Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201304/27459-bat-cap-trong-cong-tac-trung-tu-ton-tao-di-tich-391734/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201304/27459-bat-cap-trong-cong-tac-trung-tu-ton-tao-di-tich-391734/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Bất cập trong công tác trùng tu, tôn tạo di tích - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 08/04/2013, 08:20 [GMT+7]
27459

Bất cập trong công tác trùng tu, tôn tạo di tích

Hiện nay, việc trùng tu các di tích lịch sử đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhiều cấp, ban, ngành và quần chúng nhân dân. Sự mai một, xuống cấp của các di tích diễn ra ngày càng nhiều nhưng việc tôn tạo, tu bổ thì dường như dậm chân tại chỗ. Đây là câu chuyện diễn ra ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước và Nghệ An cũng không phải là một ngoại lệ.
 
Xứ Nghệ xưa nay từng nổi tiếng với những bậc hiền tài gắn với chặng đường lịch sử đấu tranh vẻ vang của dân tộc. Trải qua bao thăng trầm, biến động thời gian, những di tích lịch sử để lại trên vùng đất này chính là chứng tích, là niềm tự hào của nhân dân về quá trình hào hùng đó.
 
Văn Miếu Nghệ An, biểu tượng của xứ Nghệ đang bị xuống cấp nghiêm trọng
 
Ông Đoàn Văn Nam - Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Nghệ An cho biết: Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 1.395 di tích, danh thắng trong đó có 257 di tích được xếp hạng Quốc gia và cấp tỉnh (riêng Khu di tích Kim Liên được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt). Vốn tài sản phi vật thể này đã góp phần làm cho đất Nghệ trở thành điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước.
 
Tuy nhiên, sự bào mòn của thời gian, sự tàn phá của chiến tranh và do tác động của cơ chế thị trường và nhiều yếu tố khác trong đời sống xã hội đã làm cho nhiều di tích trở nên mai một, thậm chí là xuống cấp nghiêm trọng.
 
Nằm ngay trong lòng thành phố Vinh, Văn Miếu Nghệ An (thuộc địa phận phường Hồng Sơn) được xem là biểu tượng đất học xứ Nghệ giàu truyền thống. Xưa kia, Văn Miếu tọa lạc trên diện tích 22.000m2, với nhiều công trình kiến trúc có giá trị như: Tam quan, nhà Bái đường, thượng điện, nhà tả vu, hữu vu, giếng Thiên Tĩnh, nhà bia, khuê văn các. Nội thất của Văn Miếu lưu giữ nhiều hiện vật bằng gỗ, đá, đồng, gốm sứ… có giá trị lịch sử, mỹ thuật vô cùng đậm nét.
 
Tuy nhiên, Văn Miếu Nghệ An nay đã bị thu hẹp rất nhiều so với diện tích ban đầu và nằm chìm khuất trong khuôn viên của Công ty Cổ phần in Nghệ An, trở thành phế tích với cỏ cây bao phủ, rác thải và bụi bẩn xâm lấn. Cách thành phố Vinh không xa, Đền Rậm đóng trên địa bàn xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên được xem là nhân chứng từng ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử trọng đại.
 
Năm 2008, Đền Rậm đón nhận Bằng Di tích lịch sử Kiến trúc - Nghệ thuật Quốc gia. Tuy nhiên, trải qua quá trình biến động, tàn phá của thời gian và thiên nhiên, đến nay Đền đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Cột chống và các thanh xà trên mái đều bị mối mọt ăn sập nên dân làng phải dùng gỗ chêm vào để chống đỡ tạm. Cửa chính ở gian nhà thượng điện bị rơi rớt, lung lay không còn nguyên hiện trạng.
 
Một thực tế đang diễn ra rất rõ nét trên đất Nghệ, đó là vẫn còn tồn tại nhiều lắm những di tích như Văn Miếu, Đền Rậm đang ngày càng bị tàn phá, vùi lấp theo thời gian. Ước mong phục dựng của chính quyền các cấp và nhân dân đang cháy bỏng từng ngày để niềm tự hào, tự tôn về quê hương xứ sở được tái hiện lên cùng dáng vẻ của lịch sử trường tồn.
 
Tuy nhiên, vấn đề trùng tu các di tích lịch sử từ trước đến nay luôn gặp phải những khó khăn, bất cập không dễ gì giải quyết. Như chúng ta đã biết, đã gọi là di tích, di sản thì những công trình đó phải được gìn giữ, bảo vệ và phát huy để xứng tầm với những giá trị vốn có. Nhưng xét vào điều kiện thực tế tỉnh ta cùng sự khắc nghiệt của thời tiết nắng lắm mưa nhiều, mưa lũ luôn rình rập thì việc bảo quản các di tích là điều không hề dễ dàng.
 
Vì thế mà dân dù có yêu, có muốn bảo vệ thì nhiều lúc cũng phải đứng nhìn thiên tai vô tình tàn phá lên những chứng tích vẻ vang một thời. Bên cạnh đó, kinh tế tỉnh nhà phát triển quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ rõ nét. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhiều diện tích bị thu hẹp, trong đó không thể tránh khỏi ảnh hưởng đến hiện trạng của các di tích, di sản vốn có từ lâu đời.
 
Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả những nhân tố ảnh hưởng đến vấn đề trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử trên địa bàn đó chính là bài toán kinh phí - cũng là thực trạng, là mối lo, sự quan tâm hàng đầu của các tỉnh, thành trong cả nước trong giai đoạn hiện nay. Đối với Nghệ An, hàng năm các cấp ban, ngành có liên quan cũng đã có sự đầu tư cho việc trùng tu, tôn tạo di tích.
 
Điều này thể hiện rõ qua các văn bản kiến nghị, tờ trình gửi lên các cơ quan từ Trung ương đến địa phương để xin nguồn kinh phí nhằm góp phần tôn tạo lại dáng vẻ của những chứng tích lịch sử. Nhưng có một thực tế đang diễn ra rất rõ nét, đó là nếu có kinh phí để khôi phục thì cũng chỉ đáp ứng được một phần so với yêu cầu cần trùng tu, tôn tạo. Số lượng lớn cộng với địa bàn phân bố rộng khắp từ vùng đồng bằng trung du ven biển đến miền núi chính là một hạn chế rất lớn.
 
Bên cạnh đó, bài toán kinh phí luôn là một vấn đề nan giải. Không thiếu những công trình, di tích có quyết định cấp nguồn kinh phí để tu bổ, tôn tạo nhưng khi hỏi thì luôn nhận được một câu trả lời giống nhau, đó là đang chờ đợi nguồn kinh phí rót xuống.
 
“Mong muốn khôi phục di tích của nhân dân và chính quyền các cấp luôn là chính đáng nhưng để trùng tu thì vấn đề đầu tiên cần đến đó chính là nguồn kinh phí. Đối với thực tế ở tỉnh ta hiện nay, di tích nhiều mà nguồn kinh phí thì ít nên trong quá trình tôn tạo còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc” - Ông Đoàn Văn Nam chia sẻ.
 
Nếu đưa vấn đề ra phân tích, mổ xẻ thì còn nhiều lắm những điều cần phải bàn. Ngoài những tác nhân chủ quan và khách quan nói trên thì hiện nay dư luận vẫn đang còn nhiều trăn trở với công tác khảo sát quy hoạch đến quá trình thiết kế và tiến hành trùng tu di tích của các cấp ban, ngành có liên quan. Dẫu biết rằng để làm tốt vấn đề này thì phải cần đến thời gian và sự hợp nhất của nhiều yếu tố.
 
Tuy nhiên, thiết nghĩ nên cần nhiều hơn nữa trách nhiệm từ các cơ quan chức năng để quá trình tôn tạo các di tích lịch sử thực sự có chất lượng và đạt được hiệu quả cao. Có như thế, tâm nguyện và ước vọng khôi phục dáng vẻ, hiện trạng những chứng tích lịch sử trên vùng đất Nghệ của những con người có tâm huyết mới sớm trở thành hiện thực.

Ngọc Anh
.