Văn hóa - Giáo dục
Không viết tiếng Việt trên biển hiệu - đừng coi là chuyện nhỏ
14:58, 09/04/2014 (GMT+7)
“Biển hiệu phải viết bằng chữ Việt Nam; trường hợp muốn thể hiện tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế, tên, chữ nước ngoài phải ghi ở phía dưới, kích thước nhỏ hơn chữ Việt Nam”. Quy định của Chính phủ là vậy, nhưng ở không ít nơi cho rằng, đó là chuyện nhỏ.
Những người cho là “chuyện nhỏ” đưa ra lý lẽ, Việt Nam ta đang mở cửa hội nhập, hiện tại có hàng trăm ngàn người nước ngoài đang có mặt trên lãnh thổ Việt Nam, họ cũng có nhu cầu sinh hoạt, ăn, ở, quán xá, học hành nên việc có các biểu hiệu đề tiếng nước ngoài cũng là lẽ thường, có gì đâu mà phải lớn tiếng.
Đúng là Việt Nam ta đang ngày càng chủ động, tích cực hội nhập với khu vực và thế giới. Nhưng, hội nhập đến mức coi nhẹ, thậm chí làm “lãng quên” chữ viết của dân tộc mình lại là điều khó có thể chấp nhận. Bởi lẽ, như đồng tiền quốc gia, chữ viết cũng là một biểu tượng quốc gia. Mọi sự thay đổi biểu tượng quốc gia được coi là những vấn đề quan trọng. Vì là vấn đề quan trọng, nên sinh thời, Bác Hồ đã căn dặn, tiếng Việt là của cải lâu dài và vô cùng quý báu của dân tộc, “chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm nó phát triển ngày càng rộng khắp”.
Các bảng hiệu chữ Trung Quốc sai quy định san sát nhau tại Hà Tĩnh |
Khi bàn về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, trong Tạp chí Học tập, số 4-1966, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã khẳng định: Tiếng Việt của chúng ta rất giàu. Tiếng Việt của chúng ta rất đẹp. Giàu bởi kinh nghiệm đấu tranh của nhân dân ta lâu đời và phong phú. Đẹp bởi tâm hồn của người Việt Nam ta rất đẹp. Hai nguồn của cái giàu, cái đẹp ấy là ở chỗ tiếng Việt là tiếng nói của nhân dân, đầy tình cảm, màu sắc và âm điệu, hồn nhiên, ngộ nghĩnh và đầy ý nghĩa; đồng thời nó là ngôn ngữ của văn học mà những nhà thơ lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du... và những nhà văn, nhà thơ ngày nay ở miền Bắc và miền Nam đã nâng lên đến trình độ rất cao về nghệ thuật.
Như vậy có thể khẳng định, tiếng Việt là di sản văn hóa và là niềm kiêu hãnh của dân tộc, có giá trị trường tồn mà các thế hệ người Việt Nam ta phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ. Đây cũng là lý do để Chính phủ quan tâm, thể chế bằng khung pháp lý - xây dựng “thước đo” cho công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa. Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định về Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa (Nghị định 103/2009/NĐ-CP, ngày 6/11/2009), với quy định cụ thể: “Biển hiệu phải viết bằng chữ Việt Nam; trường hợp muốn thể hiện tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế, tên, chữ nước ngoài phải ghi ở phía dưới, kích thước nhỏ hơn chữ Việt Nam”. Cùng với đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 75/2010/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa. Tại Điều 33 của Nghị định quy định: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không ghi đúng, không ghi đầy đủ tên gọi bằng tiếng Việt trên biển hiệu; phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không viết bằng chữ Việt Nam mà chỉ viết bằng chữ nước ngoài... Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải tháo dỡ biển hiệu vi phạm.
Quy định khung pháp lý với đầy đủ các chế tài có hiệu lực từ ngày 1/9/2010, nhưng qua gần 4 năm thực thi Nghị định 75 của Chính phủ, đến thời điểm này, chúng ta dễ dàng bắt gặp trên nhiều tuyến đường của các thành phố, thị xã có biểu hiệu của nhà hàng, khách sạn, tiệm ăn bằng đủ các thứ tiếng nước ngoài (tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Hàn Quốc…) không đúng quy định. Và, báo chí vẫn hàng ngày đăng tải, đặt tên “Phố Trung Quốc” ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh; hoặc ở một số tuyến đường của Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình… với nhiều tấm bảng quảng cáo, áp phích, tên ki- ốt, nhà hàng, tiệm cắt tóc… viết bằng chữ Trung Quốc. Trong đó, chữ Trung Quốc được viết với nét chữ rất to, nổi bật hơn so với chữ Việt Nam. Thậm chí, có những tấm bảng hiệu chỉ có riêng chữ Trung Quốc.
Câu hỏi đặt ra là, các cấp chính quyền địa phương, trong đó có ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch có biết không? Vì sao, có nơi đã “ra quân” nhưng rồi thất bại, để cho tình trạng “coi nhẹ” tiếng Việt vẫn còn tồn tại? Vì e dè nể nang, vì không dám xử lý, hay vì lý do tiêu cực nào khác?
Báo chí không có chức năng xử phạt, nhưng báo chí thực hiện chức năng thông tin, tuyên truyền và giám sát các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, đơn vị sửa sai, để trả lại vị trí xứng đáng cho tiếng Việt của mình luôn định danh trên các tấm biểu hiệu. Và, chúng tôi sẽ thực thi vai trò, nhiệm vụ công tác tư tưởng của mình đến khi nào các cơ quan chức năng ở các tỉnh, thành phố coi việc này không phải là việc nhỏ.
Nguồn: ĐCS