Văn hóa - Giáo dục

Thấy gì từ tình trạng học sinh "quay lưng" với môn lịch sử

09:14, 20/03/2014 (GMT+7)

(Congannghean.vn)- Sớm hơn so với mọi năm, đầu tháng 2 vừa qua, Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Nếu như các năm trước, thí sinh phải dự thi 6 môn đã được ấn định từ trước thì năm nay, thí sinh chỉ dự thi 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn. Học sinh lớp 12 sẽ dự thi 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, 2 môn còn lại được phép tự chọn trong số các môn thi: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Lịch sử và Ngoại ngữ. Từ 17/3, học sinh sẽ bắt đầu đăng ký các môn thi tự chọn tại các trường THPT.

Như đã dự đoán về tình trạng “học lệch” của học sinh diễn ra từ bấy lâu nay, qua khảo sát, thăm dò ý kiến về việc lựa chọn các môn thi ngoài 2 môn bắt buộc ở một số trường THPT cho thấy sự “lép vế” của các môn khoa học xã hội so với các môn khoa học tự nhiên. Đặc biệt, ở môn Lịch sử, có rất ít học sinh đăng ký dự thi. Thực tế đáng buồn trên đã khiến cho không ít người cả trong và ngoài ngành giáo dục không khỏi băn khoăn về chất lượng dạy và học ở môn học có nhiều nét đặc thù này.

Trong hệ thống các môn học ở bậc học phổ thông, môn Lịch sử có vai trò, vị trí quan trọng trong việc trang bị cho học sinh những kiến thức nền tảng, cơ bản về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc. Mặc dù vậy, trong những năm gần đây, tình trạng học sinh tỏ ra hờ hững với các môn khoa học xã hội nói chung, môn Lịch sử nói riêng đang có chiều hướng gia tăng. Thực tế qua thống kê số hồ sơ thi ĐH, CĐ vài năm trở lại đây cho thấy, số thí sinh thi khối C rất ít, chỉ chiếm khoảng 5 - 10%.

Số thí sinh đăng ký dự thi các môn khoa học xã hội ít đồng nghĩa với việc số học sinh thực sự hứng thú với môn Lịch sử cũng đang “teo tóp” dần. Khi Bộ GD&ĐT thay đổi cách thức tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay theo hướng giảm số lượng các môn thi từ 6 môn xuống 4 môn và thí sinh được tự do lựa chọn 2 môn thi còn lại ngoài 2 môn bắt buộc, không ít người đã dự đoán: Sẽ không có nhiều học sinh lựa chọn đăng ký dự thi các môn xã hội nói chung, môn Lịch sử nói riêng. Và dường như, thực tế đang diễn ra đúng như dự đoán nêu trên.

6
Theo kết quả thăm dò, tỉ lệ học sinh đăng ký thi tốt nghiệp môn Lịch sử ở một số trường là 0% khiến nhiều người không khỏi băn khoăn - Ảnh minh họa

Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) được biết đến là mô hình trường ngoài công lập có chất lượng đào tạo thuộc loại top đầu của bậc học phổ thông ở Thủ đô. Theo kết quả thăm dò tỉ lệ học sinh đăng ký dự thi các môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 của trường này, môn Lịch sử tuyệt nhiên không có học sinh nào đăng ký dự thi. Tỉ lệ 0% này rất có thể không phải là hiện tượng cá biệt mà có lẽ sẽ còn diễn ra ở nhiều trường THPT khác trên cả nước khi mà từ lâu, môn Lịch sử đã trở thành “gánh nặng” trong nhận thức của không ít học sinh. Còn nhớ, một năm về trước, ngày 29/3/2013, sau khi Bộ GD&ĐT chính thức thông báo sẽ không thi môn Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều học sinh đã cùng đồng loạt xé đề cương ôn tập môn học này. Clip ghi lại cảnh tượng phản cảm trên được quay tại Trường THPT Nguyễn Hiền (quận 11, TP Hồ Chí Minh) sau đó đã bị phát tán trên mạng internet khiến cho dư luận không khỏi “giật mình” lo lắng về thái độ học tập của học sinh đối với môn học quan trọng này.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng học sinh “quay lưng” với môn Lịch sử. Trong đó, chương trình sách giáo khoa, phương pháp dạy và học, xu thế lựa chọn khối thi trong kỳ thi tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ được xem là những nguyên nhân chủ yếu. Mặc dù đã có nhiều lần được biên soạn, chỉnh lý nhưng theo nhiều giáo viên và học sinh, chương trình SGK môn Lịch sử hiện nay còn ôm đồm, nặng nề. Học sinh vẫn phải “đánh vật” với quá nhiều con số, sự kiện. Trong khi mục đích, ý nghĩa lớn nhất của việc học Lịch sử không phải chỉ để học sinh nhớ hết các con số, sự kiện mà quan trọng hơn là qua đó, hun đúc lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc. Đáng tiếc là, SGK Lịch sử hiện tại đang có thừa những con số mà thiếu đi những câu chuyện, hình ảnh về những con người cụ thể đã ghi dấu ấn trong lịch sử dân tộc.

Cùng với chương trình SGK, phương pháp dạy và học môn Lịch sử hiện nay còn bộc lộ không ít bất cập. Về phía giáo viên, phương pháp dạy học truyền thống vẫn tiếp tục được áp dụng trong khi đối tượng tiếp nhận là một lớp học trò mới cần sự tích cực, chủ động. Hiện tượng thuyết giảng một chiều, thầy đọc, trò chép xảy ra khá phổ biến trong các giờ học môn Lịch sử. Những sự kiện ngồn ngộn trong sách giáo khoa được truyền thụ mang nặng tính áp đặt cứng nhắc mà không có sự đối thoại cởi mở, tạo tâm lý chán nản, mệt mỏi trong học sinh.

Trước thực trạng có ít thí sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, đã có ý kiến đề xuất nên đưa môn Lịch sử vào danh mục các môn thi bắt buộc hoặc khống chế môn thi tự chọn theo tỉ lệ 50% môn khoa học xã hội, 50% môn khoa học tự nhiên. Những giải pháp mang tính “kỹ thuật” nêu trên có thể được tính đến, nhưng về lâu dài, giải pháp mấu chốt vẫn là nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của môn học Lịch sử; thay đổi nội dung, chương trình SGK. Quan trọng hơn cả là cần cải tiến mạnh mẽ phương pháp dạy và học đối với môn học có nhiều nét đặc thù này.

Lịch sử hơn bốn nghìn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc đã chứng kiến rất nhiều mốc son chói lọi cùng những chiến công hiển hách. Thế hệ trẻ hôm nay hoàn toàn có thể tự hào về truyền thống hào hùng, bất khuất của dân tộc. Nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử là góp phần nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn, cốt cách, bản lĩnh con người Việt Nam trong việc giữ gìn truyền thống, bản sắc để ổn định, phát triển. Điều này càng được đặt ra cấp thiết khi nước ta đang từng bước hội nhập sâu, rộng với thế giới trên tất cả các lĩnh vực.

 

TIN LIÊN QUAN

Bùi Minh Tuấn

Các tin khác