Hãng O. là nhà sản xuất có tiếng. Hàng loạt sản phẩm của hãng trên rất nhiều lĩnh vực luôn chiếm lĩnh thị trường trong một thời gian dài. Không bằng lòng với mình, có dạo, hãng tung ra thị trường hai sản phẩm mới. Sản phẩm thứ nhất là chè xanh đặc biệt. Sản phẩm thứ hai là mì ăn liền đặc biệt.
Tuy không được mạnh bạo mà vẫn không mạnh bạo hết cỡ như hãng Samsung (nhà sản xuất có thương hiệu nổi tiếng trên thế giới) khi tuyên bố: "Samsung đổi thay tất cả trừ vợ, con", nhưng chí ít, hãng O. cũng không tự bằng lòng với những gì mình đang có.
Chè xanh đặc biệt có bao bì hết chê, mẫu mã cũng không đến nỗi và hương vị cũng không đến nỗi tệ. Nhưng do không thể cạnh tranh nổi với các loại trà Bắc có tiếng khác nên sản phẩm tiêu thụ hết sức nhỏ giọt.
Người lớn đang làm gương xấu cho trẻ khi nói dối quá nhiều. Ảnh: Minh họa |
Còn mì ăn liền đặc biệt thì miễn góp ý. Vừa thơm, vừa ngon, lại có hương vị rất đặc trưng. Nhưng ngặt vì giá của mỗi gói mỳ này quá đắt nên sản phẩm tiêu thụ cũng rất nhỏ giọt.
Như vậy, qua hai sản phẩm được coi là mới nói trên, hãng O. mắc hai sai lầm. Thứ nhất: Thiếu tính cạnh tranh. Thứ hai: Giá cả bất hợp lý và không phù hợp với số đông.
Thấy nếu cứ tiếp tục "cuộc chơi" này thì tiếp tục bù lỗ, hãng O. bèn đưa ra quyết định: Ngưng sản xuất hai sản phẩm nói trên. Hay nói kiểu khác là vội vã "giã từ vũ khí".
Hay tin, một chuyên gia nhận xét: Đó là lẽ thường đối với nhà sản xuất. Một khi thấy mình sai thì phải sửa sai ngay. Còn nếu cứ kéo dài sự sai thì tiếp tục kéo dài sự thua lỗ.
Hay tin này, ông chú tôi - một người kinh nghiệm đầy mình, nhận xét: Đối với nhà sản xuất, sai đi liền với mất tiền. Nếu liên tục mất tiền thì sẽ đi liền với phá sản. Mà một khi phá sản thì tất yếu sẽ dẫn đến sập tiệm hoặc xóa sổ. Đó là điều mà không nhà sản xuất nào muốn. Hãng O. đã quá đúng trong việc sửa sai.
Ông chú tôi nói thêm: Ở đời, khó nhất là thành thực nhận ra mình sai. Thường thì người ta hay nhận cái đúng về mình và đổ cái sai cho người khác. Ngay trong trường hợp sai lè lè, có người vẫn tìm cách bao biện một cách khó hiểu theo kiểu "tranh công đổ lỗi" vậy. Cái câu "vâng, tôi sai" khi một người sai, tưởng rất dễ thốt ra miệng, mà vẫn khó. Nhưng đối với nhà sản xuất, nếu không thừa nhận "vâng, tôi sai", thì hậu quả sẽ đến ngay trước mắt và ngay tắp lự sẽ tự mình phải trả giá bằng tiền. Mà tiền ở đây là tiền của cá nhân, không phải tiền chùa.
Quanh quanh cái câu "vâng, tôi sai", có rất nhiều chuyện để bàn luận. Thứ nhất, anh có đủ dũng cảm để nhận mình là sai không. Thứ hai, khi nói câu đó, anh có thật bụng không. Thứ ba, khi đã nhận mình là sai, anh có kiên quyết sửa sai không.
Ở cơ quan bạn tôi, một dạo có một tổng giám đốc tên là N. Y lên được chức oai như cóc này là nhờ mua và nhờ một mối liên kết đồng hương. Chỉ khi làm tổng giám đốc, người ta mới phát hiện ra y là người văn dốt võ dát. Và chỉ cần nghe y nói thôi, cũng đã đủ thấy y văn dốt võ dát đến mức nào.
Nhiều lần họp giao ban vào ngày đầu tuần, cứ nghe y nói là đã thấy ngứa tai.
Y nói: Các anh cứ nói có bảy loại hình nghệ thuật là chưa đầy đủ. Tôi chỉ kể sơ sơ vài loại hình thôi, đã nhiều hơn con số bảy rồi. Sân khấu là một. Chèo là hai. Kịch nói là ba. Điện ảnh là bốn. Phim truyện là năm. Phim hoạt hình là sáu. Phim tài liệu là bảy. Âm nhạc là tám. Nhạc nhẹ là chín. Ca khúc là mười…Tôi kể sơ sơ như thế đã đủ hơn con số bảy chưa.
Y nói: Cơ quan ta vừa thi tuyển có hai nhân viên quảng cáo. Vậy mà số người dự tuyển có đến cả trăm người. Như thế mới biết nhân tài bao giờ cũng nhiều như lá mùa thu.
Y nói: Tôi còn lạ gì "gót chân Asin". Đừng có cậy biết chữ nghĩa mà lòe tôi. Ngay từ hồi còn nhỏ, bố tôi đã bảo tôi: Asin là nhà du hành vũ trụ của Liên Xô, là người lần đầu tiên bay vào mặt trăng.
Đấy là những nhầm lẫn chết người về mặt kiến thức.
Còn nhầm lẫn về mặt nhận thức của ông ta thì cũng vô vàn.
Chính vì nhầm lẫn về mặt kiến thức và nhận thức như vậy mà quân của y (trưởng, phó phòng ban) cũng toàn là bọn như rứa. Bọn này mỗi khi bị chê toàn chống chế: Ngu dốt như nó mà còn đứng đầu cơ quan, thì chúng tôi dẫu có ngu dốt đến thế nào đi chăng nữa, sao lại không làm được "cán bộ chủ chốt" dưới quyền nó. Tóm lại, nó tồn tại được thì chúng tôi cũng tồn tại được.
Trên thực tế, y có thể nhầm lẫn mọi thứ, nhưng chưa bao giờ nhầm lẫn tiền. Y đẻ ra mọi khoản chi cốt sao có lợi cho mình và "cán bộ chủ chốt" của mình. Mà khoản nào cũng cao ngất, trong khi những người trục tiếp làm ra sản phẩm thì không được hưởng khoản tiền chi vô lối này.
Chưa kể, cả nhà y còn gắn kết với nhau tổ chức những cuộc chạy đua kiếm quyền kiếm chức trong cơ quan nhờ…tiền bạc.
Có lần, cô con gái rượu của y còn gọi điện thoại cho một người, báo tin: Bố em sắp cất nhắc anh. Anh gặp em gấp để sớm giải quyết.
Có người bảo: Hình như lão ấy mắc bệnh tâm thần phân liệt, nhưng chưa bao giờ "tâm thần" và "phân liệt" ở "thể" tiền. Nhưng rồi lão cũng chết vì tham và lặng lẽ về hưu trong tủi nhục.
Nối gót y là một người mặt lạnh như da cá. Tay này vốn xuất phát là người từng đi xuất khẩu lao động từ CHDC Đức về, tên là H. Tay này được nhiều người làng nhàng biết vì có tài "nói theo" và "bảo hoàng hơn vua". Cứ "lộng giả thành chân" mãi mà cũng có danh, thế mới lạ! Khi về thay N. làm tổng giám đốc, H. có thay đổi một vài thứ nhưng không thay đổi các khoản tiền chi vô lối cho các "cán bộ chủ chốt", trong đó có H.
Có người hỏi: Sao hắn không "sửa sai" cái khoản chi tiền sai ấy nhỉ? Một người trả lời: Một là, hắn đã cố tình lờ đi vì thấy có lợi cho mình. Hai là, hắn đang làm cái việc "sửa sai thành đúng" đấy. Mà cái việc "sửa sai thành đúng" của hắn, chỉ là chuyện vặt. Thiếu gì chuyện "sửa sai thành đúng" đang diễn ra từ nhiều năm nay, ở quy mô lớn hơn, ở mức độ ghê gớm hơn, mà vẫn ngang nhiên tồn tại đấy thôi.
- Thế sao không nói "vâng, tôi sai" và "vâng, tôi có lời xin lỗi" để sửa sai nhỉ?
- Khó đấy. Nếu ai biết mình sai và mở miệng nói được những lời như thế thì xã hội đã tiến bộ, văn minh từ lâu rồi