Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201209/22657-tro-lai-hang-tam-co-thanh-nien-xung-phong-395451/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201209/22657-tro-lai-hang-tam-co-thanh-nien-xung-phong-395451/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Trở lại Hang Tám cô thanh niên xung phong - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 01/09/2012, 09:25 [GMT+7]
22657

Trở lại Hang Tám cô thanh niên xung phong

Tiếp sau cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ đến cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy cam go. Chuyện hy sinh của 8 cô TNXP thời chống Mỹ, cho ta thấy cái giá của sự bảo vệ…
 
Tất cả cán bộ phóng viên đại diện 19 các báo Đảng miền Trung - Tây Nguyên về thăm Di tích lịch sử “Hang Tám cô TNXP” trên đường 20 (Quảng Bình) đều đứng lặng đi khi nghe anh thuyết minh di tích nhận xét: “Ở Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) hay ở Truông Bồn (Nghệ An) các cô TNXP cũng đều bị bom Mỹ vùi lấp hy sinh. Ở đây cũng có 8 người chết trẻ một lúc như vậy. Nhưng suy cho cùng, ở đây hy sinh có phần đau đớn hơn, xót xa hơn”.  
 
Nhớ lại quả đúng vậy, ngày 24/7/1968, ở Ngã ba Đồng Lộc xảy ra chuyện do một loạt bom rơi đúng vào đội hình làm 10 cô đang san lấp hố bom hy sinh cùng một lúc. Ở Truông Bồn, ngày 31/10/1968, máy bay Mỹ oanh tạc cả đoạn dài cửa Truông làm 6 người bị bom vùi và 7 người bị trúng bom… Cả hai nơi tọa độ lửa, tất cả đều hy sinh bất ngờ, nhanh chóng.
 
Cái chết tức tưởi có nỗi đau riêng nhưng có lẽ cái chết từ từ của các anh chị: Đỗ Thị Loan, Nguyễn Văn Huệ, Nguyễn Hữu Phương, Trần Thị Tơ, Hoàng Văn Vụ, Nguyễn Mậu Kỷ, Lê Thị Lương, Lê Thị Mai, ở đây gây ra ấn tượng thương xót không bao giờ quên.
 
Rất đông người dân đến viếng Hang Tám cô 
 
Các chị kể thêm chi tiết: “Chiều 14/11/1972, khi máy bay B52 ném bom làm sập một khối đá nặng hàng nghìn tấn lấp cửa hang, khói bom vừa tan, anh em đã đến bên khối đá gọi tìm đồng đội mình và tìm cách cứu sống họ. Anh em còn nghe rõ tiếng kêu và trả lời nho nhỏ từ trong hang vọng ra: “Các đồng chí ơi! Cứu chúng tôi với”. Nhưng rồi mọi biện pháp đều vô hiệu vì khối đá lớn quá, lại không thể dùng bộc phá. Người ta dùng ống dây cao su luồn qua kẽ đá, đổ cháo loãng vào để kéo dài sự sống đồng đội thêm.
 
Đến ngày thứ 8 thì âm thanh kêu cứu thưa thớt và nhỏ dần. Áp tai vào vách đá hãy nghe tiếng kêu nhỏ và xa xăm như tiếng mèo. Ngày thứ 9, nhiều người thính tai vẫn còn nghe tiếng yếu ớt vọng ra “Mẹ ơi”. Đến ngày thứ 10, mới im bặt. Suốt những ngày đau thương ấy cứ đến cửa hang là ai cũng òa khóc nức nở vì thương đồng đội”.
 
Rồi nỗi đau mấy cũng nguôi ngoai khi thấy những tấm lòng thơm thảo, những đánh giá cao và lòng tri ân của mọi người luôn thể hiện, nhất là những năm gần đây. Chẳng hạn trong hang, khói hương luôn nghi nghút, do nhiều khách tham quan mang hoa tươi, hương thơm từ nhiều miền đất nước đến thăm viếng.
 
Bàn thờ cũng có cả hoa sim, hoa mua của rừng do những khách qua đường thành kính. Bàn thờ trang trọng thêm khi có tấm đá hoa cương khắc những dòng tha thiết “Khi còn đặt bước chân trên nẻo đường Tổ quốc, chúng tôi không bao giờ quên sự hy sinh cao cả của các cô, những cô gái thanh niên xung phong. Cầu cho các cô được vĩnh hằng”. 
 
Mới đây, ngoài cửa hang có một viên đá khá lớn gọi là “đá tri ân” do huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) chuyển vào (cả 8 người hy sinh trong hang đều quê ở huyện Hoằng Hóa). Dòng chữ đỏ khắc trên nền xanh của viên đá đọc lên ai cũng thấy nghẹn lòng: “Mọi nẻo đường nơi đây không chỉ mở bằng xương máu và mất mát, đó còn là sự hy sinh thầm lặng của tuổi thanh xuân…, xin gửi tới anh chị thanh niên xung phong lời tri ân sâu sắc”. 
 
Chúng tôi còn nghe những mẩu chuyện tâm linh đến sâu sắc mà các anh chị ở đây gìn giữ và bây giờ mới kể. Các chị nói: “Bọn em sẽ kể hết cho Hội nhà báo các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên nghe để có dịp thì viết ra cho mọi người cùng đọc mấy ai có dịp vào tận đây. Vả lại nó cũng là tài sản không thành văn của di tích này”.
 
Chẳng hạn, chuyện trước cửa hang có một cây chuối cao 8 mét, bỗng dưng năm 2008, trổ buồng đúng 8 nải. Sau cây chuối ấy, trên vách đá còn có một tổ chim đẻ ấp 8 quả trứng. Trong dịp kỷ niệm “50 năm mở đường Trường Sơn huyền thoại” tổ chức trong hang, người ta thấy xuất hiện một con tắc kè, bò lên đĩa trầu cau; con tắc kè này trong đêm kêu đúng 8 tiếng; sau này những người trông coi di tích thấy tắc kè đẻ 8 quả trứng, nở ra 8 con…
 
Và đây nữa, với lòng thành kính và tôn trọng lịch sử, Ban bảo vệ di tích còn giữ được những kỷ vật in dấu một thời. Ấy là trước sân di tích có một gốc si lớn, hai  thân cây ôm xoắn như một đôi nam nữ yêu nhau say đắm. Cây này có lời dẫn do anh em bộ đội Trường Sơn viết từ những năm chiến tranh bây giờ mới tìm thấy - “cây mối tình Trường Sơn”. Một tấm bia lớn ghi công trạng, hào khí của các liệt sỹ đường 20 đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc cũng mới được dựng lên nhắc nhở những ai được hưởng nền độc lập không thể quên:
 
"Đường 20 một miếu khang trang
Đỉnh Quyết Thắng trăm cờ khánh tiết
Tưởng niệm những anh hùng, xót thương bao nghĩa liệt…"

Hoàng Chỉnh
.