Chiến dịch tập kích đường không chiến lược mang tên Lai-nơ-bếch-cơ II của không quân Mỹ vào thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương lân cận tháng 12/1972, nhằm phá hoại tiềm lực kinh tế, quân sự; ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam; thực hiện ý đồ thương lượng trên thế mạnh theo các điều kiện chúng đặt ra trên bàn hội nghị Pa-ri và “răn đe” những ai có tư tưởng chống Mỹ…
Giới quân sự Mỹ cho rằng, tên lửa SAM-2 cuja phòng không Việt Nam không thể nào “với tới” B-52 và động viên các phi công: “Cứ bám đuôi nhau mà vào, rồi sẽ đi đông về đủ”.
Theo lệnh của Ních-xơn, lực lượng không quân chiến lược Mỹ đã sử dụng 48,25% máy bay chiến lược B-52 của toàn nước Mỹ (193/400 chiếc), đã xuất kích 663 lần chiếc; 35,41% số máy bay chiến thuật của toàn nước Mỹ (1.077/3.041 chiếc), đã xuất kích 3.920 lần chiếc.
Đó là chưa kể 50 máy bay tiếp dầu trên không và một số lượng lớn máy bay gây nhiễu điện tử từ xa, máy bay trinh sát có người lái và không người lái, máy bay chỉ huy, dẫn đường, liên lạc, cấp cứu…; 25% số tàu sân bay của toàn nước Mỹ được huy động cho chiến dịch này, cùng nhiều tàu chỉ huy, dẫn đường, tàu khu trục, tàu tên lửa, tàu ra-đa, tàu bảo vệ, tàu cấp cứu, sửa chữa…
Cường độ và thủ đoạn đánh phá của chúng hết sức ác liệt, tập trung, ồ ạt. Trong 12 ngày đêm, chúng đã sử dụng hơn 20.000 tấn bom đạn, tập trung đánh vào các mục tiêu kinh tế, quân sự ở Hà Nội, Hải Phòng; sử dụng máy bay B-52 ném bom rải thảm mang tính hủy diệt vào các khu đông dân cư ở thủ đô Hà Nội...
B-52 của Mỹ đã gặp phải lưới lửa chưa từng có trên thế giới trong 12 ngày đêm
bắn phá ở miền Bắc Việt Nam
Trong đau thương mất mát, quân và dân Thủ đô hừng hực ý chí căm thù, quyết bắt lũ “giặc trời” phải đền tội. Bộ đội phòng không thông minh, quả cảm, sáng suốt lựa chọn các biện pháp thích hợp nhất để đưa quả đạn đến mục tiêu, tiêu diệt hiệu quả B-52 trong không gian nhiễu dày đặc. Phi công Phạm Tuân mưu trí, dũng cảm lái máy bay MiG-21 vượt qua đội hình dày đặc máy bay hộ tống F-4 của địch, bắn rơi một chiếc B-52 trên bầu trời phía Tây Hà Nội và trở về an toàn…
Với thế trận đã được chuẩn bị từ trước, bằng trí tuệ, bản lĩnh phi thường, quân dân ta đã chiến thắng vang dội cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ, đạt hiệu suất chiến đấu cao, tiêu diệt tới hơn 17% máy bay B-52 tham chiến.
Để đánh được B-52, ngay từ tháng 5/1966, ta đã tổ chức lực lượng trực tiếp đối đầu với B-52, vừa đánh trả, vừa nghiên cứu cách đánh B-52. Cuốn cẩm nang “Cách đánh B-52" là kết quả dày công của gần 7 năm đúc kết kinh nghiệm đối đầu với B-52 và các thủ đoạn của không quân Mỹ.
Quân và dân ta đã nghiên cứu, tìm ra điểm mạnh, yếu của địch, bảo đảm vũ khí nào cũng phát huy tác dụng, lực lượng nào cũng có thể bắn hạ máy bay địch, kết hợp tiêu diệt, khống chế máy bay chiến thuật hộ tống, tạo điều kiện cho Bộ đội Tên lửa và Không quân bắn hạ B-52.
40 năm đã qua, hàng trăm cuốn sách, hàng nghìn bài báo, nhiều cuộc hội thảo, nhiều công trình khoa học quân sự ở nước ta và nhiều nước trên thế giới, cùng với ca ngợi ý nghĩa Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, đã tập trung luận bàn, tìm hiểu bằng sức mạnh nào mà quân và dân ta đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 của đế quốc Mỹ.
Trong cuốn hồi ký của mình, Ních-xơn, cựu Tổng thống Mỹ phải cay đắng thừa nhận: “Nỗi lo của tôi trong những ngày đó không phải là những làn sóng phản đối và phê phán nghiêm khắc ở trong nước và thế giới, mà là ở mức độ tổn thất về máy bay quá nặng nề”.
Kít-xinh-giơ, cựu cố vấn an ninh quốc gia số 1 của Mỹ (1968 - 1973) thừa nhận: “Không lực Hoa Kỳ đã vấp phải một hệ thống phòng không có hiệu lực nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới”.
Giá trị lịch sử và những bài học kinh nghiệm của chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là tài sản vô giá tạo nên sức mạnh chính trị, tinh thần to lớn của dân tộc ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN ngày nay.
Dương Văn Thực (Viện chiến lược Quốc phòng)
.