Trong dịp ngược lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ chúng tôi đã tận mắt chứng kiến cuộc sống còn muôn vàn khó khăn của thầy và trò ở chốn thâm sơn cùng cốc này. Được biết, sau khi công trình Thủy điện Bản Vẽ hoàn thành, bao bản làng bị xóa tên và chìm trong biển nước. Lòng hồ còn duy nhất một phần hai xã Hữu Khuông (bao gồm 6 bản làng thưa thớt) là không thuộc diện di dời.
Để cuộc sống bà con ổn định, nhất là các cháu học sinh tiếp tục được đi học, Ban quản lý Dự án Thủy điện 2 đã đền bù bằng cách xây mới cho giáo viên, học sinh ở đây một ngôi trường xinh xắn và khá khang trang. Tuy phòng học đã kiên cố nhưng cuộc sống của giáo viên, học sinh còn nhiều khó khăn. Không điện thắp sáng, không đường đi lại, không sóng điện thoại (kể cả điện thoại bàn), không chợ búa, không có nước sạch…
Vì chia cắt trung tâm bên ngoài bằng biển nước mênh mông nên cuộc sống thầy và trò ở đây phải tự cung, tự cấp. Khi chúng tôi có mặt, một số giáo viên Trường THCS Hữu Khuông đang vào tận bản làng để vận động học sinh bỏ học quay lại trường. Một số khác đang hùng hục cuốc đất bên khe suối để trồng rau, số còn lại đang xuống lòng hồ đánh bắt cá nhằm cải thiện cuộc sống.
Học sinh trong khu nội trú của Trường THCS Hữu Khuông
Thầy giáo Lê Nam Phụng, Chủ tịch công đoàn trường quê ở huyện miền biển Quỳnh Lưu lên đây dạy học đã khá lâu. Do vợ con ở xã Tam Đình (Tương Dương) nên mỗi tháng thầy Phụng bắt thuyền về xuôi một lần. Mỗi lần quay lại lòng hồ, thế nào cũng phải đùm cho được bì gạo kèm các loại thực phẩm như: Cá khô, nước mắm, muối, ruốc, trứng vịt… mang theo. Tốn kém! Biết vậy nhưng nhiều lúc nhớ vợ thương con, thầy Phụng đành phải chấp nhận.
Vợ làm nghề giáo viên, tuy ở ngoài lòng hồ nhưng cũng phải đi dạy xa nhà hàng chục cây số. Trong khi đó, hai vợ chồng đã có hai con nhỏ, cháu lớn học tiểu học, cháu bé đang học mầm non. Nhiều hôm đi dạy về muộn, cô Thủy (vợ thầy Phụng) phải nhờ mấy bà hàng xóm đi đón các cháu dùm.
Vì hàng xóm làm nghề kinh doanh buôn bán ngoài chợ Khe Bố nên đón xong lại phải đưa các cháu ra chợ trải ni lông cho ngồi đợi mẹ về. Nhiều bữa hai anh em ôm nhau ngủ ở chợ đợi mẹ về để cho bà hàng xóm bán hàng. Không ít lần nhìn con mà chị Thủy ứa nước mắt, nhưng vì cuộc sống mưu sinh và vì yêu nghề dạy chữ nên cả nhà đành phải chấp nhận cảnh con sống xa cha, vợ xa chồng như vậy.
Được biết, hầu hết giáo viên vào lòng hồ dạy học chủ yếu đều là người miền xuôi hoặc ở các xã từ ngoài vào. Các thầy, cô giáo đều đã có gia đình và đều chịu cùng cảnh ngộ. Cả khu nội trú duy nhất chỉ có cặp vợ chồng thầy giáo Hoàng Xuân Vinh và cô Đoàn Ánh Ngọc, nhưng cuộc sống cũng chẳng cải thiện hơn được chút nào so với các giáo viên khác.
Tranh thủ hết giờ học, các giáo viên trồng rau để cải thiện cuộc sống |
Thầy Vinh quê cũng ở huyện Quỳnh Lưu, hai vợ chồng đã có hai con, đứa lớn phải đưa về quê nội gửi ông bà nuôi cháu. Nhiều khi nhận được tin con ốm, gần tuần lễ phong thư mới tới nơi. Mỗi lần về xuôi không đơn giản chút nào, vì hằng ngày thuyền máy chở khách thường ngược lên buổi sáng và tận sáng hôm sau mới xuôi về. Còn nếu có việc đột xuất, đau ốm, bệnh tật phải cấp cứu… thì hầu hết phải thuê hẳn một chiếc thuyền máy và người lái đưa đi, nếu cả lên xuống mất ngót hai triệu đồng.
Cô giáo Đoàn Ánh Ngọc nhớ lại, có lần con nhỏ bị ốm phải đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa huyện Tương Dương, do mực nước lòng hồ rút cạn nên các thầy cô trong trường phải lội bùn lút cả người, nhọc nhằn lắm mới bồng được con nhỏ ra thuyền về xuôi. Nhiều thầy cô nghe tin con nhỏ ở nhà bị ốm nhưng cũng đành chịu.
Hoặc có lần có thầy giáo của trường nhận được tin em trai bị tai nạn, thầy này phải thuê hẳn chiếc thuyền với giá một triệu rưỡi rồi vượt sóng nước về trong đêm rất nguy hiểm, nhưng tới nhà thì em trai đã chôn cất được hơn 3 ngày rồi. Các giáo viên than thở, nhiều khi bắt được công văn từ Phòng GD&ĐT huyện Tương Dương mời đi họp nhưng khi thư đến thì ngoài huyện đã họp xong trước đó rồi.
Tranh thủ hết giờ dạy, một số thầy cô liền thay quần áo vác cuốc, xẻng ra cuốc đất trồng rau, một số khác ra suối dùng lưới đánh bắt cá. Thầy giáo Phụng cho biết, vì trong lòng hồ phải sống biệt lập với bên ngoài nên mọi cái phải tự cung, tự cấp. Muốn cải thiện cuộc sống, giáo viên cũng như học sinh nội trú phải lăn ra lao động. Ngoài trồng rau, đánh bắt cá, các giáo viên trong khu nội trú còn biết nuôi gà để phục vụ cuộc sống. Vì xa trung tâm nên cuộc sống ở đây dù có tiền cũng không có gì mà mua ăn.
Điều mà một số giáo viên còn day dứt đó là, khu vực xã Hữu Khuông vừa là vùng sâu, vùng xa, điều kiện dạy học còn hết sức khó khăn nhưng họ không được hưởng chế độ phụ cấp như một số vùng thuộc khu vực biên giới khác.
Được biết, toàn trường có 21 giáo viên, 192 em học sinh. Hầu hết thầy và trò đều xa nhà và ở lại khu nội trú. Riêng giáo viên sau khi xây dựng trường mới còn được xây dựng dãy nhà nội trú cấp bốn nhưng phòng thì chật mà phải ở ba bốn người. Còn các em học sinh thì hầu hết phải tự dựng lều trọ học. Đời sống giáo viên cũng như học sinh đều mù tịt thông tin, quanh năm không biết cái ti vi là gì chứ đừng bao giờ mơ được internet.
Dù khó khăn như vậy nhưng hằng đêm bắt đầu từ 19h, nhà trường sẽ đánh trống để học sinh ở quanh các khu trọ tập trung lên trường để ngồi vào bàn học bài một cách nghiêm túc, đến 21 giờ lại đánh trống cho các em ra về. Một số em học sinh tự học, em nào chưa hiểu bài thì có các thầy, cô giáo sẵn sàng hướng dẫn các em.
Trong nhiều câu chuyện vui buồn của chuyến ngược lòng hồ lần này, hầu hết các giáo viên tôi bắt gặp thì ai cũng đau đáu khi học sinh của họ cái ăn, cái mặc còn chưa đủ, chỗ ngủ các em còn chưa ấm… Chỉ mong sao các em học sinh có được cái chữ để mai này lớn lên về giúp bản làng ngày một tươi sáng hơn.
Phan Sáng
.