Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201403/thang-6-ra-van-ban-ve-thi-diem-tu-chu-hoat-dong-dai-hoc-461111/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201403/thang-6-ra-van-ban-ve-thi-diem-tu-chu-hoat-dong-dai-hoc-461111/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Tháng 6, ra văn bản về thí điểm tự chủ hoạt động đại học - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 12/03/2014, 14:54 [GMT+7]

Tháng 6, ra văn bản về thí điểm tự chủ hoạt động đại học

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu Bộ GDĐT và các bộ, ngành liên quan sớm hoàn thành các văn bản về thí điểm thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động đối với 4 trường đại học để Chính phủ thông qua chậm nhất trong tháng 6/2014.
 
Sáng 11/3, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập chủ trì cuộc họp về Đề án thí điểm tự chủ hoạt động và tài chính ở một số trường đại học. Tham dự có lãnh đạo Bộ GDĐT, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ.
 
Việc thực hiện thí điểm tự chủ hoạt động và tài chính (giai đoạn 2014-2017) ở một số trường đại học (gồm 4 trường thuộc Bộ GDĐT là Đại học Ngoại thương, Đại học Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh) nhằm tìm hành lang pháp lý vững chắc cho sự phát triển của giáo dục đại học dần thoát khỏi sự bao cấp của Nhà nước.
 
Bộ GDĐT xây dựng Đề án thí điểm sau 7 năm thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.
 
Theo đó, cơ chế hoạt động của các trường đại học công lập phải được thay đổi theo hướng Nhà nước trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đồng bộ cho các đơn vị công lập về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực, tài chính.
 
Trong các nội dung trên thì tìm cơ chế tự chủ tài chính là vấn đề quan trọng và đang vướng nhiều bất cập nhất.
 
Theo Bộ GDĐT, thực hiện Nghị định 43, Bộ đã trao quyền tự chủ hoàn toàn và tự chủ một phần kinh phí hoạt động thường xuyên cho các cơ sở giáo dục đại học được lựa chọn.
 
Quyết toán thu chi ngân sách hằng năm cho thấy số thu đều tăng vượt kế hoạch được giao (năm 2008 vượt 89%, năm 2009 vượt 96%, năm 2010 vượt 46%, năm 2011 vượt 24% và năm 2012 vượt 12%).  Điều đó cho thấy các trường đã quản lý tốt nguồn thu sự nghiệp, mở rộng các hoạt động sự nghiệp giáo dục nhằm tăng nguồn thu để đầu tư cơ sở vật chất và cải thiện đời sống giảng viên.
 
Tuy nhiên, mức thu học phí hiện nay còn thấp và còn mang tính bình quân giữa các ngành đào tạo. Thêm vào đó, các trường chỉ được thu mức học phí trong khung học phí do Chính phủ ban hành tại Nghị định 49 nên nguồn thu sự nghiệp của nhà trường không đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo.
 
Do vậy, Bộ GDĐT kiến nghị trong Dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phu mức học phí không vượt quá 3 lần khung học phí theo quy định hiện hành (Nghị định 49 của Chính phủ) cho từng ngành đào tạo, dự kiến cho cả khóa học và công khai trước khi tuyển sinh.
 
Về điểm này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh lưu ý Bộ Tài chính và Bộ GDĐT tính toán đến khả năng hỗ trợ chi trả học phí từ ngân sách Nhà nước đối với các đối tượng chính sách khi học tại các trường này.
 
Bên cạnh đó, sớm sửa Nghị định 49 của Chính phủ về khung học phí vì Nghị định này hết hiệu lực vào cuối năm 2015, trong khi việc thực hiện thí điểm kéo dài tới 2017.
 
Trong cơ cấu thu chi của các trường, Phó Thủ tướng đề nghị phải làm rõ chi phí nào được thu, chi phí nào không được thu để không “đẻ” ra nhiều khoản thu đột suất, không hợp lý như thời gian qua. Còn trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh chi phí thì trường phải tự chi trả.
 
Đối với việc chi tiêu thì đảm bảo cơ chế Nhà nước nhưng phải linh hoạt và có quy định về việc này. Quy chế tài chính công khai, minh bạch do Hội đồng nhà trường quyết định.
 
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu cơ chế về phân phối tài chính của các trường (kể cả tài chính cho khen thưởng) phải đảm bảo khuyến khích cho trường đầu tư trở lại cho giáo dục, đào tạo. Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu cơ chế tín dụng cho các trường làm thí điểm được vay vốn ngân hàng (vốn ưu đãi và vốn thông thường) đối với các dự án giáo dục có khả năng trả được nợ.
 
Đối với nội dung tự chủ về biên chế, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị trước mắt căn cứ vào nhu cầu biên chế của các trường những năm qua để xác định tổng số biên chế bất kỳ, từ đó hình thành bảng lương chuẩn để các trường vận dụng.
 
Trong quá trình thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh đến việc thanh tra, kiểm tra hoạt động của nhà trường ngay trong nội bộ và kiểm tra của các bộ để hạn chế thất thoát, khiếu kiện.
 
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu Bộ GDĐT và các bộ, ngành liên quan sớm hoàn thành các văn bản về thí điểm thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động đối với 4 trường đại học để Chính phủ thông qua, chậm nhất trong tháng 6/2014.
 
Ngoài 4 trường trên, Bộ GDĐT cũng đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung 2 trường (Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) vào danh sách thí điểm, nhưng 2 trường này chỉ thực hiện thí điểm tự chủ ở một số ngành, nghề đào tạo nhất định.
 
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng đồng ý cho phép các trường khác nếu có điều kiện, có thể tham gia thí điểm tự chủ hoạt động và tài chính.
.

Chinhphu