Lương Thị Mùi (SN 1979) ở xã Quỳnh Lập, Quỳnh Lưu, Nghệ An trong một gia đình nghèo, cha mẹ của cô mắc căn bệnh phong, phải lên làm ăn sinh sống ở Phá Đáy, làng của những người cùng cảnh ngộ. Học xong lớp 9, Mùi rời quê hương lên Phá Đáy thăm cha mẹ. Tại đây, chứng kiến con em ở Phá Đáy còn nhiều nỗi khó khăn, cái nghèo vẫn luôn bên cạnh, các em nhỏ không có điều kiện để đến trường nên chị đã quyết định tình nguyện ở lại đây dạy chữ cho các em. Bà con trong bản ai cũng quý mến chị, ở nhà nếu có cái gì ăn được đều đưa đến cho chị.
Cuộc sống bà con nơi đây gặp rất nhiều khó khăn, cùng với đó là sự xa lánh, kỳ thị của người dân khi phát hiện ở Phá Đáy có người bị bệnh phong. Hàng hóa bà con sản xuất được đưa ra chợ bán không ai mua vì sợ lây bệnh, con em đến lớp cũng bị các bạn lạnh lùng. Tủi phận, nhiều em đã bỏ học giúp cha mẹ chăn trâu, đi làm nương rẫy.
Lúc đầu chị dạy các em đánh vần, tập viết chữ. Thấy các em nhiệt tình chăm học nên chị kiến nghị với bà con dựng căn nhà tranh tre, để mở lớp cho chị dạy học. Bà con ai cũng biết ơn cô Mùi vì đã không hắt hủi xa lánh các em, trái lại còn dạy dỗ các em học chữ. “Cha, mẹ tôi đều bị bệnh phong nên tôi rất hiểu và thông cảm với bà con, và tôi muốn giúp một ít sức lực của bản thân cho bà con Phá Đáy”, chị Mùi chia sẻ.
Cô giáo Mùi, người đưa ánh sáng về cho dân nghèo
Năm 1998, chị chính thức mở lớp dạy với mong muốn các em học sinh nghèo được học cái chữ. Lớp học của cô giáo Mùi cũng rất đặc biệt. Trong lớp có hơn 20 học sinh từ lớp 1 đến lớp 3, các em rất ngoan, biết nghe lời. Nhiều lần không có sách giáo khoa cho việc giảng dạy, chị phải ra Trường Tiểu học của xã mượn. Có hôm không mượn được chị tự bỏ tiền túi ra mua.
Con đường từ Phá Đáy ra trung tâm xã cũng hơn 7 cây số, đường sá lại khó khăn, xe máy không đi được. Thấy cô giáo Mùi có tấm lòng yêu mến, thương các em học sinh nghèo nên các thầy cô giáo Trường Tiểu học cũng nhiệt tình giúp đỡ chị. Từ đó, cô Mùi đề nghị với phòng GD&ĐT huyện Quỳ Châu và đã được cấp sách giáo khoa dạy học các em học sinh nghèo không có điều kiện đến trường ở đây. Từ đó đến nay, nhiều lớp học sinh của chị đã khôn lớn, học đến lớp 4 các em tự mình cuốc bộ hơn 7km đến trường để học tiếp. Hàng ngày, chị vẫn lủi thủi một mình đến lớp dạy với mong muốn các em được học hành đến nơi đến chốn, sau này sẽ khôn lớn nên người.
Năm 2002, chị Mùi lập gia đình với một thanh niên cùng quê lên đây làm ăn. Hiện, chồng chị đang đi công tác xa. Nhà chỉ còn hai mẹ con, cuộc sống tuy khó khăn, vất vả nhưng thấy được niềm vui của các em học sinh nên những khó khăn vất vả cũng nguôi đi phần nào.
Năm 2005, Phá Đáy được Đại sứ quán Đức xây tặng một trường mẫu giáo. Có trường mới, bà con phấn khởi lắm. Tuy nhiên, cũng chỉ được vài năm khi phòng GD&ĐT điều cô giáo Mùi ra Trường mầm non xã dạy học. Cũng từ đây con đường đến trường của con em Phá Đáy thêm xa vời.
Ông Lò Văn Duyên chia sẻ: “Hàng ngày chúng tôi phải cõng các cháu ra trường xã vất vả lắm, mong sao cô giáo Mùi được quay trở lại bản dạy các cháu cho chúng tôi yên tâm làm ăn”.
Trăn trở của chị là làm sao cho các em học sinh nghèo có điều kiện học hành tốt hơn, được ăn no mặc đẹp như nhiều học sinh khác trong xã. Những lúc rảnh rỗi cô giáo Mùi lại kể về những tấm gương vượt khó cho các em noi theo.
Chia tay cô giáo Mùi, chúng tôi mong sao chị luôn dồi dào sức khỏe để dìu dắt, đồng hành cùng các em học sinh nghèo ở nơi mảnh đất heo hút. Con đường vào Phá Đáy đang được rộng mở, hứa hẹn một tương lai tươi sáng sẽ đến với những người dân nghèo nơi đây.
Lương Đậu
.