Triển khai chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch UBND tỉnh, vừa qua Hội sinh vật cảnh Nghệ An và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập đoàn công tác điều tra, khảo sát lập hồ sơ trình Chính phủ công nhận “Cây di sản Việt Nam” cho cây sanh hơn 1.000 năm tuổi tại đồi Đán bản Kẻ Mui, xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ.
Ngay từ khi xuất hiện trên mạng (năm 2010), cây sanh đại cổ thụ này đã gây được sự đặc biệt chú ý của dư luận. Theo đánh giá sơ bộ của các nhà khoa học, nông nghiệp, lâm nghiệp, các chuyên gia sinh vật cảnh: Đây là một cây đại cổ thụ có những đặc điểm độc đáo có thể xếp vào loại “độc nhất vô nhị” không chỉ của Việt Nam.
Qua khảo sát thực tế, tranh thủ thêm ý kiến của các già làng, chính quyền địa phương, đoàn khảo sát liên ngành đã kết luận: Cây có tên khoa học là Ficu benLaminal thuộc họ thực vật Mô race an (dâu tằm). Cây mọc tự nhiên trên hai khối đá mang biểu tượng “trời tròn, đất vuông” của người Việt cổ. Hòn Đá Trời nằm trên có đường kính 4,15m, cao 2,9m.
Cây sanh “độc nhất vô nhị” ở bản Kẻ Mui, Giai Xuân, Tân Kỳ
Hòn Đá Đất nằm dưới hình gần vuông chu vi 27,2m, cao 4,11m. Hai tảng đá này thuộc loại đá garanit (MgCa)3(AlFeCa)2 (SiO4)3, do lộ thiên lâu ngày phong hoá lỗ chỗ như tổ ong màu đất nâu đen. Toàn bộ rễ cây, gốc cây xoè ra như bàn tay ôm trọn Hòn Đá Trời, Hòn Đá Đất. Đường kính gốc cây 4,6m, thế cây đứng thẳng, tán cây (khi bóng tròn) che phủ một vùng đất bán kính 21,5m.
Mặc dù mọc trên 2 hòn đá ở cao trình 6,1m so với mặt đất nhưng cây hết sức vững chãi nhờ ngoài bộ rễ sau khi ôm trọn Hòn Đá Trời, Hòn Đá Đất cắm sâu xuống lòng đất còn có 5 bành rễ (rễ phụ) đường kính 0,3 m đến 0,5m từ cao trình 15m - 17m buông xuống như năm cây sanh con thành những cọc chống.
Vì thế nhân dân ở đây từ lâu đời đã suy tôn cây sanh này là “cây đoàn kết”. Nhờ hệ thống rễ và “cọc chống” đó, hàng trăm trận bão cấp 12, 13 đã đi qua trong hơn 10 thế kỷ qua nhưng cây vẫn đứng thẳng hiên ngang toả bóng mát rượi. Cây nằm ở vị trí hết sức đắc địa phía trước là dãy núi Nháy Đồi Nàng (cô gái nằm ngủ), trên núi có 5 hồ nước trong xanh bốn mùa không cạn nước. Cách cây chưa đầy 200m có khe nước trong xanh chảy từ núi Nháy Đồi Nàng ra bản Kẻ Mui.
Bà con dân tộc Thổ ở đây ví con suối này là mái tóc huyền của nàng tiên đang ngủ (Nháy Đồi Nàng) nên rất linh thiêng. Ốm đau lấy nước suối về sắc thuốc chóng khỏi bệnh tật. Phụ nữ gội đầu bằng nước suối này tóc dài như suối, óng mượt mà không bao giờ rụng. Trẻ em tắm nước suối này da trắng như ngà không có mụn nhọt, ghẻ, lở.
Cách đấy không xa còn có một mó nước không bao giờ cạn, dân bản gọi là Pó Nhà Da, nước cũng chảy từ trong núi Nháy Đồi Nàng ra. Nước tinh khiết đến mức uống ngay không hề đau bụng. Những năm hạn hán to, dân 9 núi 10 mường đều phải về đây lấy nước. Nước lấy từ mó nước Pó Nhà Da về làm rượu cần hay nấu rượu, rượu có hương thơm đặc biệt thoang thoảng, nhẹ nhàng, ngọt lịm.
Nằm trên con đường thượng đạo Lý Nhật Quang đã khai phá khi vào trấn thủ Nghệ An, cây sanh Giai Xuân còn là chứng nhân lịch sử của những trang sử hùng tráng của dân tộc: Cuộc hành quân Nam chinh làm nên “trúc chẻ tro bay” ở thành Trà Lân của Lê Lợi, thần tốc Bắc hành đánh đuổi ngoại xâm của Quang Trung Nguyễn Huệ, căn cứ hậu cần kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của Quân khu 4. Cách cây sanh không xa là Di tích lịch sử, văn hoá Km0 của con đường huyền thoại đường mòn Hồ Chí Minh.
Là cây cổ thụ, cây cảnh có niên đại cao thế, dáng đạt tiêu chí “cổ - kỹ - mỹ”, “độc nhất vô nhị” vì mọc trên hai tảng đá, cây sanh Giai Xuân có giá trị khoa học, lịch sử, văn hoá, tâm linh đạt các tiêu chí “Cây di sản Việt Nam”.
Ngày 9/10/2012, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công văn số 7071 UBND chỉ đạo Hội sinh vật cảnh Nghệ An, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Văn hoá Thông tin và Du lịch tỉnh, UBND huyện Tân Kỳ, UBND xã Giai Xuân xây dựng phương án bảo tồn, chăm sóc, đóng biểu, khoanh vùng, xây hàng rào tuyên truyền quảng bá trên các cơ quan truyền thông, ban hành quy chế, quy định bảo tồn tham quan, phục vụ du lịch gắn với chế độ chăm sóc, xử lý sâu bệnh thường xuyên, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân Chỉ thị 2795/CP - NN (ngày 27/11/2011) của Thủ tướng Chính phủ “Bảo tồn cây cổ thụ là bảo vệ báu vật quốc gia”.
Nguyễn Khắc Thuần
.