Một mặt, động viên giáo viên đến công tác, giảng dạy ở những điểm trường còn thiếu thốn, khó khăn. Mặt khác tạo nên sự công bằng, bình đẳng trong môi trường công tác giữa các giáo viên, nghĩa là “khó khăn cùng sẻ chia, thuận lợi cùng thụ hưởng”. Ý nghĩa tốt đẹp đó sẽ đạt được khi nó được thực hiện thực sự khách quan, dân chủ.
Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, khi mà tình trạng dôi dư giáo viên đang diễn ra trên tất cả các cấp học, nhiều nhất là ở cấp tiểu học và THCS thì chính sách thuyên chuyển giáo viên theo kiểu “định kỳ” và quay vòng đã bộc lộ không ít bất cập, tiêu cực.
Trước hết, việc thuyên chuyển giáo viên ít nhiều gây nên những xáo trộn về mặt tổ chức đối với các trường học vào mỗi dịp đầu năm học mới. Tâm lý chung của giáo viên là khi đã công tác ở trường nào ổn định rồi thì chẳng ai muốn chuyển đi (ngoại trừ một bộ phận giáo viên ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa).
Nếu chuyển từ trường cũ về trường mới thì phải mất một khoảng thời gian dài để có thể thích nghi, hòa nhập với môi trường mới, gần như là một giáo viên mới ra trường. Đó là chưa kể nhiều trường hiện nay không có hoặc không công khai về “tiêu chuẩn” đối tượng giáo viên thuộc diện thuyên chuyển.
Do vậy, tâm trạng chung của giáo viên luôn ở thế thấp thỏm, lo âu khi nào thì mình thuộc diện thuyên chuyển, khi nào còn được trọng dụng. Hiện tượng trên kéo dài từ năm này qua năm khác, có lúc, có nơi trở thành công cụ hữu hiệu để lãnh đạo nhà trường “xử lý” những giáo viên không “hợp gu” với họ và để “nắn gân” những giáo viên khác.
Không có những tiêu chí bình xét giáo viên thuộc diện thuyên chuyển thật chính xác, khách quan, hệ quả là việc thuyên chuyển giáo viên thiếu công bằng gây tâm lý ức chế, tạo sự bất ổn về mặt tư tưởng trong mỗi thành viên của cùng một tổ, nhóm chuyên môn.
Nhiều “tổ” công đoàn đã không còn “ấm” mà xuất hiện những rạn nứt bởi sự ganh đua, bon chen giữa các đồng nghiệp với nhau chỉ để dành bằng được “chỗ đứng” ở môi trường làm việc thuận lợi.
Một hiện tượng bất cập khác đang tồn tại là trong khi con em của những người có “máu mặt” thường được chuyển về công tác ở những môi trường làm việc thuận lợi thì con em của những gia đình “thấp cổ bé họng” thường phải chịu thiệt thòi khi phải công tác ở những vùng khó khăn, mặc dầu có thể vượt trội về mặt bằng cấp, khả năng.
Hiện tượng bất cập trên là khá phổ biến hiện nay và đáng buồn là có nhiều người lại nghiễm nhiên xem đó là chuyện “bình thường”.
Việc thuyên chuyển giáo viên thiếu công bằng cũng làm phát sinh nhiều tiêu cực. Do tâm lý của giáo viên ai cũng muốn được yên ổn công tác, nhất là ở vùng đồng bằng, thành phố nên có tư tưởng “chạy” cấp trên để không phải đi. Những giáo viên không có “quan hệ” thì luôn trong “tầm ngắm”, có khả năng phải thuyên chuyển bất cứ lúc nào.
Bên cạnh đó, có không ít cán bộ có chức trách, đảm nhận việc điều phối, thuyên chuyển giáo viên lợi dụng quyền hạn để “đục nước, béo cò”, biến chủ trương thuyên chuyển giáo viên thành cơ hội để thu lợi bất chính.
Thiết nghĩ trong tình hình hiện nay, việc thuyên chuyển giáo viên cần được cân nhắc, thận trọng. Theo đó, chỉ thực hiện thuyên chuyển giáo viên trong những trường hợp thực sự cần thiết. Nên ưu tiên nhiều hơn đối với các giáo viên đã công tác lâu năm ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa để đảm bảo sự công bằng chung.
Việc thuyên chuyển nếu được thực hiện phải được tiến hành công khai, khách quan, dân chủ, chính xác, hợp lý, hợp tình. Bởi, những bất cập trong việc thuyên chuyển giáo viên hiện nay đã tạo nên những bất ổn về mặt nhân sự không đáng có vào dịp đầu năm học, đồng thời ảnh hưởng xấu đến nhận thức, tư tưởng của giáo viên và góp phần làm giảm sút chất lượng dạy học.
Bùi Minh Tuấn
.