Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201211/24256-nguoi-thay-day-hoc-tren-giuong-benh-394159/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201211/24256-nguoi-thay-day-hoc-tren-giuong-benh-394159/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Người thầy dạy học trên giường bệnh - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 20/11/2012, 07:59 [GMT+7]
24256

Người thầy dạy học trên giường bệnh

Sinh ra ở xóm 2, xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn, tuổi thơ của Nguyễn Hữu Thắng cũng tràn ngập ước mơ và hoài bão. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng Thắng luôn chăm ngoan học giỏi. Hạnh phúc tuổi thơ chỉ được trong gang tấc, lên lớp 7 Thắng bắt đầu thấy đôi chân mình có những dấu hiệu bất thường.
 
Ban đầu gia đình nghĩ Thắng hiếu động, chạy nhảy bị sái chân nên mua thuốc sái về uống. Càng uống thuốc bệnh càng nặng thêm, đôi chân ngày càng đau nhức. Gia đình đưa anh đi chữa trị nhiều nơi, hết bệnh viện đến các thầy lang trong và ngoài tỉnh đều không đỡ. Đôi chân cứ tê liệt dần và co quắp lại. Có bệnh vái lạy tứ phương, hễ nghe nói ở đâu có thầy thuốc chữa khớp giỏi là hai mẹ con anh lại khăn gói lên đường. Có lúc phải thuê nhà trọ ở hàng tháng trời để châm cứu.
 
Hoàn cảnh gia đình đã vất vả nay lại thêm khốn khó. Thời gian đầu mới ngã bệnh Thắng vẫn gắng gượng đi học. Không có xe đạp, Thắng phải đi học sớm hơn bạn bè để không bị chậm học. Đôi chân đi xiêu vẹo, nhấc từng bước đau đớn nhưng anh nhất quyết không nghỉ học giữa chừng.
 
Căn nhà nhỏ trở thành lớp học
 
Thế rồi một buổi sáng trở dậy học bài anh thấy toàn thân mình tê cứng, cánh tay phải co quắp lại, cái lưng dài cũng chỉ nằm trơ như gỗ đá, cổ không thể nghiêng ngả được nữa. Niềm vui cắp sách đến trường của Thắng cũng khép lại từ đó. Anh đau khổ, chán nản. Nhiều lúc Thắng muốn tìm đến cái chết nhưng thương mẹ già, thương đàn em nhỏ nên anh gắng gượng sống.
 
Nằm mãi trên giường buồn tẻ, anh nhờ mẹ mượn sách về đọc. Trẻ con trong làng biết anh vốn học giỏi nên mỗi lúc có bài toán khó lại tìm đến nhờ anh giảng giải. Đứa này truyền tai đứa khác, bọn trẻ tìm đến anh ngày một nhiều hơn.
 
Ngôi nhà nhỏ lại vang lên tiếng trẻ con học bài. Mỗi lúc được điểm cao, bọn trẻ chạy đến khoe, anh thấy lòng mình trẻ lại, tràn đầy niềm khao khát sống. Không biết từ bao giờ anh trở thành người thầy giáo gần gũi, thân thiết với trẻ con trong làng. Gặp bài toán khó quá, nói mãi trò không hiểu anh giơ cánh tay trái lên chỉ theo từng nét chữ. Giá như anh có thể viết ra thì các cháu dễ hiểu hơn nhiều lắm.
 
Vậy là anh quyết tâm tập viết bằng tay trái. Không cử động được, anh nhờ mẹ kê chiếc can bên cạnh làm giá đỡ đặt vở. Lúc viết anh cố nghiêng mình sang bên phải, các khối cơ lâu ngày không cử động khiến anh đau buốt. Anh bảo: “Quan trọng nhất là phải có điểm tựa vững chắc cho quyển vở, vì khi tay mình đặt lên vở rất dễ bị rơi”. Những dòng chữ nguệch ngoạc lâu dần cũng ngay hàng thẳng lối, tròn trịa. Nhìn lại từng dòng chữ mà ánh mắt anh rạng ngời.
 
Nghe tin anh bị bệnh nằm liệt giường, quý mến tài năng và đức độ của anh nên bạn bè gần xa thường lui tới thăm hỏi, động viên. Một người bạn học hiện đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài đã mua tặng anh bộ sách nghiên cứu về Kinh dịch. Thật bất ngờ bộ sách đó không những giúp anh khuây khỏa mà còn giúp anh mở rộng kiến thức, hiểu rõ hơn về số phận và cuộc đời.
 
Anh hiểu mỗi người phải biết vượt lên số phận để sống có ích cho xã hội. Không còn chán nản, tự ti anh trở nên lạc quan, vui vẻ. Anh say mê với công việc dạy học như để trả nợ với cuộc đời, với những người đã yêu thương, che chở, giúp đỡ anh. Có thời gian rảnh anh lại nghiên cứu Kinh dịch. Bàn tay anh không cầm nổi quyển sách dày cộm, cái cổ cứng đơ không ngước lên để đọc được, anh kê sách lên cao, một tay giữ lấy trang sách và chăm chú đọc.
 
Bà con trong làng ngoài xã mỗi lúc có việc quan trọng như làm nhà, dựng vợ gả chồng cho con cháu đều đến nhờ anh xem ngày. Và cứ thế mỗi ngày thầy giáo Nguyễn Hữu Thắng vẫn làm việc và cống hiến theo cách riêng của mình.

Nguyễn Lê
.