(Congannghean.vn)-Thời gian qua, giáo dục đại học là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm bởi có không ít vấn đề bất cập tồn tại dai dẳng: Từ việc thành lập trường ĐH, chất lượng “đầu vào”, chất lượng đội ngũ giảng viên cho đến chất lượng đào tạo đang ngày càng xuống cấp so với chuẩn… Việt Nam chứ chưa nói gì đến chuẩn thế giới. Trong đó, vấn đề “ba công khai” trong các trường đại học chưa được thực hiện nghiêm túc, khách quan cho thấy những yếu kém, hạn chế cần khắc phục của bậc học đặc biệt quan trọng này.
Thực trạng chất lượng giáo dục bậc đại học, cao đẳng thời gian qua còn bộc lộ nhiều bất cập: Mức thu học phí chưa tỷ lệ thuận với chất lượng đào tạo; tuyển sinh ồ ạt trong khi cơ sở vật chất không đạt yêu cầu; số lượng, chất lượng đội ngũ giảng viên chưa đảm bảo. Nhằm chấn chỉnh những hạn chế, bất cập nêu trên, Bộ GD&ĐT đã ban hành quy định cụ thể về việc thực hiện quy chế công khai đối với cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng: Công khai về cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng thực tế; điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục và công khai thu, chi tài chính.
Cần quan tâm chất lượng đầu vào của các trường đại học để đảm bảo đạt chuẩn theo quy định của Bộ GD&ĐT - Ảnh minh họa |
Các trường phải công bố chuẩn đầu ra; tỷ lệ sinh viên có việc làm; kết quả kiểm định chất lượng giáo dục; đội ngũ nhà giáo; cán bộ quản lý và nhân viên; tỷ lệ sinh viên/giảng viên theo ngành; số lượng và diện tích giảng đường, phòng học, phòng chuyên môn, xưởng thực tập; mức học phí, lệ phí và các khoản khác từ người học cùng những nguồn thu khác của trường và ngân sách Nhà nước cấp (nếu có); chính sách miễn giảm học phí, học bổng và trợ cấp; thu nhập bình quân/tháng của giảng viên, của cán bộ quản lý và nhân viên phục vụ.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường phải thực hiện nghiêm túc quy định này, đồng thời công khai trên trang điện tử của trường, khoa, thư viện để mọi người dễ dàng tiếp cận. Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy, việc thực hiện “ba công khai’ của các trường đại học, cao đẳng vẫn chưa nghiêm túc, triệt để.
Chỉ tiêu tuyển sinh (số lượng sinh viên được tuyển mới hàng năm) là điều kiện quyết định sự tồn tại của các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng. Từ trước đến nay, chỉ tiêu tuyển sinh vẫn thường được giao theo cách: Các trường đề xuất số lượng, Bộ GD&ĐT căn cứ vào điều kiện đào tạo thực tế như: số lượng giảng viên hiện có, điều kiện cơ sở vật chất… để quyết định. Cách thức là vậy, song trên thực tế, vì những lý do khác nhau, nhiều trường đã cố tình khai tăng lên để nhận được nhiều chỉ tiêu, trong khi năng lực đào tạo có hạn, chất lượng đội ngũ giảng viên chưa đáp ứng yêu cầu, cơ sở vật chất chưa đảm bảo.
Thậm chí, để thu hút sinh viên, có trường đã gọi “đội” số thí sinh trúng tuyển lên gấp 1,5 - 2 lần chỉ tiêu được giao, chấp nhận phạt tiền hay khấu trừ số lượng chỉ tiêu vào năm sau. Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với một số trường đại học, cao đẳng do tuyển vượt chỉ tiêu. Tuy nhiên, trớ trêu là càng phạt, danh sách các trường tuyển vượt chỉ tiêu càng tăng lên.
Đến năm 2013, đã có hàng chục trường nằm trong “danh sách đen” là những trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu được Bộ cho phép. Trong những mùa tuyển sinh trước, ngoài hiện tượng tuyển vượt chỉ tiêu, một số trường còn “linh động” tự điều chỉnh chỉ tiêu cho “phù hợp” với tình hình thực tế và “nhu cầu” của thí sinh như: Đào tạo theo “đơn đặt hàng” của các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp; đào tạo theo hình thức cử tuyển… Một số bộ, ngành, địa phương đã tự ý ra văn bản giao chỉ tiêu nhiều hơn sau khi có thông báo chỉ tiêu tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Các trường đại học, cao đẳng đã dựa vào “kẽ hở” này để “lách luật” nhằm tuyển thêm thí sinh ngoài quy định, yếu tố chất lượng đầu vào bị xem nhẹ.
Thực tế cho thấy, tổng chỉ tiêu tuyển sinh toàn quốc mỗi năm đều tăng xấp xỉ 10%, trong khi tỷ lệ học sinh tốt nghiệp không tăng, thậm chí có chiều hướng giảm trong một vài năm gần đây. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên còn được nhiều người nhận định là do “cuộc đua” cạnh tranh về việc thu hút sinh viên giữa các trường cao đẳng, đại học. Số thí sinh tuyển mới hàng năm là điều kiện cơ bản quyết định sự tồn tại của các cơ sở đào tạo, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu của mỗi nhà trường. Và như vậy, khi sự quản lý, giám sát từ Bộ chủ quản còn lỏng lẻo và cơ chế “xin - cho” vẫn còn tồn tại thì việc thực hiện nghiêm quy định “ba công khai” vẫn còn là bài toán nan giải.