Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201205/19875-di-tich-lich-su-sap-thanh-phe-tich-397656/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201205/19875-di-tich-lich-su-sap-thanh-phe-tich-397656/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Di tích lịch sử sắp thành phế tích - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 02/05/2012, 08:10 [GMT+7]
19875

Di tích lịch sử sắp thành phế tích

Và tại hang Rú Ấm, chính quyền cách mạng huyện Nghĩa Đàn đã được thành lập. Một cụm di tích lịch sử mang tầm cỡ như vậy mà đang dần bị lãng quên, trở thành phế tích.
 
Tháng 10/1930 khi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh ở các huyện miền xuôi bị chính quyền thực dân Pháp đàn áp dã man, theo chủ trương của Trung ương Đảng và Xứ ủy Trung Kỳ, Tỉnh ủy Nghệ An đã tiến hành một số biện pháp nhằm chống khủng bố, duy trì lực lượng cách mạng đồng thời mở rộng địa bàn hoạt động của Đảng lên các huyện miền Tây Nghệ An.
 
Tỉnh ủy đã đưa một số đảng viên nòng cốt lên huyện Nghĩa Đàn, vừa tránh sự truy lùng ráo riết của địch vừa phát triển và xây dựng cơ sở Đảng. Đó là 2 đồng chí: Võ Nguyên Hiến và Võ Thược. Tại đây, Chi bộ Đảng đầu tiên của vùng Phủ Quỳ đã được thành lập với 5 đảng viên và hang Rú Ấm được chọn làm nơi sinh hoạt bí mật của chi bộ, bởi địa hình hiểm trở và rất kín đáo.
 
Từ hang Rú Ấm mọi chỉ thị, nghị quyết của TW Đảng Xứ ủy Trung Kỳ được chi bộ đảng Nghĩa Đàn bí mật triển khai, đồng thời không ngừng phát triển đảng viên mới. Lực lượng của Đảng ngày càng được vững mạnh, phong trào cách mạng Nghĩa Đàn ngày càng được nhân rộng trong quần chúng nhân dân và giai cấp công nhân vùng Phủ Quỳ. Rú Ấm trở thành cái nôi cách mạng ở miền Tây Bắc Nghệ An. 

Hang Rú Ấm đang trở thành phế tích
 
Sau 9 năm âm thầm hoạt động, ngày 1/5/1939, tại hang Rú Ấm, Huyện ủy Nghĩa Đàn đã tổ chức thành công cuộc mít-tinh biểu dương khí thế cách mạng của nhân dân lao động và giai cấp công nhân Phủ Quỳ nhân ngày Quốc tế lao động. Có gần 200 người từ các vùng lân cận như Thọ Lộc, Cự Lâm, Sen, Sẻ... tham gia, với băng rôn, biểu ngữ, cờ đỏ búa liềm...
 
Tại đây, đồng chí Trần Ngọc Cán (sau này - 1949, là Huyện ủy viên huyện Nghĩa Đàn) đã đọc diễn văn quan trọng ca ngợi truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, dũng cảm, lòng yêu nước nồng nàn của giai cấp công nhân và nhân dân lao động cả nước nói chung và Nghĩa Đàn nói riêng; kêu gọi công nhân, nhân dân lao động đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng, kiên quyết đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình, đòi tự do dân chủ và độc lập cho Tổ quốc. Cuộc mít tinh chỉ diễn ra khoảng 1 tiếng đồng hồ nhưng đã gióng lên tiếng trống hào hùng báo hiệu cho một giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam. 

Ngày 22/8/1945, dưới sự lãnh đạo và tổ chức của Ủy ban khởi nghĩa huyện Nghĩa Đàn, hàng ngàn quần chúng nhân dân thuộc 3 dân tộc là Kinh, Thái và Thổ của các tổng Cự Lâm, Hạ Sưu, Thạch Khê, Nghĩa Hưng... và đông đảo lực lượng công nhân trong các đồn điền cao su, cà phê vùng Phủ Quỳ mang theo vũ khí thô sơ như súng kíp, gậy gộc, cuốc thuổng, giáo mác... tập trung dưới ngọn cờ búa liềm bay phấp phới trên đỉnh cây đa Làng Trù, tổ chức biểu tình thị uy, kéo về trung tâm huyện Nghĩa Đàn tiến hành cuộc khởi nghĩa lật đổ chính quyền phong kiến thực dân để thành lập Ủy ban Mặt trận Việt Minh huyện Nghĩa Đàn, khi tuyên bố chấm dứt chính quyền phong kiến - tay sai thực dân. Chính quyền cách mạng huyện Nghĩa Đàn được thành lập từ đây! 
 
Gần 70 năm qua, vùng đất cách mạng với những địa danh Cây đa Làng Trù, hang Rú Ấm đã ngấm sâu vào trong da thịt và tâm khảm của nhân dân các dân tộc ở đây.
 
Từ năm 2008 đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Nghĩa Khánh đã lấy ngày 22/8 hàng năm làm ngày lễ hội truyền thống của địa phương mình để tỏ lòng tri ân với những hy sinh to lớn của cha ông trước đây cho hạnh phúc ấm no của con cháu ngày nay, giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn cho thế hệ trẻ.
 
Năm nào, lễ hội “Cây đa Làng Trù và hàng Rú Ấm” cũng được đông đảo bà con nhân dân các dân tộc xã Nghĩa Khánh và các vùng lân cận đến tham gia  rất hứng khởi, không khí thật là tưng bừng náo nhiệt, nhất là các cháu thiếu niên, nhi đồng trong xã. Cây đa Làng Trù và hang Rú Ấm (Rú Ấm trước đây thuộc xã Nghĩa Khánh - nay thuộc xã Nghĩa Đức) là một di tích lịch sử cách mạng của huyện Nghĩa Đàn.
 
Cần sớm công nhận di tích lịch sử và có sự tôn tạo cho cụm di tích
cây đa Làng Trù và hang Rú Ấm
 
Tuy nhiên, cho đến nay cụm di tích cây đa Làng Trù và hang Rú Ấm vẫn chưa được Nhà nước cấp bằng chứng nhận là di tích lịch sử. Thật đáng buồn là một trong hai dích tích này sắp trở thành phế tích, hang Rú Ấm  trở thành nơi chăn thả trâu bò, bị lãng quên theo năm tháng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lục Đình Phúc, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Đức cho biết: “Theo nhu cầu nguyện vọng của nhân dân, đã nhiều lần chính quyền kiến nghị lên huyện, lên tỉnh mong được công nhận Rú Ấm là dích tích lịch sử, để được chỉ đạo định hướng tôn tạo. Cũng 3 đến 4 lần bên Bảo tàng Văn hóa tỉnh về thẩm định, mà mãi cũng chưa nhận được phản hồi cụ thể nào”.

Cũng như hang Rú Ấm, cây đa Làng Trù cũng đang dần bị lãng quên. Không chỉ chính quyền mà cả nhân dân vẫn đang mòn mỏi, hi vọng chờ đợi quyết định của các cấp trên về việc công nhận hai địa điểm này là di tích lịch sử cách mạng.  
 
Ông Trần Đình Hợi - Chủ tịch xã Nghĩa Khánh tâm sự: “Việc cụm di tích cây đa Làng Trù và hang Rú Ấm mãi mà chưa được công nhận di tích lịch sử đó là một thiếu sót và cũng thật đáng buồn”.
 
Ông cho biết thêm, việc cây đa Làng Trù chưa được công nhận di tích bởi thiếu căn nhà của đồng chí Phan Đình Lại, nguyên Bí thư Huyện ủy đầu tiên của huyện Nghĩa Đàn, giờ chỉ còn việc tìm kinh phí di dời căn nhà đấy về tại khuôn viên cây đa Làng Trù. Cũng bởi kinh phí cho việc này đòi hỏi nhiều, trong khi ngân sách xã có hạn, đời sống nhân dân đang gặp nhiều khó khăn nên dù quyết tâm thực hiện nhưng không biết tới khi nào mới xong.

Khát vọng ấy của cán bộ và nhân dân xã Nghĩa Khánh, xã Nghĩa Đức là một khát vọng chính đáng, một khát vọng cháy bỏng đã kéo dài nhưng vẫn chưa được thực hiện. Và nếu không được sự quan tâm của các cấp trên, cụm di tích này sẽ thành phế tích.

Ngọc Anh - Đức Thanh
.