Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201207/21806-chinh-ta-chong-nhau-co-hai-cho-viec-day-va-hoc-396119/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201207/21806-chinh-ta-chong-nhau-co-hai-cho-viec-day-va-hoc-396119/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Chính tả chống nhau, có hại cho việc dạy và học - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 21/07/2012, 07:59 [GMT+7]
21806

Chính tả chống nhau, có hại cho việc dạy và học

Nhưng hiểu cho được khi nào thì dùng D, khi nào phải dùng Gi để viết là không dễ. Đặc biệt khó hơn nữa những từ đó không phải từ phổ thông mà là từ địa phương.
 
Quê ta vừa tổ chức một sự kiện tưng bừng hoành tráng để biểu dương lực lượng đang tiềm tàng, hùng mạnh của các loại hình dân ca xứ Nghệ là cuộc liên hoan dân ca ví, giặm xứ Nghệ năm 2012 diễn ra tối 23/6 được truyền hình trực tiếp và những ngày thi hát ví giặm sau đó. Tuy nhiên, điều đáng nói là trên phông sân khấu tại lễ đài đã có câu khẩu hiệu to “Liên hoan dân ca ví, giặm xứ Nghệ 2012”.
 
Thế nhưng, nhiều báo ở TW và tỉnh ta có đăng bức ảnh này nhưng tít bài lại viết rõ là ví dặm. Đài tỉnh và VTV, VOV cũng không chịu nhau, ai theo lễ đài cứ theo, ai không cứ không. Ở tỉnh có Báo Công an Nghệ An, Văn hoá Nghệ An viết đúng chữ Gi.
 
Như trên đã nói, chọn để viết đúng D hay Gi vốn là khó, đã từng sai nhiều trên báo như chữ dám và giám. Nếu không rành chính tả ta cứ tự suy dám chỉ có nghĩa là có gan làm, dám làm, dám chịu, chứ không ai khai sinh trên giấy tờ con mình tên là Dám mà phải là Giám, đồng nghĩa trong các từ ghép giám đốc, giám khảo, giám thị, giám sát.
 
Từ đó suy ra, nếu tên riêng là Giăm, Giằm, Giặm cũng vậy. Chữ Dặm theo từ điển Tiếng việt chỉ có một nghĩa là đơn vị đo chiều dài khi viết vài dặm, muôn dặm, vạn dặm. Truyện Kiều có câu thơ tả cuộc chia li giữa Kiều và Thúc Sinh rất hay “Người về chiếc bóng năm canh/ Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi”. Vậy chữ Giặm dùng để đặt tên riêng cho một làn điệu dân ca xứ Nghệ là chính xác.
 
Theo nhà ngôn ngữ học Nguyễn Nhã Bản, trong từ điển tiếng địa phương Nghệ Tĩnh thì Dặm là một dụng cụ bắt cá nhỏ và tôm tép. Theo từ điển Tiếng Việt, Giặm là thêm vào chỗ còn trống. Người nông dân xứ Nghệ ruộng cấy xong, bị mất từng bụi phải nhổ lúa san ra giặm vào chỗ bị mất. Rồi người mẹ cho con ăn giặm tức ăn thêm vào giữa buổi.
 
Có nhà khoa học cho rằng chữ Dặm là danh từ chỉ độ dài, thì chữ Giặm là động từ chỉ động tác giẫm chân khi hát. Tại cuộc hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ” tổ chức tại TP Vinh hồi tháng 3/2012, các nhà khoa học đã thống nhất cách viết giặm trong cụm từ ví, giặm.
 
Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Thái Kim Đỉnh trên tạp chí Văn hoá Nghệ An cũng khẳng định cách viết “hát ví, hát giặm” trong bài “Đôi điều về dân ca Nghệ Tĩnh”. Không rõ lí do gì mà trên phông buổi lễ đã viết to, viết rõ chữ Giặm mà nhiều báo đài vẫn quay lưng lại với nó?
 
Qua xem truyền hình và đọc báo về sự kiện liên hoan dân ca ví giặm vừa qua, nhiều thầy cô giáo bậc tiểu học và THCS ở địa phương xã tôi tỏ ra băn khoăn, các phương tiện truyền thông đã làm khó cho việc dạy chính tả đã thành nề nếp trong nhà trường lâu nay.
 
Thiết nghĩ, bên cạnh việc để sai chính tả khi viết còn xảy ra hiện nay, thì việc công khai để sai với ý không chịu nhau như vừa qua là hoàn toàn không nên, làm khó cho Tiếng Việt nói chung, cho việc dạy và học trong nhà trường nói riêng.

Hoàng Văn Hân
.