Văn hóa - Giáo dục
Nơi tụ hội tín ngưỡng văn hóa vùng cao
(Congannghean.vn)-Đã thành thông lệ, đến hẹn lại lên, vào các ngày từ 14/2 đến 16/2 (âm lịch), đồng bào các dân tộc huyện Quế Phong nô nức, tề tựu trở về xã Châu Kim - Địa danh gắn với “Tến cau hoong” để vui lễ hội Đền Chín Gian. Đây là một trong những lễ hội truyền thống của huyện Quế Phong nói riêng và vùng miền Tây Bắc Nghệ An nói chung, nhằm hướng về Thẻn Phà (trời), Náng Xỉ Đả (con gái trời) và Tạo Ló Ỳ - Người được xem là có công đầu trong việc khai mường, lập đất. Lễ hội Đền Chín Gian mang đậm bản sắc của đồng bào Thái với nhiều nghi lễ, sinh hoạt văn hóa dân gian cổ truyền của cư dân vùng sơn cước.
Đền Chín Gian được xây dựng từ đầu thế kỷ XIV (cách đây gần 700 năm) tại núi Pú Chò Nhàng, thuộc bản Khoẳng, xã Châu Kim, huyện Quế Phong. Đền có tên là “Tến xớ quái” (Đền hiến trâu), nhưng vì có 9 gian nên người dân thường gọi là Đền Chín Gian. Tương truyền rằng: Vào năm nọ, đúng ngày mở hội tế trời, khi chuẩn bị hành lễ hiến trâu, bỗng nhiên có con rồng bay đến cuốn đi con trâu trắng của Mường Tôn. Thấy điềm chẳng lành, Tạo Mường liền cho giết trâu làm lễ, khấn xin trời phật, tổ tiên để chuyển dời đền đi nơi khác. Huyền tích xưa cũng ghi nhận rằng, lúc bấy giờ có con quạ cổ khoang trắng đến gắp miếng xương trâu nơi đền cũ bay đi và thả xuống một ngọn đồi nhỏ phía nam mường Tôn, còn gọi là Pú Căm (núi vàng), tục gọi là Pú Quái (núi trâu). Từ những truyền thuyết đó, đền được dựng tại địa điểm này từ bấy đến nay.
Lễ hội Đền Chín Gian mang đậm sắc màu của miền Tây xứ Nghệ |
Thuở trước, Lễ hội Đền Chín Gian được tổ chức 3 năm một lần vào tháng 8 âm lịch hàng năm, là dịp hội tụ của người dân “chín bản mười mường” vùng Phủ Quỳ, hành hương về nơi phát tích mở hội tế trời, lễ tổ, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Trải qua bao sự biến thiên của lịch sử, Đền Chín Gian năm xưa tưởng chừng đi vào truyền thuyết, nhưng dấu ấn của một ngôi đền linh thiêng vào bậc nhất của cư dân nơi đây vẫn còn mãi. Năm 2004, thể theo nguyện vọng của đông đảo người dân, ngôi đền đã được phục dựng.
Sau một thời gian, được sự quan tâm của các cấp chính quyền và ngành văn hóa cũng như sự nâng niu, trân trọng của người dân trong việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa của đền, đến năm 2008, Đền Chín Gian được UBND tỉnh công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Từ đó đến nay, cứ vào dịp đầu xuân, lễ hội Đền Chín Gian được huyện Quế Phong tổ chức nhằm tri ân, tưởng nhớ công lao Tạo Ló Ỳ, người đã có công sáng lập bản mường, để đồng bào khắp nơi hướng về cội nguồn, thắp một nén hương thơm tỏ lòng thành kính, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm, hạnh phúc.
Tục chém trâu tại lễ hội |
Lễ hội Đền Chín Gian năm 2014 được UBND huyện Quế Phong chỉ đạo, tổ chức, với sự hướng dẫn, phối hợp của Ban Quản lý Di tích và Danh thắng (Sở VH,TT&DL), Trung tâm Văn hóa tỉnh. Lễ hội có hai phần (phần lễ và phần hội). Ở phần lễ là sự quy tụ nét đặc sắc, độc đáo của lễ hội là lễ “Hắp quái”, tức lễ hiến trâu. Hàng năm, lễ vật đầu tiên và không thể thiếu mà dân Mường Tôn dâng lên trong các dịp lễ tế trời và Tạo Ló Ỳ là một con trâu cái màu trắng.
Hai mường khác là mường Quáng và mường Puộc cũng hiến trâu trắng nhưng là trâu đực, những mường còn lại cúng trâu đen, nhưng trâu không bị tật. Sau khi trâu được đưa xuống tắm ở bến sông Tà Tạo (bến Quan), lễ chém trâu sẽ được tiến hành trong tiếng reo hò của đông đủ bà con về dự lễ. Thịt trâu được đặt lên bậc sạp cao nhất của gian đền. Bà mo làm lễ nộp trâu suốt 3 ngày đêm, rồi đem chia ra, nấu lên cho mọi người cùng ăn. Ở phần hội luôn là những hoạt động văn hóa đặc sắc, thu hút đông đảo người xem, như hội kéo co, ném còn, vật, bắn nỏ, nhảy sạp, khắc luống, lăm vông, uống rượu cần, liên hoan nghệ thuật quần chúng gắn với các điệu khắp, câu nhuôn và thi người đẹp 9 mường.
Nét mới của lễ hội năm nay là Ban tổ chức lễ hội huyện đã đưa nội dung thi viết chữ Thái, cùng với những gian hàng, giới thiệu những sản phẩm truyền thống của vải thổ cẩm, đồ thủ công mỹ nghệ, sản phẩm mây tre đan, các ẩm thực vùng cao như cơm lam, mọc...
Lễ hội Đền Chín Gian được tổ chức hàng năm nhằm phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc của tỉnh nói chung và đồng bào các dân tộc huyện Quế Phong nói riêng. Đồng thời đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và giao lưu văn hóa giữa các vùng, miền của người dân, tạo nên các hoạt động vui chơi để người dân tham gia, đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách. Lễ hội được tổ chức theo phong tục của đồng bào Thái, các nghi lễ đảm bảo sự trang nghiêm, an toàn, tiết kiệm, với sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, theo phương châm xã hội hóa. Vì thế, trong những năm qua, ở khuôn viên trong và ngoài của đền đã được đầu tư, nâng cấp nhiều hạng mục.
Trao đổi với P.V Báo Công an Nghệ An trước thềm lễ hội, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong Lữ Đình Thi phấn khởi: Từ rất lâu, lễ hội đã trở thành ngày hội thiêng liêng, là điểm tụ hội nét văn hóa tín ngưỡng tâm linh của đồng bào dân tộc Thái miền Tây xứ Nghệ.
Lịch sử như một dòng chảy liên tục, kế tiếp thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2010 - 2015, đồng bào các dân tộc ở Quế Phong đã phát huy truyền thống tốt đẹp, cùng nhau đoàn kết, vượt khó, dành được nhiều thắng lợi trên tất cả các lĩnh vực, trong đó tập trung xây dựng các mô hình kinh tế trọng điểm, mũi nhọn cùng với phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế và chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới... phấn đấu mục tiêu đến năm 2015 đưa huyện Quế Phong trở thành huyện khá khu vực miền Tây của tỉnh nhà.
Xuân Thống