Hơn 30 năm làm nghề giáo viên thì 22 năm, ông đứng lớp ở những điểm, bản khó khăn nhất của ngành giáo dục huyện miền núi Quế Phong, Nghệ An. Tuy tuổi đã cao nhưng nhiệt huyết gieo chữ ở những địa bàn khó khăn trong người ông vẫn luôn nồng cháy. Ông là thầy giáo Lô Văn Lan, giáo viên Trường tiểu học Cắm Muộn 2, xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong.
Tình nguyện vào bản “gieo chữ”
Từ thị trấn Kim Sơn vượt qua Bù Chồng Cha, xuôi theo sông Quàng chúng tôi tìm đến nhà thầy Lan ở bản Bố, xã Cắm Muộn. “Tốt nghiệp ra trường năm 1979 tôi được Phòng Giáo dục phân về bản Tục, Pang, xã Đồng Văn dạy học, nơi đây thật khó khăn”. Thầy Lan chia sẻ. Sau 4 năm ở Đồng Văn, thầy được phân công lên dạy các em đồng bào Khơ Mú ở xã Nậm Nhoóng và đến năm 2004 thì được phân về Trường tiểu học Cắm Muộn 2.
Bản Huồi Máy là một bản thuộc xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong có trên 40 hộ dân gần 200 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Khơ Mú. Cách trung tâm xã hơn 5 tiếng trèo đèo, lội suối, cuộc sống người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. Không có đất sản xuất, chủ yếu là phát nương làm rẫy, các em học sinh ở đây thiếu ăn, thiếu mặc vì vậy việc đến trường là điều không một ai ở đây nghĩ đến.
Để cho các em được đến trường như những học sinh khác trong xã, Trường tiểu học Cắm Muộn 2 đã mở một điểm trường tại Huồi Máy. Thầy Lan đã tình nguyện cắm bản dạy các em học sinh vùng khó khăn của xã.
Từ khi mở lớp đến nay đã hơn 7 năm thầy giáo Lô Văn Lan tình nguyện đứng lớp gieo những mầm ước mơ cho các em học sinh Huồi Máy. Lớp học cũng thật đặc biệt, một ngôi nhà mái tôn xi măng, đã dột nát, trời nắng chiếu vào đầu, trời mưa các em phải di chuyển bàn ghế để không bị ướt, khu ký túc của các thầy là túp lều tranh dột nát, trời mưa phải đến xin trú ngủ nhà dân. Cả trường chỉ vỏn vẹn có 20 học sinh nhưng lại có chương trình học từ lớp 1 đến lớp 5 nên công việc giảng dạy gặp rất nhiều khó khăn.
Ở đây, thầy Lan dạy cho các em biết ăn chín, uống sôi, ngủ phải mắc màn không cho muỗi đốt. Với các em học sinh ở đây thầy Lan không chỉ là người thầy đứng trên bục giảng, mà còn là người cha, người mẹ.
Thầy Lan đang thể hiện tài thổi sáo của mình
Đường xá xa xôi, mỗi tuần thầy lại ra trường chính một lần vừa để biết thông tin, kế hoạch giảng dạy, vừa mua cho các em học sinh quyển vở, cái bút. Ở Huồi Máy thời tiết rất khắc nghiệt, đêm trời rất lạnh, nếu thầy trò không dựa vào nhau thì làm sao có thể “chiến đấu trong việc gieo chữ” ở ngôi trường đặc biệt này.
Bảy năm gắn bó với học sinh Huồi Máy, thầy Lan hiểu rõ vùng đất và con người nơi đây hơn ai hết. Ngoài giờ học chính ở trường thầy còn đến từng nhà phụ đạo cho các em, chỉ dạy cho bố mẹ các em biết cách làm vườn trồng rau, nuôi gà, biết trồng củ sắn, củ khoai mỗi khi giáp hạt. Việc dạy học cũng gặp khó khăn, các em học sinh lớp 2, lớp 3 ghép thành một lớp, lớp 4, lớp 5 ghép thành một lớp.
Vì tương lai của rừng
Những cô bé, cậu bé học sinh người Khơ Mú với anh mắt sáng long lanh, nở nụ cười rúc rích, các em chưa hiểu hết được những thiếu thốn của mình so với các bạn cùng trang lứa trong xã. Các thầy cô giáo vào Huồi Máy cũng rất nhiều gian khổ, thức ăn phải thuê người cõng từ ngoài trung tâm xã vào bản, những hôm trời mưa không ra lấy được thức ăn, thầy trò cùng nhau xuống suối mò cá, hái măng rừng ăn cho qua ngày.
Gian khổ là vậy nhưng thấy các em học sinh ở đây hiếu học nên các thầy cũng cố gắng bám trụ gieo chữ vì tương lai tương sáng của các em. Đến nay, Huồi Máy đang có 5 học sinh học cấp 2, đây là một thành tích đáng mừng của các thầy cô cũng như các em học sinh ở Huồi Máy. Nhiều hôm có cân đường, vài gói mì tôm thầy đều chia cho các em học sinh ăn cùng.
Thầy Lan tâm sự: “Để giảm bớt khó khăn cho anh em giáo viên, nhà trường có kế hoạch luân chuyển giáo viên, nhưng không thực hiện được bởi bà con Huồi Máy chỉ đồng ý cho con em đi học khi tôi đứng lớp, các thầy cô khác vào được vài ngày là bà con đưa ra trường trả lại”. Thầy Lan cũng thấy vui khi mình được bà con quý mến, nhưng trong lòng thầy vẫn còn những nỗi niềm không thể nói ra.
Học sinh Huồi Máy còn rất nhiều khó khăn
Ở đây, chưa có em học sinh nào học hết cấp 3. Phần lớn các em nhận biết được mặt chữ là bỏ giữa chừng về nhà làm nương với bố mẹ. “Nhiều lần tôi đã động viên ai ủi các em cố gắng học hành, nhưng gánh nặng cơm áo và các hủ tục lạc hậu vẫn chưa buông tha cho các em”. Thầy Lan cho biết thêm.
Cái khó nhất của các em học sinh ở Huồi Máy là không biết tiếng phổ thông, các thầy vừa dạy vừa dịch sang tiếng Khơ Mú cho các em. Sách vở, đồ dùng học tập thiếu thốn đủ đường. Tuy nhiên, dù khó khăn gian khổ thầy Lan cũng không bỏ rơi các em, dành hết tâm huyết của mình cho các em học sinh nơi đây. “Thấy các em học sinh chăm chỉ học tập, làm anh em chúng tôi cũng có động lực để phấn đấu dạy thật tốt những kiến thức mình học được cho các em”. Thầy Lan cho biết.
Ảnh minh họa
Công việc dạy học chiếm rất nhiều thời gian, tranh thủ những lúc rảnh thầy Lan còn say mê nghiên cứu những nét đẹp văn hóa của đồng bào Thái. Những điệu khắp, nhuân luôn được thầy thể hiện mỗi khi có các hoạt động văn hóa văn nghệ của nhà trường cũng như xóm, bản. Đây cũng chính là niềm an ủi lớn nhất đối với thầy giáo Lô Văn Lan trong hành trình gieo chữ vì tương lai của rừng ở những điểm trường còn khó khăn ở huyện miền núi Quế Phong.
Lương Đậu
.