(Congannghean.vn)-Đổi mới hình thức thi, kiểm tra, đánh giá năng lực học tập của học sinh là một trong những nội dung quan trọng trong quá trình thực hiện việc đổi mới toàn diện giáo dục ngay từ bậc học phổ thông. Khâu ra đề thi được xem là “mắt xích” quan trọng đầu tiên trong quá trình cải tiến này, đặc biệt là đối với một môn học có nhiều nét đặc thù như Ngữ văn. Thời gian gần đây, xuất hiện ngày càng nhiều những đề thi mang “hơi thở” cuộc sống khi nội dung đề cập đến những vấn đề “nóng”, được dư luận quan tâm. Những đề thi ra theo hướng mở không chỉ giúp rèn luyện tư duy sáng tạo, độc lập, phát huy tính tích cực, chủ động trong quá trình làm bài của học sinh mà còn góp phần giúp học sinh rèn luyện kỹ năng sống, có được cách ứng xử phù hợp với những tình huống khác nhau trong thực tiễn.
Xuất hiện ngày càng nhiều những đề thi mang “hơi thở” cuộc sống
Sự việc liên quan tới câu chuyện về người tài xế ở Đồng Nai trong lúc gặp tai nạn đã bị hàng trăm người xông vào “hôi bia” đã trở thành chất liệu của một câu hỏi trong đề thi kết thúc học kỳ 1, môn Ngữ văn của Trường THPT chuyên Hùng Vương (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai). Đề thi như sau: “Báo Giáo dục Việt Nam ngày 4/12/2013 đã đưa tin: Trưa 4/12/2013, xe tải chở 1.500 thùng bia đi từ thành phố Hồ Chí Minh ra thành phố Phan Thiết. Khi đến vòng xoay Tam Hiệp (TP Biên Hòa) bất ngờ gặp tai nạn khiến cho cả nghìn thùng bia trên xe đổ ào xuống đường. Nhân cơ hội đó, người dân xung quanh đã lao ra “hôi” của mặc cho lái xe khóc lóc, van xin. Anh, chị suy nghĩ gì về vụ việc trên”. Như vậy, đề thi đã thẳng thắn đề cập tới một sự việc thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận xã hội những ngày qua. Với đề thi này, học sinh có điều kiện bày tỏ thái độ, suy nghĩ của mình trước những hành động xấu xí, phản cảm. Từ đó, mỗi học sinh có thể rút ra cho bản thân những bài học quý báu về cách hành xử đúng đắn khi thấy người khác không may gặp nạn.
Trước thực trạng một bộ phận học sinh hiện nay đang lạm dụng quá nhiều “ngôn ngữ chat”, “ngôn ngữ teen” làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt, một đề thi kết thúc học kỳ môn Ngữ văn của học sinh THCS trên địa bàn huyện Sa Thầy (Kon Tum) đã hướng học sinh bàn luận, bày tỏ quan điểm tới vấn đề này. Nội dung đề thi như sau: “Có bạn trẻ nhắn tin cho mẹ như sau: Mother ui, hum n4i kon hok zia. Kon f4i o l4i hok th3m (Mẹ ơi, hôm nay con không về. Con phải ở lại học thêm). Mẹ bạn ấy than vãn: “Đọc tin của con như đọc mật thư, không hiểu tin nhắn của con”. Bạn trẻ trong tình huống trên đã dùng “ngôn ngữ chat”, “ngôn ngữ teen” với mẹ. Nhận xét về từ ngữ xưng hô và cách sử dụng từ tiếng Việt. Em rút ra bài học gì trong giao tiếp?”. Đề thi “lạ” nêu trên là cơ hội để học sinh có thể trình bày quan điểm của mình trước thực trạng sự trong sáng của tiếng Việt đã bị ảnh hưởng tiêu cực khi tiếng lóng, “ngôn ngữ chat” được nhiều bạn trẻ sử dụng tràn lan như hiện nay.
Những đề thi mang tính gợi mở sẽ giúp học sinh thể hiện được sự sáng tạo, cách nghĩ của bản thân đối với các vấn đề của cuộc sống - Ảnh minh họa |
Không chỉ trong các bài kiểm tra hàng ngày trên lớp, đề thi ra theo hướng mở đã xuất hiện đều đặn trong những kỳ thi quan trọng cấp Quốc gia thời gian gần đây như: Thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ. Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2013 vừa qua gây xúc động cho nhiều người khi đưa hình ảnh dũng cảm của em Nguyễn Văn Nam (học sinh lớp 12 Trường THPT Đô Lương 1 - Nghệ An) vào đề thi môn Ngữ văn. Điều đáng nói là, với đề thi nghị luận xã hội giàu tính nhân văn này, học sinh không chỉ nêu cảm xúc, bày tỏ sự thán phục trước tinh thần dũng cảm, quên mình xả thân cứu 5 em nhỏ của Nam mà còn giúp người làm bài liên hệ thực tế, phê phán, lên án “bệnh” vô cảm, sự thờ ơ, bàng quan trước cái ác, cái xấu. Không chỉ đồng cảm, xúc động trước hành động của Nam, qua các bài làm, nhiều em còn thể hiện quyết tâm noi gương Nam, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy, giúp đỡ người khác trong cơn hoạn nạn.
Nhiều lợi ích từ những đề thi ra theo hướng mở
Khác với dạng đề “truyền thống” thường kèm theo những “mệnh lệnh”, gợi dẫn về thao tác lập luận như: “hãy chứng minh…”, “hãy phân tích…”, “hãy giải thích…”, “hãy bình luận”…; hoặc phương thức biểu đạt như: “hãy phát biểu cảm nghĩ”…, “hãy kể…”. Đề “mở” là loại đề chỉ nêu vấn đề cần bàn luận trong bài nghị luận hoặc chỉ nêu đề tài để viết văn miêu tả, tự sự. Chẳng hạn như: Điều kỳ diệu của tình yêu thương, kỷ niệm ngày tựu trường, bệnh vô cảm của con người thời hiện đại, tình yêu thiên nhiên trong thơ Nguyễn Trãi, chất “thép” và chất “tình” trong thơ Hồ Chí Minh… Tùy thuộc vào nội dung vấn đề, đề tài được nêu ra trong đề bài mà người viết lựa chọn và quyết định sử dụng các thao tác nghị luận phù hợp. Thông thường là phải kết hợp, vận dụng nhiều thao tác khác nhau trong bài viết. Đề “mở” yêu cầu cao ở học sinh sự sáng tạo, linh hoạt, những suy nghĩ, cách cảm thụ độc lập, khó có thể lệ thuộc vào các loại tài liệu tham khảo.
Bên cạnh việc phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, một ưu điểm khác cần được nói đến của dạng đề “mở” là có thể phân hoá được học lực của học sinh. Cùng với các dạng đề nghị luận văn học, những đề văn nghị luận xã hội theo hướng “mở” sẽ tạo cho học sinh cơ hội được bày tỏ nhận thức, suy nghĩ của mình đối với những vấn đề khác nhau của xã hội. Từ đó, góp phần hình thành kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử phù hợp đối với những vấn đề đặt ra trong cuộc sống thường nhật. Cũng là cách để “kéo” văn chương về gần hơn với cuộc sống. Điều cần lưu ý là, đáp án đối với dạng đề “mở” cũng cần được soạn theo hướng “mở”. Nghĩa là, không nên ràng buộc người viết vào một số ý nào có sẵn, cho trước mà chỉ cần định hướng về cách giải quyết. Chất lượng của bài viết cũng không nên quá câu nệ vào dung lượng ngắn, dài. Điều quan trọng là học sinh phải xác định đúng trọng tâm vấn đề cần trình bày và thể hiện nó một cách rõ ràng, minh bạch, logic, có chủ kiến, có sức thuyết phục. Giáo viên khi chấm thi cũng phải thật sự “vững tay” để không bỏ qua những suy nghĩ độc đáo, sáng tạo của học sinh (có thể không có trong đáp án) thể hiện trong bài viết.
.