

Ký họa Điện Biên Phủ

07:31, 08/04/2014 (GMT+7)
“Có nhiều cách để lưu giữ những khoảnh khắc lịch sử trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Là một họa sĩ chiến trường, đi tới đâu tôi cũng vẽ, cũng ký họa để lưu lại bằng hình ảnh cuộc chiến đấu oanh liệt của quân và dân ta trên vùng Tây Bắc”. Vừa nói, Đại tá, họa sĩ Phạm Thanh Tâm vừa giới thiệu những bức tranh, ký họa của ông trong suốt 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm”…
 
Với hàng trăm bức tranh, ký họa, dường như Phạm Thanh Tâm đã “ghi” nhật ký chiến tranh bằng hình ảnh ở mọi góc nhìn. Phần lớn những ký họa Điện Biên Phủ của ông đều được hoàn thành ngay tại mặt trận, trên đường hành quân hay những phút nghỉ ngơi ít ỏi, rồi được vẽ lại bằng bột màu, sơn dầu, bút sắt... Với phương châm “thấy gì vẽ nấy”, ký họa của Phạm Thanh Tâm phản ánh đầy đủ cuộc sống, chiến đấu của người chiến sĩ và diễn biến chiến trường từ ngày đầu đến khi toàn thắng. Bức ký họa đầu tiên “Đường lên Tây Bắc”, Phạm Thanh Tâm vẽ đội hình hành quân của các đơn vị thuộc Đại đoàn 304, Đại đoàn công pháo 351. Ở đó có những thanh niên dân công hỏa tuyến tươi cười vẫy tay chào đoàn quân ra mặt trận. Lần đầu tiên họ nhìn thấy những khẩu pháo lớn được đưa lên Điện Biên.
 
Chiến thắng Điện Biên Phủ (sơn dầu)
Chiến thắng Điện Biên Phủ (sơn dầu)
Tiếp đó là bức tranh “Trắng rừng Tây Bắc” khắc họa hình ảnh hoa ban, hoa mận nở rộ trong tiết xuân, dọc hai bên đường hành quân trùng điệp. Nhưng có lẽ đậm nét hơn cả là ký họa về cuộc sống, chiến đấu của người chiến sĩ. Những bức tranh, ký họa: “Cơ động trong giao thông hào”, “Khẩu đội pháo trên đồi E1”, “Tiêu diệt Him Lam”, “Đại đội trưởng nơi tuyến đầu”, “Tác chiến hiệp đồng”… thể hiện tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm và ý chí quyết tâm giành chiến thắng của bộ đội các quân binh chủng trên chiến trường Điện Biên Phủ. Chỉ cần nhìn vào ánh mắt của người Đại đội trưởng và tư thế “băng mình qua lũy thép gai” của các chiến sĩ bộ binh là có thể cảm nhận được đầy đủ điều đó qua nét vẽ Phạm Thanh Tâm.
 

 

Tác chiến hiệp đồng (chì)
Tác chiến hiệp đồng (chì)
Là phóng viên Báo Quyết Thắng của Đại đoàn 351, Phạm Thanh Tâm có mặt ở hầu khắp các đơn vị, theo sát bộ đội để tác nghiệp. Bởi vậy, ông đã ghi lại được những khoảnh khắc rất riêng tư của người lính trong mưa bom, bão đạn. “Phút nghỉ ngơi”, “Đợi máy bay địch”… họ tranh thủ kê ba lô viết thư thăm gia đình, người thân hoặc quây quần trên mâm pháo đọc thư tình. Cũng có anh lính tận dụng khoảng tĩnh lặng hiếm hoi để chợp mắt ngay tại chiến hào trong tư thế ngồi ôm súng. Ngay cả quyết định chuyển hướng chiến lược trong chiến dịch Điện Biên Phủ cũng được ông thể hiện qua các ký họa: “Kéo pháo ra”, “Nhoài người chèn pháo”. Sức mạnh của kỷ luật chiến trường, của tinh thần đoàn kết, đồng lòng được thể hiện rõ trên gương mặt những người lính trẻ. Ký họa của ông lột tả chi tiết bản lĩnh, tinh thần, khí phách của chiến sĩ, đồng bào với quyết tâm sắt đá.
 
Họa sĩ Phạm Thanh Tâm nhớ lại: “Trong một lần cùng bộ đội Trung đoàn Pháo binh Tất Thắng thực hiện nhiệm vụ kéo pháo khỏi trận địa, tới đoạn đường đồi mấp mô, chênh vênh, một khẩu pháo bị trượt bánh có nguy cơ lao xuống vực. Ngay lập tức, pháo thủ số 2 nhoài người đặt chèn pháo (một khúc gỗ hình tam giác) sát bánh pháo đang bị trượt. Khẩu pháo khựng lại không lao xuống vực nhưng pháo thủ số 2 bị thương. Tranh thủ lúc bộ đội tạm dừng nghỉ ngơi, tôi đã ký họa ngay tình huống đó bằng sự cảm phục tinh thần dũng cảm, nhanh trí của anh lính Pháo binh”. Bức ký họa ấy đến nay ông vẫn giữ nguyên không hề chỉnh sửa.
 
Khẩu đội pháo trên đồi E1 (mực nho)
Khẩu đội pháo trên đồi E1 (mực nho)
 
Sau những ngày chiến đấu ác liệt, ta đã giành thắng lợi vang dội, chấn động địa cầu. Thời khắc ấy, Phạm Thanh Tâm đang có mặt ở một đơn vị thuộc Đại đoàn 351. Chứng kiến hình ảnh cán bộ, chiến sĩ nhảy khỏi giao thông hào, ôm chầm lấy nhau reo mừng chiến thắng, ông đã vẽ ngay bức tranh “Chiến thắng Điện Biên Phủ” trong niềm vui khôn xiết. Bức tranh được ông chỉnh sửa lần 2 bằng chất liệu sơn dầu khá công phu, đẹp mắt.
 
Cùng với việc ghi lại niềm hân hoan của bộ đội, dân công, họa sĩ Phạm Thanh Tâm cũng không bỏ sót tâm trạng chán chường, lo âu, buồn bã đến thảm hại của những kẻ bại trận. Ông kể: “Nhìn lính Pháp kéo cờ trắng lũ lượt ra hàng, gần đó là những chiếc xe tăng địch bị bắn cháy nằm chỏng chơ tôi bỗng liên tưởng tới mối quan hệ giữa sức mạnh quân sự hiện đại và cuộc chiến tranh phi nghĩa. Bởi vậy, ký họa “sụp đổ” đã ra đời ngay trên nóc hầm Đờ-cát”. Những nét vẽ đơn sơ, giản dị, chân thật phản ánh thực tế sinh động trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã làm cho tranh, ký họa Phạm Thanh Tâm trở nên độc đáo. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, trên đường về Hà Nội ông đã ghi lại cuộc sống nhộn nhịp của đồng bào Tây Bắc qua hàng loạt ký họa: “Về bản”, “Đi chợ trong sương”, “Dựng nhà mới”, “Em bé Mường Pồn”, “Bên bờ Nậm Rốm”…
 
Nhoài người chèn pháo (bột màu)
Nhoài người chèn pháo (bột màu)
 
Toàn bộ tranh, ký họa Điện Biên Phủ của Phạm Thanh Tâm đã tái hiện sinh động, chân thực một phần cuộc sống, chiến đấu của quân và dân ta trong những ngày rực lửa Tây Bắc. Đây là những tư liệu quý của một họa sĩ, chiến sĩ Điện Biên vẽ dưới đạn bom. Hiện, ông đang thu thập, bổ sung, biên tập để in thành một cuốn tranh, ký họa ra mắt độc giả nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Nguồn: qdnd

Các tin khác