Ngay sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ của ta thắng lợi, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Cu Ba H.R.Lom-pác viết: "Ba tiếng Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ từ nay gắn liền với nhau thành một sự thật vĩ đại, chói lọi như một niềm hy vọng to lớn và tươi sáng". Thực ra, sự gắn kết này được chắp nối từ đầu thế kỷ XX - khi mà Bác chọn theo con đường cách mạng của Lênin, vì rằng không có sự lựa chọn ấy thì không có Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930, mà không có Bác và Đảng ta thì không có Cách mạng tháng Tám 1945 và hiển nhiên càng không có chiến thắng Điện Biên Phủ 1954.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự hội tụ của nhiều yếu tố, nhưng trước hết nó được bắt nguồn từ tư tưởng tự lực cánh sinh của Bác, kết hợp với cuộc đấu tranh chung của nhân dân tiến bộ thế giới và đã tiềm ẩn qua dự báo của Bác trong tác phẩm "Giấc ngủ mười năm" viết từ tháng 6/1949. Bác luôn bám sát, theo dõi chặt chẽ diễn biến, kịp thời chỉ đạo chiến dịch, gửi thư động viên quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Ngày 6/12/1953, trong khi Nava đang ra sức xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thì Bác Hồ lại chủ trì Hội nghị của Đảng, quyết định mở chiến dịch này làm trận quyết định kết thúc kháng chiến chống Pháp. Giữa tháng này, Bác gửi thư đến cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ, kịp thời động viên tinh thần, khí thế chiến đấu, trong đó viết: "Thân ái gửi cán bộ chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh đạoĐảng họp bàn quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ
Năm ngoái các chú đã anh dũng chiến đấu, tiêu diệt nhiều địch. Năm nay các chú phải chiến đấu anh dũng hơn, chịu đựng gian khổ hơn, phải giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh, quyết tâm tiêu dịêt địch,... giành nhiều thắng lợi...".
Ngày 22/12/1953, Bác lại có thư gửi cán bộ chiến sĩ, sự tin tưởng cao độ của mình vào thắng lợi ở Điện Biên Phủ. Hơn thế, khi được các nhà báo nước ngoài phỏng vấn về kết quả chiến dịch Điện Biên Phủ, Bác khẳng định chắc chắn: "Chiến thắng sẽ thuộc về nhân dân và lực lượng vũ trang của Việt Nam".
Từ đầu tháng 3/1954, để củng cố tinh thần trước khi bước vào giai đoạn đầu tiên của chiến dịch, Bác có thư dặn dò các chiến sĩ: "Nhiệm vụ các chú lúc này là rất to lớn, khó khăn nhưng rất vinh quang". Ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng mở đầu đợt tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thì ngày 15/3, Bác và TW Đảng gửi điện khen ngợi, động viên chiến sĩ ngoài mặt trận: "Bác và TW vừa được nghe báo cáo về trận thắng đầu tiên của ta ở Điện Biên Phủ, Bác và TW có lời khen các đồng chí.
Đây là một chiến dịch lịch sử của quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và ý nghĩa chính trị quan trọng. Địch sẽ ra sức đối phó, ta phải cố gắng, chiến đấu dẻo dai bền bỉ...". Từ đó cho đến kết thúc, Bác và TW Đảng luôn luôn theo dõi tình hình chiến sự ở Điện Biên Phủ để chỉ đạo kịp thời.
Chiến thắng Điện Biên Phủ
Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, ngày 9/5, Bác có thư khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong cùng đồng bào Tây Bắc đã chiến thắng vẻ vang, rồi gửi thư chúc mừng toàn thể cán bộ chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ bày tỏ vui mừng: "Thế là Bác cháu ta cùng vui, vui để cố gắng mới, để khắc phục khó khăn mới và giành thắng lợi mới, Bác và Chính phủ thưởng cho tất cả các chú Huy hiệu chiến sĩ Điện Biên Phủ", rồi trong các ngày 8 đến 12/5, Bác đã tặng Huy hiệu này cho các chiến sĩ.
Bác còn làm thơ, viết những mẩu chuyện về Điện Biên Phủ đăng ở báo Cứu quốc và một số tờ báo khác. Trong mẩu chuyện "Nói láo trên trời, dưới đất nghe", Bác khẳng định Chính phủ phản động Pháp rất thạo nghề nói láo và thắng lợi của ta ở Điện Biên Phủ chứng tỏ Pháp bị mất mùa nói láo; ở bài "Nội bộ Pháp lủng củng", Bác viết: khi thất bại thì bọn chính trị Pháp đổ lỗi cho bọn quân sự, song chúng đều nhất trí không thể giữ Bắc Bộ được nữa; rồi trong bài viết có nhan đề "Pháp vỡ đầu, Mỹ cũng méo mặt", đăng báo Cứu quốc ngày 31/5, Bác viết: "Điện Biên Phủ là một thất bại đau đớn cho Pháp, cũng là thất bại nhục nhã cho Mỹ"; bài "Trời đất Việt không dung giặc Pháp" Bác nói về sự huênh hoang của địch: mặc dù Pháp cứ tuyên truyền Việt Minh sẽ bị đánh tan ở Điện Biên Phủ, nhưng kỳ thực thì tinh thần quân Pháp rất bạc nhược, ngay từ khi ta thắng đợt 1, chúng đã có người tự tử rồi; bài "Quân binh Pháp không thương thương binh Pháp", Bác viết về chính sách khoan hồng, nhân đạo của ta đối với tù binh Pháp, nhưng chính bọn chỉ huy Pháp lại đối xử dã man với quân lính của mình.
Bác vui sướng mà ca ngợi chiến thắng Điện Biên Phủ trong bài "Từ Biên giới đến Điện Biên Phủ": Khi ta thắng ở Biên giới năm 1950 đã làm cho cả nước Pháp xôn xao và Pháp cho đây là thất bại to nhất trong lịch sử thực dân Pháp. Nhưng đến Điện Biên Phủ thì làm cho cả thế giới xôn xao. Ta, bạn bè ta và cả châu Á thì vui mừng còn Pháp - Mỹ thì ngơ ngác.
Bác còn viết bài "Quân ta toàn thắng Điện Biên Phủ" dưới dạng thơ để cho người đọc dễ nhớ, đăng báo Nhân dân các ngày 12 - 15/5, trình bày tỉ mỉ về diễn biến, thắng lợi và ý nghĩa của chiến dịch này. Ngày 7/5/1964, Bác ghi trong sổ lưu niệm Bảo tàng Điện Biên Phủ rằng: đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, cũng là thắng lợi chung của tất cả dân tộc bị áp bức trên thế giới.
Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại ngày nay: Chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại, cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công.
Đức Hoàng
.