Văn hóa - Giáo dục
Dấu ấn lịch sử về người anh Cả của Quân đội anh hùng
16:12, 22/12/2013 (GMT+7)
Chúng tôi về với Khu di tích Mường Phăng (xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) vào một ngày tháng 12 đầy nắng. Những xúc cảm dâng trào khi được trở lại địa danh gắn liền với lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN), với tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đúng vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập QĐND 22-12 và Chính phủ vừa ban hành kế hoạch kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên.
Vượt qua con đường gần 40km từ thành phố Điện Biên vào Mường Phăng quanh co, khúc khuỷu đèo dốc, len giữa những ngọn núi rợp màu vàng của hoa dã quỳ, với những ngôi nhà sàn xinh xắn vắt vẻo bên đồi, giữa ngàn mây, chúng tôi đặt chân đến Khu di tích.
Đây rồi! Di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa nằm giữa rừng nguyên sinh. Đây cũng là nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh QĐNDVN, kiêm Chỉ huy trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ và Phó Tổng Tham mưu trưởng, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái. Sở chỉ huy nằm ở độ cao trên 1.000m so với mặt nước biển, giữa những tán cây cổ thụ của khu rừng già được giữ gìn gần như nguyên vẹn, như minh chứng về tình cảm của người dân địa phương dành cho cách mạng.
Nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Mường Phăng |
Hầm thông tin liên lạc rất nhỏ đón bước chúng tôi. Ngay bên cạnh là dãy lán dài, nơi ngủ của các điện báo viên, lán của Cục trưởng thông tin Hoàng Đạo Thúy. Khung cảnh sơ sài khiến mọi người chưa hết cảm động, thì bàn chân đã sựng lại khi đứng trước lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đây là nơi mà những người dân vẫn gọi một cách thân thương là “nhà của Đại tướng”. Tựa vào núi, nép mình dưới vòm lá sẫm đầy ắp tiếng chim, ngôi lán của Đại tướng vách cũng được ken bằng lá gianh, nứa, mái cũng lợp bằng gianh, giản dị như những ngôi lán của các chiến sĩ thông tin chúng tôi vừa bắt gặp. Tất cả các đồ vật trong lán đều đơn sơ, được làm từ cây rừng Mường Phăng…
Khung cảnh vắng lặng giữa chiều đông khiến niềm bâng khuâng chợt dâng lên. Hình như Đại tướng mới vừa đi đâu đó, chỉ lát nữa thôi Người sẽ trở về. Con suối trước nhà vẫn chưa thôi róc rách, như đang kể cho chúng tôi nghe bao kỷ niệm về Người, với những ngày chịu bao gian khó, thiếu thốn, để vạch từng đường đi nước bước cho ngày chiến thắng.
Nhìn cái thế nhà tựa núi, phía trước là dòng suối nước trong vắt ở núi rừng Tây Bắc, không thể không nhớ đến những ngôi lán ở ATK Việt Bắc mà Hồ Chủ tịch chọn lựa, để thấy sự đồng điệu giữa 2 con người vĩ đại. Càng thấy rõ hơn tầm nhìn chiến lược của vị Đại tướng, khi cô hướng dẫn viên Lò Thị Pỉ cho biết, từ căn hầm chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở ngay cạnh lán, đi ra triền núi phía sau chừng 6km, trèo lên đỉnh đồi Pú Cá cao hơn 1.300m, có một đài quan sát của bộ đội ta. Ở đó, có thể phóng tầm mắt bao quát toàn bộ cụm cứ điểm Điện Biên Phủ trong lòng chảo Mường Thanh...
Con đường hầm dài gần 100m, bắt đầu từ lán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đưa chúng tôi đến lán ở và làm việc của Tham mưu trưởng, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái. Cách đó không xa là hội trường vốn nơi diễn ra nhiều hội nghị quan trọng liên quan đến chiến dịch lịch sử này, cùng chiếc bếp Hoàng Cầm của cơ quan tham mưu chiến dịch Điện Biên Phủ...
Thật tự hào khi được đến Mường Phăng hôm nay, khi lịch sử bắt đầu chạm mốc 60 năm ngày chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi. Đi giữa khu rừng nguyên sinh xanh màu thời gian, giữa những ký ức năm xưa vẫn còn nguyên giá trị, hồi tưởng về quá khứ hào hùng của dân tộc, mà thêm thấy thiêng liêng, quí giá trước sự hiện hữu của hòa bình hôm nay.
CAND