Ngày 17/12/2012, chúng tôi có đăng đăng bài: "Thầy giáo lừa đảo chạy việc, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng" phản ánh vụ việc thầy giáo Nguyễn Đình Long (SN 1977) trú tại xóm 6, xã Thanh Dương, Thanh Chương, nguyên là giáo viên giảng dạy tại Trường THCS Hương Tiến, thuộc xã Ngọc Lâm - Thanh Chương đã lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn lừa đảo chạy việc để trục lợi bất chính.
Bên cạnh vụ việc nêu trên, tình trạng một số giáo viên tha hóa về đạo đức, lối sống, tự biến mình thành “tấm gương mờ” trong con mắt của học sinh và phụ huynh thời gian qua đã gây ra sự phản ứng, bức xúc trong dư luận. Đồng thời, gióng lên hồi chuông cảnh báo sự xuống cấp về đạo đức nhà giáo.
Thời gian qua đã xảy ra hàng loạt vụ việc thể hiện những tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện vai trò, nhiệm vụ của người giáo viên, đặc biệt là những vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo. Tình trạng gây bức xúc trên xảy ra ở hầu hết các cấp học, từ mầm non, tiểu học, THCS đến THPT và cả trong các trường cao đẳng, đại học.
Đáng lo ngại là những hành vi “lệch chuẩn” vi phạm đạo đức nhà giáo không chỉ diễn ra ở các giáo viên trẻ tuổi mà còn xảy ra ở một số giáo viên có tuổi nghề cao, có kinh nghiệm, thâm niên công tác; không chỉ xảy ra ở các giáo viên đứng lớp mà còn ở cấp lãnh đạo, những người giữ trọng trách quản lý các nhà trường.
Một số vụ việc xảy ra trong thời gian qua cho thấy, có một số giáo viên đã tự biến mình thành những “tấm gương mờ” trong con mắt của phụ huynh, học sinh, gây ra những hiệu ứng tiêu cực trong dư luận xã hội. Có giáo viên tôn sùng lối sống thực dụng, so sánh ngành này, nghề khác kiếm tiền dễ như “trở bàn tay”, từ đó tự cho phép mình kiếm tiền bằng đủ mọi cách.
Người giáo viên phải là tấm gương sáng cho học sinh noi theo
(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)
Mục tiêu kiếm thật nhiều tiền để có được cuộc sống sung túc “bằng người” khiến cho không ít giáo viên dồn hết tâm sức vào những việc ngoài chuyên môn, khiến cho chẳng còn mấy hơi sức và thời gian để bồi dưỡng thêm kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Việc giáo viên tổ chức dạy thêm tràn lan, chỉ với mục đích “bán chữ” thu lợi vẫn diễn ra, có người còn dùng “tiểu xảo” cho điểm cao, điểm thấp để “ép” học sinh đến lớp học thêm của mình đã làm cho sự tôn nghiêm, mô phạm vốn có của người thầy trở nên nhạt nhòa dần.
Quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh học sinh cũng đã xuất hiện những vết rạn nứt, thiếu lành mạnh, thực dụng theo kiểu “đổi chác”. Không ít bậc phụ huynh có “máu mặt” đã “đầu tư” cho tương lai của con bằng cách bỏ tiền ra “mua” các thầy để “chạy” cho con vào lớp chọn, trường điểm. Khi có “suất” ở đó rồi thi “lo lót” để con có điểm “đẹp”, điểm “an toàn” để không bị lưu ban. Và như thế, tình trạng “ngồi nhầm lớp” của không ít học sinh thời gian qua có sự “tiếp tay” của một số người thầy.
Qua những vụ việc nhức nhối về tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo kể trên, có thể thấy những chuẩn mực tốt đẹp trong quan hệ thầy trò đã ít nhiều bị sứt mẻ. Ranh giới thầy - trò đã bị thu hẹp thậm chí bị xóa nhòa không phải theo nghĩa tích cực là dân chủ hơn mà theo nghĩa: “Người trên ở chẳng chính ngôi/ Để cho kẻ dưới chúng tôi sỗ sàng”.
Chính vì những ranh giới trong chuẩn mực thầy - trò bị xóa nhòa nên mới có chuyện đêm hôm thầy rủ trò đi hát karaoke, uống rượu bia rồi “gạ” trò làm chuyện này, chuyện khác (?!). Khi người thầy không còn giữ được mình, tự hạ thấp vị trí của mình trong con mắt của trò cũng có nghĩa là đang tự đánh mất giá trị của mình.
Hiện cả nước có trên 1,2 triệu giáo viên, số giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo chiếm tỷ lệ nhỏ. Vẫn còn đó nhiều tấm gương nhà giáo tâm huyết với nghiệp “trồng người”. Không ít thầy, cô giáo sẵn sàng từ bỏ cuộc sống tiện nghi với đủ đầy vật chất, sẵn sàng đối mặt với muôn vàn khó khăn, lặng lẽ, âm thầm cống hiến trí tuệ và tâm huyết của mình đem ánh sáng của văn hóa và tri thức đến với con em đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Họ xứng đáng nhận được sự tin yêu, kính trọng, tri ân của phụ huynh học sinh và toàn xã hội.
Hiện tượng một số giáo viên và cán bộ quản lý trong ngành giáo dục vi phạm đạo đức nhà giáo trong thời gian qua chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng đã đến lúc cần phải chấn chỉnh kịp thời.
Bộ GD&ĐT đã có Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT ban hành quy định đạo đức nhà giáo. Bộ cũng đã phát động các phong trào như: “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Tuy nhiên, vấn đề then chốt, quyết định vẫn là ở bản thân mỗi nhà giáo.
Người thầy cần xác định rõ sản phẩm của nghề dạy học là nhân cách, đạo đức, tri thức của một con người. Do đó, khi “đã mang lấy nghiệp vào thân” thì việc người giáo viên không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn và nhất là thường xuyên rèn luyện đạo đức nghề nghiệp cần phải được chú trọng nếu không muốn tự đào thải mình.
Bùi Minh Tuấn
.