Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201212/25234-giao-duc-kien-thuc-ve-chu-quyen-bien-dao-cho-hoc-sinh-393352/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201212/25234-giao-duc-kien-thuc-ve-chu-quyen-bien-dao-cho-hoc-sinh-393352/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Giáo dục kiến thức về chủ quyền biển, đảo cho học sinh - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 31/12/2012, 08:15 [GMT+7]
25234

Giáo dục kiến thức về chủ quyền biển, đảo cho học sinh

Một trong những mục tiêu quan trọng của ngành giáo dục là đào tạo thế hệ trẻ có tri thức, đạo đức, bản lĩnh, có những kiến thức sâu sắc, toàn diện về quê hương, đất nước, từ đó có trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cả phần đất liền cũng như biển, đảo.
 
Trong đó, biển, đảo là phần lãnh thổ thiêng liêng, phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc. Do vậy, giúp học sinh hiểu rõ hơn về biển, đảo là nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục. Những kiến thức cơ bản về lãnh thổ đã được trang bị chủ yếu trong chương trình Địa lý ở các bậc học phổ thông.
 
Tuy nhiên, để thực sự hiểu rõ về biển, đảo Việt Nam cũng như những kiến thức liên quan đến vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo thì sách giáo khoa chưa có điều kiện đề cập tới một cách đầy đủ, hệ thống.
 
Xét trên các yếu tố lịch sử và pháp lý quốc tế, Hiến pháp và nhiều bộ luật của nước ta đều khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sách giáo khoa Địa lý Việt Nam bậc học phổ thông cũng đã đề cập vấn đề chủ quyền của hai quần đảo này là của Việt Nam.
 
Tăng cường giáo dục kiến thức về chủ quyền biển đảo cho học sinh
thông qua nhiều hoạt động thiết thực  -  Ảnh minh họa

 
Tuy nhiên, sách giáo khoa môn Lịch sử phổ thông hiện lại chưa đề cập tới vấn đề này. Trong thời gian gần đây, khi “vấn đề Biển Đông” được đề cập nhiều hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng, thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận thì những kiến thức về “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” càng trở nên cần thiết đối với thế hệ trẻ nói chung và học sinh phổ thông nói riêng, dư luận cho rằng, việc khẩn trương bổ sung nội dung chủ quyền biển, đảo vào chương trình môn Lịch sử là hết sức cần thiết.
 
Mặc dù vậy, vấn đề đáng quan tâm là việc học sinh thờ ơ với môn Lịch sử cùng với chất lượng dạy và học môn học có nhiều nét đặc thù này trong những năm qua còn nhiều bất cập. Điều này được thể hiện phần nào trong kết quả của các kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào Đại học, Cao đẳng thời gian qua.
 
Dư luận xã hội và cả những người “trong cuộc” đã phải “giật mình”, bởi hàng năm, số học sinh đạt dưới điểm trung bình chiếm tỷ lệ khá cao trong các kỳ thi quan trọng. Đây thực sự là thực trạng đáng báo động trong việc dạy và học môn học có vị trí đặc biệt quan trọng này. Về phía nhà trường, phương pháp dạy học truyền thống vẫn tiếp tục được áp dụng trong khi đối tượng tiếp nhận là một lớp học trò mới cần sự tích cực, chủ động.
 
Hiện tượng thuyết giảng một chiều, thầy đọc, trò chép xảy ra khá phổ biến trong các giờ học môn Lịch sử. Những sự kiện ngồn ngộn trong sách giáo khoa được truyền thụ mang nặng tính áp đặt cứng nhắc mà không có sự đối thoại cởi mở tạo tâm lý chán nản mệt mỏi trong học sinh. Bên cạnh đó, sự cải tiến đổi mới nội dung sách giáo khoa diễn ra còn chậm.
 
Giáo cụ trực quan được sử dụng còn nghèo nàn, quanh quẩn chỉ có một số bức tranh, sơ đồ minh họa không đủ sức cuốn hút, hấp dẫn học sinh. Trong khi đó, về phía học sinh, tâm lý giới trẻ trong thời kỳ công nghiệp hóa có xu thế thiên về các môn khoa học tự nhiên, xem nhẹ các môn khoa học xã hội khiến nhiều em không có hứng thú đối với môn Lịch sử. Việc học môn học này còn mang nặng tính đối phó hơn là thực sự say mê khám phá, tìm tòi.
 
Học vẹt, học đối phó tất yếu dẫn đến việc học sinh chỉ cố gắng ghi nhớ kiến thức một cách vụn vặt, máy móc, không có khả năng liên kết, xâu chuỗi các sự kiện cũng như rút ra ý nghĩa của các sự kiện. Việc học sinh còn sử dụng “phao thi” trong các tiết kiểm tra vẫn xảy ra tạo tâm lý ỷ lại và sức ỳ trong tư duy. Đây cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến chất lượng học tập môn Lịch sử chậm có sự chuyển biến.
 
Thiết nghĩ, để nâng cao hiệu quả giáo dục kiến thức về chủ quyền biển, đảo cho học sinh, bên cạnh việc cải tiến nội dung chương trình và nâng cao chất lượng dạy, học môn Lịch sử, các nhà trường cần lồng ghép kiến thức về chủ quyền biển đảo vào các môn khoa học xã hội khác như Địa lý, Ngữ văn, Giáo dục công dân.
 
Bên cạnh đó, giáo viên có thể phối hợp với Đoàn thanh niên tổ chức cho học sinh thi tìm hiểu về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; các trường học có thể dành thời gian trong những tiết chào cờ sáng thứ hai hàng tuần để lồng ghép nội dung vấn đề biển đảo; vận động đoàn viên thanh niên ủng hộ các phong trào thiết thực như “Góp đá cho Trường Sa”…
 
Thời gian gần đây, Bộ GD&ĐT đã có văn bản hướng dẫn tích hợp nội dung giáo dục tài nguyên, môi trường biển, đảo vào chương trình giáo dục mẫu giáo năm tuổi và tuyên truyền cho học sinh, sinh viên về bảo vệ chủ quyền biển, đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Tổ quốc.
 
Vấn đề biển, đảo cũng đã xuất hiện trong hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi ĐH vừa qua khiến các thí sinh có cơ hội tiếp cận và thể hiện quan điểm của mình trong việc khẳng định chủ quyền của nước ta đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây có thể xem là những nỗ lực đáng ghi nhận của ngành giáo dục trong việc nâng cao tinh thần dân tộc và ý thức bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ cho thế hệ học sinh, sinh viên.
 
Thế hệ học sinh ngày nay lớn lên không phải chứng kiến sự tàn khốc, hủy diệt, những hy sinh, mất mát của chiến tranh mà chỉ biết qua phim ảnh, sách báo và các môn học xã hội ở các bậc học phổ thông. Tuy nhiên, nếu giới trẻ ngày nay không có vốn hiểu biết cần thiết về độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc thì rất dễ nảy sinh thái độ thờ ơ với thời cuộc, đồng thời, không thể bồi đắp được những phẩm chất cần có của người công dân tương lai.

Bùi Minh Tuấn
.