Văn hóa - Giáo dục

Khó khăn trong công tác giữ gìn, bảo quản các sắc phong cổ

09:59, 17/03/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Sắc phong được xem là một loại hình di sản văn hóa, là nguồn tài liệu quý hiếm có giá trị về nhiều mặt. Không chỉ là những hiện vật giàu tính khoa học, sắc phong còn phản ánh tín ngưỡng thờ thần của người dân ở các địa phương, là hiện vật linh thiêng trong đời sống tâm linh. Giá trị và ý nghĩa thì thấy rõ, tuy nhiên, trên thực tế, việc giữ gìn và bảo quản các sắc phong vẫn chưa thật sự được quan tâm và đầu tư xứng đáng.
 
Được biết, hiện nay chưa có số liệu thống kê cụ thể về các đạo sắc phong trên địa bàn toàn tỉnh nhưng con số đó là khá nhiều và thường tập trung ở các đình, đền, chùa, nhà thờ họ. Việc chưa có phương tiện hiệu quả để bảo quản sắc phong cộng với hạn chế trong ý thức giữ gìn, bảo quản là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sắc phong đang bị hủy hoại dần.
 
Theo các bậc tiền bối kể lại thì thông thường các sắc thần, sắc phong, chiếu chỉ… đều được dân gian cất giữ bằng cách cho vào ống tre hoặc quấn trong các tấm vải. Ngày nay, việc giữ gìn, bảo quản sắc phong có “tiến bộ” hơn một chút, đó là được cất giữ trong các rương, tủ tại các đình, đền chùa hay nhà thờ họ. Tuy nhiên, theo đánh giá một cách khách quan thì đó không phải là cách tốt nhất để bảo quản sắc phong. Như chúng ta đã biết, các sắc phong cổ thường có thời gian tồn tại rất lâu đời, thậm chí có những sắc phong có niên đại hàng trăm năm. Trải qua bao thăng trầm, biến động của đời sống xã hội, sự tàn phá, hủy hoại của chiến tranh, cộng với đặc trưng khí hậu Việt Nam nắng lắm mưa nhiều nên việc những hiện vật này bị xuống cấp hay hư hại không phải là điều khó hiểu. Đó là chưa nói đến ý thức trong vấn đề bảo quản, giữ gìn sắc phong ở một số nơi chưa thật sự được quan tâm, chú trọng. Việc tùy tiện cho nhiều người xem sắc, cho người khác mượn sắc dẫn đến tình trạng bị mất hay phiên dịch sắc nhưng không giữ bản gốc mà chỉ giữ bản chính… là tình trạng vẫn còn tồn tại ở một số địa phương hiện nay. Chính những nguyên nhân này đã làm cho công tác bảo quản và giữ gìn các sắc phong cổ còn nhiều hạn chế, khó khăn và bất cập.
 
Các sắc phong cổ cần được giữ gìn và bảo quản để xứng đáng với những giá trị vốn có
Các sắc phong cổ cần được giữ gìn và bảo quản để xứng đáng với những giá trị vốn có
 
Đứng trước thực trạng trên, một câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để cho sắc phong cổ không bị hủy hoại, hao mòn theo thời gian mà vẫn giữ được những giá trị, ý nghĩa lâu bền vốn có. Điều này cần có sự chung tay vào cuộc của các ban ngành chức năng, chính quyền địa phương và thậm chí, mỗi người dân cần phải nhận thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn các hiện vật lịch sử. Chính vì thế, cần phải coi trọng và nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục đối với nhân dân bằng cách đưa những kiến thức của Luật Di sản văn hóa và những quy định của Nhà nước về di sản văn hóa đến gần hơn với họ. Một khi làm được điều đó có nghĩa là chúng ta đang gửi gắm vào những người trực tiếp giữ gìn sắc phong, chiếu chỉ sự cần thiết trong việc lưu giữ và bảo quản các hiện vật quý báu. Đồng thời, một việc làm không thể thiếu đó là cần phải có những chính sách cụ thể về nguồn kinh phí nhằm phục vụ cho việc bảo quản, phục hồi, phục chế các sắc phong một cách bài bản, cụ thể chứ không phải dừng lại ở việc bảo quản bằng những cách thô sơ, thủ công như hiện vẫn đang tồn tại ở các bảo tàng, đình, đền, chùa hay nhà thờ họ trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, việc nâng cao chất lượng đào tạo nghiệp vụ đối với những người làm công tác bảo quản sắc phong ở các bảo tàng, di tích cũng là một điều rất cần thiết, bởi thực tế hiện nay, công tác bảo quản hiện vật ở một số nơi vẫn đang bị xem nhẹ và chưa thật sự có tâm huyết. Từ những khó khăn, bất cập, hạn chế của địa phương mình thì rất cần đến sự chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm từ các đơn vị, địa phương khác nhằm thúc đẩy và nâng cao hơn nữa các biện pháp khả thi để bảo quản và giữ gìn sắc phong cổ.
 
Với những ý nghĩa và giá trị quan trọng về khoa học, lịch sử, văn hóa như đã nói ở trên thì việc bảo quản, giữ gìn sắc phong ở các bảo tàng, đình, đền, chùa, nhà thờ… hiện nay là rất cần thiết. Cụ thể hóa bằng những phương án, kế hoạch và thực hiện nó trong thời gian sớm nhất chính là cách làm khả thi nhất để chúng ta có thể giữ gìn và lưu truyền những cổ vật quý giá, thiêng liêng mà thế hệ cha ông đã để lại.

Ngọc Anh

Các tin khác