Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201312/dai-tuong-nguyen-chi-thanh-sang-trong-nhu-ngoc-mot-con-nguoi-434827/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201312/dai-tuong-nguyen-chi-thanh-sang-trong-nhu-ngoc-mot-con-nguoi-434827/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Sáng trong như ngọc một con người - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 30/12/2013, 09:06 [GMT+7]

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Sáng trong như ngọc một con người

(Congannghean.vn)-Đồng chí Nguyễn Chí Thanh là người chiến sỹ cộng sản ngoan cường, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, một nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc, một tướng lĩnh quân sự tài giỏi của Đảng, của dân tộc.
 
Vốn sinh ra trong một gia đình và làng quê giàu truyền thống yêu nước  và cách mạng (thôn Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), Nguyễn Vịnh (tên thật của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh) sớm có lòng yêu nước nồng nàn và nhiệt huyết cách mạng. Từ nhỏ, ông đã căm ghét bọn bán nước và lũ cướp nước, ý thức giải phóng dân tộc hình thành trong ông từ rất sớm. Cố đô Huế thời kỳ đó vốn là “cái rốn” của triều đình phong kiến. Mọi hoạt động yêu nước trên đất Cố đô lúc bấy giờ luôn bị kiểm soát một cách gắt gao. Không nề hà vất vả, gian khổ, mất mát, hy sinh, người thanh niên yêu nước Nguyễn Vịnh đã tìm đến với những người cộng sản chân chính như Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu... Được sự giác ngộ cách mạng của những người cộng sản, người thanh niên đất Cố đô Huế đã lao vào hoạt động cách mạng một cách nhiệt tình, say mê. Những phong trào cách mạng gây tiếng vang thời đó đều có dấu ấn của người thanh niên Nguyễn Vịnh.
 
Vừa tròn 23 tuổi, Nguyễn Vịnh đã được đứng vào hàng ngũ của Đảng và được cử làm Bí thư Chi bộ Đảng tại huyện Quảng Điền (quê hương của ông), sau đó ông được chỉ định vào Tỉnh ủy lâm thời. Năm 24 tuổi, đã là Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế. Thực dân Pháp và triều đình phong kiến nhà Nguyễn lồng lộn trước làn sóng yêu nước và cách mạng đang ngày càng như bão nổi triều dâng trên “đất thánh” của chúng. Chúng ra sức lùng sục và khủng bố gắt gao. Đầu năm 1938, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên. Dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là Xứ ủy Trung Kỳ, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã cùng nhiều đồng chí khác lãnh đạo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, đi đầu là thanh niên trong các cuộc đấu tranh chống địch, tích cực xây dựng và mở rộng Mặt trận Dân chủ ở tỉnh nhà và phát huy ảnh hưởng tới các tỉnh bạn.
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (phải) nghiên cứu bản đồ tác chiến -  Ảnh tư liệu
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (phải) nghiên cứu bản đồ tác chiến - Ảnh tư liệu
Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Chí Thanh rất quan tâm và trực tiếp chỉ đạo xây dựng và hoạt động của Đoàn thanh niên Dân chủ Thừa Thiên Huế. Cuối năm 1938, đồng chí Nguyễn Chí Thanh bị thực dân Pháp bắt giam. Dù bị giam cầm ở nhà lao Huế hay ở Lao Bảo (Quảng Trị), Buôn Mê Thuột…đồng chí Nguyễn Chí Thanh vẫn luôn kiên cường, giữ vững khí tiết của người cộng sản, bất chấp mọi sự đàn áp, tra tấn của kẻ thù. Tại đây, ông cùng với Lê Tất Đạt, Phan Văn Dứa - Những đồng chí của mình vượt ngục trở về quê hương tiếp tục hoạt động cách mạng.
 
Năm 1943, lần thứ 3 ông bị bắt. Lần này, kẻ thù đã dùng nhiều đòn tra tấn cực hình hòng bẻ gãy ý chí gang thép của người cách mạng, đồng thời khai thác những thông tin cần thiết. Nhưng “gạo đem vào giã bao đau đớn”, trong gian nan, cực khổ bởi đòn thù, ý chí của người chiến sỹ cách mạng càng được tôi luyện. Không làm nhụt được ý chí của ông, kẻ thù đưa ông trở lại nhà tù Buôn Mê Thuột. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), ông được trả tự do. Trở về với cách mạng, như cá với nước, chỉ một thời gian sau, nhờ sự lăn lộn với phong trào và bám sát nhân dân, đồng chí Nguyễn Chí Thanh cùng các đồng chí khác xây dựng lại cơ sở cách mạng trong quần chúng, khôi phục lại những cơ sở Đảng bị địch đánh phá ở nhiều huyện trong tỉnh như Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc và ngay ở thành phố Huế, nơi đồng chí đã từng hoạt động sôi nổi trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ. Đây là những năm tháng đầy thử thách nhưng cũng là thời gian quyết định sự trưởng thành vượt bậc của đồng chí, với những cống hiến xuất sắc của bản thân trong công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa, giành lấy chính quyền về tay nhân dân dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Trung ương Đảng ta.
 
Tháng 8/1945, thay mặt tổ chức Đảng ở Trung Kỳ, đồng chí Nguyễn Chí Thanh tham gia Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào. Tại Hội nghị quan trọng này, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên đồng chí Nguyễn Chí Thanh được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Bác Hồ vô cùng kính yêu. Sau Hội nghị, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Trung ương Đảng chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ. Năm 1948, Trung ương quyết định thành lập Phân khu Bình - Trị - Thiên để thống nhất chỉ huy 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Nguyễn Chí Thanh được cử làm Bí thư.
 
Giữa năm 1950, cuộc kháng chiến chống Pháp bước sang một giai đoạn mới, quân đội ta phát triển nhanh chóng và ngày càng lớn mạnh. Trong bối cảnh đó, Nguyễn Chí Thanh được Đảng giao cho một trọng trách mới. Ông được điều động vào quân đội và được bổ nhiệm giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Về Đảng, ông được cử giữ chức Phó Bí thư Quân ủy Trung ương. Từ đó đến ngày 6/7/1967 (ngày ông đột ngột từ trần), ông trải qua nhiều cương vị mới như Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Ủy viên Bộ Chính trị BCH TW Đảng. Với trọng trách đảm nhận công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội, Nguyễn Chí Thanh đã có đóng góp to lớn, tạo nên sức mạnh của quân đội ta, liên tiếp đánh thắng địch trong nhiều chiến dịch lớn, kết thúc bằng chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử tháng 5/1954. Năm 1959, ông được phong hàm Đại tướng và đây là vị Đại tướng thứ hai của quân đội ta. Năm 1961, được Trung ương Đảng giao cho phụ trách Ban Nông nghiệp Trung ương. Trước lúc ra đi, ông là Bí thư Trung ương cục Miền Nam, Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng Miền Nam Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa… Dù ở cương vị nào, ông cũng đều có tác phong rất dân dã, quần chúng, tiêu biểu cho tư tưởng, đạo đức và phẩm chất của người cán bộ cách mạng chân chính.
 
Trong tham luận đọc tại Hội thảo nhân 30 năm ngày mất của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, ngày 5/7/1997, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: "Nhớ tới anh Thanh, tôi tưởng nhớ và vô cùng thương tiếc một người bạn chiến đấu thân thiết, một chiến sỹ cộng sản kiên cường, một cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng, một tướng lĩnh tài ba của quân đội ta, người đã có những cống hiến quan trọng vào sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của dân tộc Việt Nam ta".
 
“Ôi! Sống như anh, sống trọn đời; Sáng trong như ngọc một con người” (trích Vở chèo “Sáng trong như ngọc một con người”, tác giả kịch bản: Nhà văn Nguyễn Quang Vinh). Cuộc đời, sự nghiệp, tài năng cùng những cống hiến lớn lao và phẩm chất cao đẹp của đồng chí Nguyễn Chí Thanh mãi mãi sáng ngời trong sự nghiệp cách mạng hôm nay.
.

Nguyễn Thanh