Câu hỏi “Đào tạo để thất nghiệp - Đào tạo làm gì?” đang đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách nguồn nhân lực phải giải?!
Theo thống kê chưa đầy đủ, hàng năm tại Nghệ An có trên 17.000 sinh viên tốt nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng, trong số đó chỉ có 200 - 300 người xin được việc làm, còn lại là thất nghiệp! Chỉ tính riêng ở một tỉnh con số thất nghiệp đã có tới gần hai chục ngàn, thử hỏi trong cả nước có bao nhiêu, nếu không nói là hàng trăm ngàn sinh viên ra trường thất nghiệp.
Báo Dân trí ngày 31/3/2013 cho biết, trong bản báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận thừa nhận: “Thực tế hiện nay có tình trạng nhiều sinh viên (SV) tốt nghiệp không tìm được việc làm hoặc làm trái với chuyên ngành đào tạo”.
Lý giải về hiện tượng này, người đứng đầu ngành giáo dục đã chỉ ra các nguyên nhân chính sau đây:
Thứ nhất: Do từ khi tiến hành đổi mới, Nhà nước không phân công công tác cho các sinh viên tốt nghiệp ra trường, dẫn đến quy mô, cơ cấu đào tạo của các trường đại học, cao đẳng không ăn khớp với nhu cầu của thị trường lao động.
Thứ hai: Do hiện nay, hệ thống quản lý lao động và việc làm ở cấp Trung ương không cung cấp thông tin dự báo nguồn nhân lực theo trình độ và ngành đào tạo trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, không đưa ra các cảnh báo kịp thời cho các nhà trường và xã hội.
Thứ ba: Do các cơ sở giáo dục đại học tổ chức đào tạo chủ yếu dựa vào năng lực đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất, không tổ chức nghiên cứu để cập nhật, phát triển các chương trình đào tạo theo nhu cầu xã hội (chỉ đào tạo những ngành trường có khả năng, chưa đào tạo những ngành xã hội cần). Trong thời gian vừa qua, việc giao chỉ tiêu tuyển sinh chủ yếu căn cứ vào năng lực đào tạo của cơ sở giáo dục đại học mà chưa tính đến nhu cầu sử dụng nhân lực của xã hội.
Thứ tư: Quyền đăng ký tuyển sinh và lựa chọn ngành đào tạo do người học tự quyết định. Xã hội hiện nay vẫn còn tư duy tập trung cho con đi học những ngành nghề hiện tại đang được đánh giá cao, không tính đến tương lai khi tốt nghiệp ra trường.
Thứ năm: Do suy thoái kinh tế trong 2 năm qua dẫn đến hàng chục ngàn doanh nghiệp phá sản, người lao động mất việc làm, làm cho sinh viên sau tốt nghiệp gặp càng nhiều khó khăn hơn trong công tác tìm kiếm việc làm.
Như vậy, xét trong cả 5 nguyên nhân trên có 4 nguyên nhân do tổ chức Nhà nước, chỉ có 1 nguyên nhân do các em và bậc sinh thành ra các em. Điều mà ai cũng thừa biết và thừa hiểu là cả chục năm nay sinh viên tốt nghiệp ra trường rất vất vả tìm việc làm.
Việc tiêu cực trong thi tuyển công chức do sức ép cung, cầu quá chênh lệch, ai cũng biết, nhưng không có lời giải. Điều mà ai cũng biết nữa là hàng chục ngàn sinh viên tốt nghiệp ra trường, cao đẳng có, đại học nhiều, cao học có đang thất nghiệp, nhưng hàng năm chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường vẫn cứ tiếp tục tuyển sinh, thậm chí nhiều hơn, đa dạng hơn. Trong khi, hệ chính quy tốt nghiệp ra thất nghiệp, thì hệ tại chức, mở rộng vẫn tiếp tục tuyển sinh, tiếp tục đào tạo?
Không ít dư luận cho rằng, việc đào tạo lâu nay chỉ giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn giảng viên của hàng trăm trường đại học, cao đẳng là chủ yếu. Còn việc sinh viên học để làm gì, học xong có xin được việc làm hay không thì không ai quan tâm?
Có một điều đáng ra phải quan tâm và phải tính toán kỹ trước khi giao chỉ tiêu tuyển sinh, đó là những người làm công tác tổ chức cán bộ từ các phòng Nội vụ, phòng Lao động - Thương binh và Xã hội từ huyện trở lên phải tham mưu cho Đảng và Nhà nước, phải nắm chắc nguồn nhân lực tại địa phương cơ sở mình để tham mưu cho công tác tuyển sinh đào tạo năm tiếp theo. Đã đến lúc chúng ta phải thống kê đầy đủ có bao nhiêu người đang thất nghiệp, trước kỳ tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng năm học 2013 này!
Hiện nay, Đảng và Nhà nước có chủ trương cho sinh viên nghèo vay vốn để tiếp tục học. Sau khi học ra trường sinh viên không xin được việc làm, không có tiền trả cả vốn lẫn lãi đành phải khoanh nợ, cũng làm tăng thêm nguồn nợ xấu vốn đang làm cho điểm nghẽn của nền kinh tế nước nhà.
Sau 4 - 5 năm đèn sách, các cháu ra trường, thất nghiệp, bố mẹ các cháu buồn, các cháu thất vọng. Và đây cũng là nguyên nhân gia tăng các tai tệ nạn xã hội trong những năm vừa qua.
Câu hỏi “Đào tạo để thất nghiệp - Đào tạo làm gì?” xin chuyển đến các nhà hoạch định chính sách giáo dục và các nhà tổ chức cán bộ trả lời hộ?!
Phùng Văn Mùi
.