Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201401/dot-duoc-hoc-chu-o-ban-ngheo-435930/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201401/dot-duoc-hoc-chu-o-ban-ngheo-435930/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Đốt đuốc học chữ ở bản nghèo - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 02/01/2014, 09:17 [GMT+7]

Đốt đuốc học chữ ở bản nghèo

(Congannghean.vn)- Đã từ lâu lắm, biết bao thế hệ học sinh người Thái ở bản Cam, xã Cam Lâm, huyện Con Cuông lấy cây rừng đốt lên làm đuốc soi đường, trèo non, lội suối đi bộ hơn 2 giờ đồng hồ trong đêm tối đến trường để vào lớp học đúng giờ. Đến buổi chiều, tối mịt mới trở về gia đình. Khó khăn, gian khổ đã cho các em ý chí và nghị lực vươn lên học tập. Đây quả là điều đáng được ghi nhận.

Bản Cam, xã Cam Lâm huyện Con Cuông đến nay vẫn chưa có ánh điện Quốc gia. Bà con nơi đây sống trong cảnh ban đêm tối như hũ nút và lạnh lẽo. Bên cạnh đó, giao thông lại cách trở, thông tin liên lạc cũng hết sức khó khăn, điện thoại bàn không có, điện thoại di động cũng khó mà nối liên lạc. Để đến được bản Cam, phải chạy xe máy từ Quốc lộ 7 vào khoảng gần 10 cây số, con đường vắt qua đèo núi chênh vênh, nhiều nơi dốc dựng đứng, bên cạnh lại là vực sâu hun hút rất nguy hiểm.

Những người lần đầu tới bản Cam đều có cảm giác rất sợ, phải có gan “cảm tử” đi xe máy ôm trên một con đường nhỏ độc đạo dốc đứng đầy “ổ trâu”, “ổ voi” và gập ghềnh, kề bên vực nước sâu hun hút mà chỉ một sơ suất nhỏ là xe và người rơi xuống vực. Bản Cam còn có vô vàn những chuyện hư thực về “Mê cung lộ huyền bí”, bản Cam cổ huyền thoại, hoặc buổi tối sao trên trời sà xuống tỏa sáng soi đường cho trẻ con đi học… Những câu chuyện đó đã gợi trí tò mò để chúng tôi về với bản Cam.

Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm khi vào được bản. Đường đi lối lại trong bản hư hỏng nặng, đất đá ngổn ngang đi lại vất vả, phải lội qua nhiều con suối mới đến được nhà dân. Nhà ông Quang Văn Lịch - Bí thư chi bộ ở bên cạnh một con suối nước chảy ào ạt. Đó là ngôi nhà sàn đã cũ, mặt sàn được lát bởi một lớp tre dát nhỏ mỏng manh. Ông Lịch tiếp chúng tôi cởi mở và thân thiện, ông kể: Toàn bản hiện có 127 hộ người Thái với 587 khẩu, nhưng có hơn nửa người dân bị thiếu đói.

Để đến trường, các em phải đi bộ gần 8km trên con đường dốc đứng nguy hiểm
Để đến trường, các em phải đi bộ gần 8km trên con đường dốc đứng nguy hiểm

Tỷ lệ hộ nghèo tại bản Cam chiếm đến 70%. Người dân bản Cam sinh sống dựa vào nghề đi rừng, làm nương rẫy nên hầu hết việc chăm lo cho con em học hành đến nơi đến chốn là rất khó. Không phải các bậc cha mẹ không muốn cho con em mình đi học mà do khó khăn quá nên việc quan tâm đến học chữ của người dân còn hạn chế. Trước đây, trẻ con trong bản học đến cấp 2 là bỏ học lên núi chăn trâu, bò và làm nương rẫy nên đời sống không thoát được cái nghèo, cái đói. Ý thức được tầm quan trọng của việc học tập nên những năm gần đây, các gia đình dù khó khăn mấy cũng cố gắng cho con đi học. Tuy nhiên, để học được cái chữ quả là cả một hành trình đầy gian nan, vất vả.

Có vượt đường rừng vào bản Cam, mới hiểu hết được những khó khăn, vất vả trên chặng đường đi tìm con chữ của các em học sinh nơi đây. Khi bầu trời đêm còn tĩnh mịch, nếu như ở thành phố, nhà nhà đều đang chìm trong giấc ngủ thì tại vùng quê xa xôi hẻo lánh này, những cô bé, cậu bé đã phải thức dậy để đến trường. Nhà nào có điều kiện thì các em được dùng những chiếc đèn pin, còn không đều phải dùng những cây nứa dài và khô để làm đuốc soi đường. Thường thì trong một nhóm như vậy, những em nam sẽ cầm đuốc đi trước dẫn đường, còn các bạn nữ nối gót theo sau.

Có lúc giữa đường, đuốc tắt hoặc hết đuốc, tất cả đều phải dừng lại để tìm nứa ven đường, thắp đuốc rồi đi tiếp. Quãng đường đất đến trường dài gần 8 km toàn dốc cao, sau mỗi trận mưa, bùn đất lầy lội gây xói mòn thành từng rãnh lớn rất khó đi. Vượt qua nhiều con dốc cao trong đêm mưa, suốt chặng đường dài, các em phải dừng nghỉ chân lấy sức tiếp tục đi. Lúc nghỉ chân các em đem cơm nắm, sắn, khoai lang tranh thủ ăn sáng. Tại bản Cam, đi học cũng phải dũng cảm, bởi trong đêm tối, nghe tiếng thú dữ gầm gừ, nhiều em sợ run bần bật không dám khóc.

Chiếc cầu tạm qua khe Xì Vàng được người dân trong bản dựng lên giúp các em đi học được thuận tiện

Những ngày mưa to, gió lớn, các em lại phải vượt qua khe Xì Vàng và đi thêm vài cây số nữa mới tới được trường. Khe Xì Vàng rộng chừng 100 m nhưng nước khá sâu, lại chảy xiết nên vượt qua đó là điều không dễ dàng và rất dễ xảy ra tai nạn. Nhiều hôm các em phải cởi quần áo cho vào cặp sách đội lên đầu bơi qua dòng nước lạnh giá. Nhiều em nhỏ còn có sáng kiến nắm tay nhau thành đoàn đi qua suối cho an toàn hơn là đi nhỏ lẻ.

Bởi vậy, trước đây, vào những đợt mưa to, nước dâng cao, chảy xiết thì học sinh cấp 2 ở bản Cam đành phải nghỉ học chờ đến khi nào nước rút xuống mới đi học trở lại. Để thuận tiện cho việc đi lại của bà con, một người dân trong bản đã thiết kế một chiếc bè để chuyên chở bà con và học sinh bản Cam qua sông. Tuy nhiên, mỗi lần đi bè, hiểm họa luôn rình rập các em.

Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho con em mình đến trường học chữ, người dân bản Cam đã họp bàn và góp công sức dựng một chiếc cầu tạm được ghép bằng những tấm gỗ, bắc qua khe Xì Vàng. Tuy nhiên, đây chỉ là cầu tạm. Bà con dân tộc Thái bản Cam đang nóng lòng mong Nhà nước sớm đầu tư xây dựng cầu để người dân và các em nhỏ đi học được an toàn, thuận lợi.

Nhiều thầy cô Trường THCS Cam Lâm đều chung nỗi trăn trở khi  các em còn nhỏ, đường đến trường lại quá xa. Vất vả nhất là mùa lạnh, nếu học cả ngày các em phải đùm cơm đi từ tinh mơ tới tối mịt mới trở về nhà. Đường đến trường quá xa, đi lại khó khăn, vất vả, với những học sinh dân tộc thiểu số ở bản Cam, để theo học được đầy đủ và lên lớp đã là một kỳ tích. Vượt qua những khó khăn đó, vẫn có nhiều cháu đạt học sinh giỏi, học sinh tiên tiến. Bản có 2 học sinh đã tốt nghiệp đại học.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trọng Minh - Hiệu trưởng Trường THCS Cam Lâm cho biết: Hiện bản Cam có 36 học sinh và bản Bạch Sơn có 20 học sinh đang theo học tại trường. Mặc dù nhà trường đã có chế độ bán trú cho học sinh nhưng cũng chỉ giúp được phần nào, bởi đây là hai bản xa nhất của xã Cam Lâm, đường sá xa xôi cách trở nên các em đi học rất vất vả.

Vào mùa mưa lũ, nước ngập sâu nên nhà trường phải có lịch thông báo nghỉ học trước, chờ khi nào nước rút mới đi. Cũng có nhiều em học sinh do nhà xa, nhà trường phải gửi ở nhà dân, một tuần mới về một lần. Do đó, về lâu dài trường phải xây nhà nội trú, tạo điều kiện giúp các em học sinh yên tâm học hành. Tuy nhiên, khó khăn nhất là vấn đề kinh phí, bởi Cam Lâm là một xã nghèo nên đó là một số tiền không nhỏ.

Cuộc sống của người dân bản Cam nghèo nàn như một bài ca buồn đằng đẵng, hiện vẫn còn một bộ phận người dân chưa thể thoát đói nghèo và mù chữ. Tuy nhiên, người dân tộc Thái ở bản Cam đã ý thức được rằng, muốn thoát nghèo và lạc hậu phải lo cho con em đi học, tìm cái chữ ở trường quê rồi ra thành phố, mang tri thức nhân loại về bản làng để xây dựng một bản Cam ấm no và văn minh.

.

Lê Hoa