Văn hóa - Giáo dục

Tự chủ tuyển sinh: Cần thời gian và lộ trình cụ thể

10:07, 23/03/2014 (GMT+7)

(Congannghean.vn)- Bộ GD&ĐT vừa công bố danh sách 62 trường ĐH, CĐ trên cả nước được phép tuyển sinh riêng trong mùa tuyển sinh năm 2014, từ đó tiến tới việc tự chủ tuyển sinh thực hiện trong lâu dài. Đây là nội dung được lãnh đạo Bộ GD&ĐT xác định là khâu đột phá nhằm tạo chuyển biến tích cực và đổi mới căn bản toàn diện ngành giáo dục. Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến đồng thuận thì xung quanh sự thay đổi này vẫn còn có những băn khoăn, trăn trở và một điều cần thiết đặt ra đó là để thực hiện nó thì cần phải có thời gian và lộ trình cụ thể.

Vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở

Ngay sau khi Bộ GD&DT công bố Dự thảo tuyển sinh riêng cho các trường ĐH, CĐ từ năm 2014, nhiều học sinh không tránh khỏi tâm lí lo lắng bởi từ khi Bộ đưa ra thông báo cho đến khi thực hiện việc thay đổi này chỉ nằm trong khoảng thời gian ít ỏi là vài ba tháng. Và theo ý kiến của phần đa học sinh cuối cấp thì từng đó thời gian là chưa đủ cho các em làm quen và chuẩn bị để đi đến quyết định cuối cùng của mình. Đối với những học sinh đã lựa chọn từ trước trường để dự thi như ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng, ĐH Kiểm sát Hà Nội…thì hiện các em cũng đang băn khoăn không biết là có nên đổi sang trường khác hay không bởi hiện tại, đây là những trường nằm trong danh sách các trường tuyển sinh riêng.

Trong khi với phương thức tuyển sinh “3 chung” truyền thống thì 2 trong 3 môn thi của khối A là thi theo hình thức trắc nghiệm nên sự thay đổi này cơ bản là khó cho các em học sinh. Kết quả của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ được xem như là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời, thậm chí đối với phần nhiều các em học sinh thì nó có ý nghĩa quyết định đến tương lai của bản thân và ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nhân lực của đất nước. Vì thế, khi Bộ GD&ĐT đưa ra dự thảo tuyển sinh riêng cho các trường ĐH, CĐ thì đó là mối quan tâm lớn nhất của các em khi kỳ thi tuyển sinh đang cận kề.

Thí sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013

Theo ý kiến của những người làm công tác quản lí trong ngành giáo dục thì việc tuyển sinh ĐH, CĐ theo hình thức tự chủ tuyển sinh hiện đang gặp phải một vấn đề bất cập khá lớn, ấy là khâu đề thi. Việc Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường tự ra đề thi riêng thật sự là điều khó khăn bởi trên thực tế, để làm bộ đề thi chuẩn cho cả một kỳ thi tuyển sinh không phải là chuyện dễ, đó là chưa nói đến có những trường không đủ năng lực ra đề. Và việc không đảm bảo được đề thi thì tất nhiên khâu tuyển sinh không thể có được chất lượng. Đó là còn chưa nói đến việc với phương thức các trường tự chủ tuyển sinh thì chắc chắn không thể tránh khỏi tình trạng ôn luyện thi tràn lan tại các lò luyện thi hiện nay hay một số vấn đề khác nảy sinh như tình trạng lộn xộn, tiêu cục trong thi cử, mua bán đề thi, mập mờ trong tuyển sinh…

“3 chung” vẫn là phương án được nhiều trường lựa chọn

Đến thời điểm hiện tại, trong số gần 500 trường ĐH, CĐ trên cả nước thì chỉ có một ít các trường trình đề án tuyển sinh riêng cho Bộ GD&ĐT. Đặc biệt, trong số đó có cả những trường ĐH, CĐ đã có đề án tuyển sinh riêng nhưng cũng không vội áp dụng trong năm 2014 mà dự kiến sẽ áp dụng từ mùa tuyển sinh năm 2015 trở đi bởi theo ý kiến của phần lớn các trường thì cần phải có thời gian và lộ tình hợp lí để học sinh làm quen với việc thay đổi và có sự chuẩn bị kĩ càng nhằm đảm bảo được quyền lợi tối đa cho các em. Đó cũng là lí do giải thích vì sao “3 chung” vẫn là phương thức thi mà nhiều trường lựa chọn trong mùa tuyển sinh năm nay.

Trường ĐH Vinh được xem là một trong những trường đại học đa ngành lớn của cả nước với 50 ngành đào tạo. Đồng thuận với chủ trương đổi mới của Bộ GD&ĐT, trường cũng đã xây dựng đề án tuyển sinh riêng để trình Bộ và đến thời điểm hiện tại đã được Bộ chấp nhận. Tuy nhiên, cũng như hầu hết các trường ĐH,CĐ trên cả nước, Trường ĐH Vinh cũng không vội vàng áp dụng ở tất cả các ngành nghề đào tạo mà đi theo lộ trình cụ thể, hợp lí. Theo đó, năm 2014, các ngành đào tạo của Trường ĐH Vinh vẫn đăng ký thực hiện theo kỳ thi “3 chung” do Bộ GD&ĐT tổ chức. Tuy nhiên, sẽ có 5 ngành đào tạo được trường lựa chọn để thực hiện hình thức xét tuyển kết hợp với thi tuyển.

Cụ thể có 3 ngành xét tuyển gồm Nông nghiệp, Khuyến nông, Nuôi trồng thủy sản và 2 ngành xét tuyển kết hợp thi tuyển là Giáo dục Mầm non, Giáo dục Thể chất. Năm 2015: Ngoài việc thi chung, xét tuyển và xét tuyển kết hợp với thi tuyển 5 ngành như năm 2014, nhà trường tổ chức thi riêng thí điểm 5 ngành: Sư phạm Tiếng Anh, Ngôn ngữ Anh, Việt Nam học, Quản lý văn hóa, Quản lý giáo dục, với các môn thi Toán, Văn, Tiếng Anh. Trên cơ sở kinh nghiệm triển khai thí điểm thi tuyển sinh riêng các ngành trên, trường sẽ nghiên cứu để hoàn thiện phương án tuyển sinh làm tiền đề cho việc tự chủ thi tuyển sinh riêng các ngành còn lại vào năm 2016. Và đến năm 2016, sẽ xét tuyển và xét tuyển kết hợp với thi tuyển 5 ngành: Nông nghiệp, Khuyến nông, Nuôi trồng thủy sản, Giáo dục mầm non, Giáo dục thể chất. Thi tuyển sinh riêng cho tất cả các ngành còn lại.

“Xác định sự thay đổi phương án tự chủ tuyển sinh cần thời gian và lộ trình cụ thể nên chúng tôi đã xây dựng đề án tuyển sinh riêng phù hợp nhằm đạt được kết quả cao nhất trong quá trình thực hiện. Về sự thay đổi này, đối với những trường có ngành xét tuyển và thi tuyển sẽ gặp một chút khó khăn trong việc xử lý lượng hồ sơ ảo nhưng về cơ bản là có thể khắc phục được. Còn đối với thí sinh có nguyện vọng thi vào những trường hoặc những ngành tuyển sinh riêng thì cần phải thường xuyên cập nhật và tìm hiểu thông tin để có được cách lựa chọn đúng đắn và phù hợp. Vì đây là năm đầu tiên thí điểm và thực hiện nên đòi hỏi các trường phải đề ra các tiêu chí và kế hoạch cụ thể để hạn chế tối đa các vấn đề tiêu cực mà dư luận xã hội đang quan tâm. Và điều quan trọng trên hết, đó là đảm bảo được tính công bằng, khách quan cho thí sinh” - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Bình, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Vinh cho biết.

Với phương án thi “3 chung”, rõ ràng xã hội nói chung và ngành giáo dục nói riêng nhận thấy những mặt tích cực rất lớn đó là tiết kiệm được nguồn kinh phí (điển hình như ở cụm thi Vinh, mỗi năm tiết kiệm được hơn 30 tỷ đồng), tạo được mặt bằng trình độ, đảm bảo kỷ cương trong thi cử… Tuy nhiên, theo quy luật, muốn phát triển thì cần có sự thay đổi phù hợp. Và như nhận định của Bộ GD&ĐT thì tự chủ tuyển sinh là một trong những bước đột phá nhằm đổi mới căn bản toàn diện ngành giáo dục. Mùa tuyển sinh năm nay, chúng ta bắt đầu khởi động đề án tuyển sinh riêng hứa hẹn sẽ đem lại nhiều kết quả khả thi. Tuy nhiên, để làm được điều đó thì đòi hỏi ngành giáo dục phải khắc phục được những khó khăn, bất cập nói trên, đồng thời phải có thời gian và lộ trình cụ thể. Có như thế mới tạo được niềm tin, sự đồng thuận trong toàn xã hội.
 

Ngọc Anh

Các tin khác