Theo Nghị định số 31/2012/NĐ-CP, từ ngày 1/5/2012, mức lương tối thiểu được điều chỉnh tăng từ 830.000 đồng lên 1.050.000 đồng/tháng. Thực hiện Nghị định trên, công chức, viên chức và các đối tượng được hưởng chính sách ở nhiều địa phương trong cả nước đã được hưởng lương mới theo đúng kỳ hạn.
Tuy nhiên, đến tháng 7, đội ngũ giáo viên ở Nam Đàn mới được hưởng lương mới theo đúng quy định. Đồng thời giáo viên cũng được truy lĩnh số tiền chênh lệch giữa lương cũ và lương mới chưa được nhận ở các tháng 5 và tháng 6. Tuy nhiên, từ kỳ lĩnh lương tháng 8 đến thời điểm hiện tại, giáo viên các cấp trên địa bàn huyện Nam Đàn lại tiếp tục phải nhận lương cũ (mức lương tối thiểu là 830.000 đồng/tháng).
Sự “thụt lùi” khó hiểu này đã gây tâm lý ức chế trong không ít giáo viên. Một giáo viên dạy môn Thể dục bậc THPT trên địa bàn huyện Nam Đàn bức xúc: “Chúng tôi là giáo viên Thể dục, không có điều kiện đi dạy thêm để cải thiện thu nhập như các môn khác, được Nhà nước tăng lương, những tưởng được nhận đúng kỳ hạn để bù đắp phần nào chi phí khi giá cả tăng cao nhưng đến kỳ lĩnh lương tháng 7 mới được nhận truy lĩnh, từ tháng 8 đến nay không hiểu vì sao lại phải tiếp tục nhận lương cũ ?”.
Khi giáo viên bày tỏ băn khoăn, vì sao chưa được hưởng lương mới theo đúng kỳ hạn quy định, kế toán, thủ quỹ và ngay cả hiệu trưởng của nhiều nhà trường đều có chung câu trả lời: Do phòng tài chính và kho bạc của huyện chưa chuyển tiền về, cũng có thể do ngân sách khó khăn, quỹ lương của giáo viên chưa cân đối được nên lương mới còn bị “treo” (?!).
Giáo viên ở Nam Đàn hiện nay vẫn còn bị nợ lương và phụ cấp nhưng chưa có sự giải thích thỏa đáng từ cơ quan liên quan
Sau khi được Quốc hội thông qua, ngày 4/7/2011, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định 54/2011/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo. Theo Nghị định này, nhà giáo đủ 5 năm (60 tháng) trực tiếp giảng dạy được tính hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% của mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
Đối tượng áp dụng của Nghị định là nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục công lập và các học viện, trường trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đã được chuyển xếp lương.
Phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Chế độ phụ cấp thâm niên cho giáo viên được tính từ ngày 1/5/2011 và Nghị định 54 của Chính phủ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2011. Có thể nhận thấy, chế độ phụ cấp thâm niên được khôi phục đã góp phần động viên khích lệ đội ngũ giáo viên, nhất là trong điều kiện giá cả leo thang, đời sống kinh tế còn gặp khó khăn.
Mặt khác, chính sách này giúp nhà giáo có thể yên tâm với nghề, nâng cao năng lực chuyên môn. Chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo cũng được kỳ vọng là sẽ góp phần tạo sức hút đối với những học sinh có học lực khá, giỏi thi vào ngành sư phạm, tăng cường chất lượng đội ngũ giáo viên.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, giáo viên trên địa bàn huyện Nam Đàn mới chỉ được nhận và truy lĩnh chế độ phụ cấp thâm niên từ tháng 1/2012, còn lại, khoản tiền phụ cấp từ tháng 5/2011 đến tháng 12/2011 vẫn còn bị “nợ”. Sự chậm trễ trong quá trình thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên đã khiến cho đội ngũ giáo viên ở các đơn vị trường học không khỏi băn khoăn.
Điều đáng nói là, đây không phải là lần đầu tiên đội ngũ giáo viên trên địa bàn Nam Đàn chậm được hưởng lương mới và các khoản phụ cấp theo đúng quy định. Còn nhớ, trong kỳ tăng lương năm 2011 từ 730.000 đồng lên 830.000 đồng/tháng, sau hơn 3 tháng Nghị định của Chính phủ có hiệu lực, đội ngũ giáo viên ở Nam Đàn vẫn chưa được hưởng lương mới theo đúng quy định.
Đến năm nay, “điệp khúc” chậm trễ ấy lại được lặp lại. Đồng lương của giáo viên, nhất là những giáo viên trẻ mới ra trường vốn đã eo hẹp, đời sống càng trở nên khó khăn hơn trong thời điểm lạm phát, giá cả leo thang. Vẫn biết rằng, chủ trương thắt chặt tài chính của các ngành chức năng nhằm làm giảm áp lực lạm phát khiến việc cân đối quỹ lương có thể ít nhiều bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, việc chậm chi trả lương mới và các khoản phụ cấp theo đúng quy định cho đội ngũ giáo viên trong thời gian dài đã làm ảnh hưởng tới đời sống vật chất, gây tâm lý băn khoăn không đáng có trong không ít giáo viên. Nhất là khi, sự chậm trễ ấy lại không nhận được một lời giải thích thỏa đáng nào từ cơ quan chức năng.
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đang đến gần, rất mong các cấp, ngành liên quan, trực tiếp là Phòng tài chính và Kho bạc huyện Nam Đàn nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc để việc chi trả lương mới và chế độ phụ cấp thâm niên cho giáo viên được thực hiện trong thời gian nhanh nhất. Âu đó cũng là “món quà” thiết thực nhằm thể hiện thái độ tôn vinh các nhà giáo, những người đang đảm nhận trọng trách “trồng người” mà xã hội đã tin tưởng giao phó.
Bùi Minh Tuấn
.