Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201202/18166-nguoi-lan-tim-ve-cau-vi-phuong-vai-399062/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201202/18166-nguoi-lan-tim-ve-cau-vi-phuong-vai-399062/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Người lần tìm về câu ví phường vải - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 07/02/2012, 07:00 [GMT+7]
18166

Người lần tìm về câu ví phường vải

Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, ví phường vải đã ăn sâu vào tiềm thức của bao thế hệ người con xứ Nghệ, trở thành nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

Câu hát phường vải cất lên nghe trầm trầm, tha thiết, lắng sâu vào lòng người. Đi chơi hát phường vải, khi đứng gần nghe như nhắn nhủ, nỉ non tâm sự, đứng xa nghe man mác, bâng khuâng, tưởng như người hát đang trải lòng mình với những tâm tư, tình cảm ấp ủ bấy lâu. Có thể nói, hát ví là những bản tình ca thể hiện tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương, đất nước của người lao động, nó thấm đẫm vào tâm hồn và máu thịt của mỗi người dân xứ Nghệ.

Hát phường vải có ở nhiều nơi, nhưng không ở đâu lại phổ biến với những thủ tục chặt chẽ và có nhiều tay bẻ hát nổi tiếng như ở đất Nam Đàn. Con trai khi đến hát phải đứng ở ngoài đường, khi nào qua được chặng đầu là hát dạo và chặng hai là hát đố thì mới được mời vào bên trong nhà để hát tự tình, giao duyên và lúc ra về phải hát tiễn bạn. 

Cùng với thời gian, những đêm hát phường vải cứ thưa dần rồi vắng bóng, công việc quay xa kéo sợi không còn thịnh hành như trước. Lớp trẻ bây giờ không mấy ai mê hát phường vải, thoảng khi con cháu cùng nghe các cụ hát là để cho biết một làn điệu của quê hương. Nhưng với các nghệ nhân cao tuổi, hát phường vải đã là máu thịt, gắn với một quá khứ đẹp đẽ. Ở đó người ta được bộc lộ tình cảm của mình với những ngôn từ mộc mạc thôn quê.
 
Là người từng theo hát các phường vải danh tiếng trên đất Nam Đàn, thuộc nhiều câu ví, nay lại chứng kiến hát phường vải đang ngày càng mai một, cụ Trần Văn Tư ở Kim Liên không giấu được nỗi buồn: “Trước đây, nói đến hát phường vải là say sưa lắm. Hễ nghe ở mô có phường vải là tui rủ anh em tìm đến, có khi lên đến Nam Thanh, Nam Cường, có khi lại xuống tận Hưng Nguyên, càng hát càng say. Rứa mà lớp trẻ bây giờ có mấy ai biết hát mô”.
 
Cụ Trần Văn Tư và các nghệ nhân hát phường vải đang hát để nhớ lại một thời
trẻ trung, sôi nổi

Câu hát phường vải ẩn chứa vẻ đẹp tâm hồn, trí tuệ con người xứ Nghệ được cất lên bằng tiếng nói riêng trong bề dày truyền thống văn hóa của quê hương, dân tộc. Hơn nữa, có sinh ra trên mảnh đất Nam Đàn mới thấy hết niềm tự hào về truyền thống quý giá mà cha ông để lại, mới xót xa khi ví phường vải cứ dần đi vào quên lãng.
 
Làm thế nào để không gian hát phường vải ngày xưa được sống lại, câu hỏi ấy cứ đau đáu khiến lòng cụ day dứt khôn nguôi. Với tâm niệm: “Hẵng còn có người thích hát phường vải, yêu hát phường vải thì hát phường vải chưa thể mất đi”, cụ Tư và các nghệ nhân cao tuổi vận động con cháu cùng lập ra câu lạc bộ hát phường vải Kim Liên.
 
Công việc đầu tiên của cụ là tìm đến các thư viện trong tỉnh để sưu tầm, tập hợp các tư liệu, các giai điệu ví cổ, sáng tác lời mới dựa trên nền nhịp điệu cũ. Cụ rong ruổi khắp làng trên xóm dưới, gõ cửa từng nhà bạn cũ - những  người một thời cùng thi thố tài năng với mình, chắp nối câu chuyện thành những chặng hát đối thú vị để làm tư liệu truyền dạy cho con cháu.
 
Các cô gái phường vải trẻ trung, xinh đẹp thuở nào giờ thành những cụ già miệng móm mém nhai trầu, mái tóc đã pha sương. Họ cố giấu nỗi lòng thổn thức khi gặp lại người xưa đi tìm về câu ví.

Cụ Trần Văn Tư đã cùng các nghệ nhân hình thành nên xa quay truyền thống. Cụ vận động con cháu, đồng thời trích một phần lương ít ỏi của mình làm nguồn quỹ cho câu lạc bộ hoạt động. Không còn cảnh quay sa kéo sợi, nhưng mỗi tuần vài ba lần, tiếng hát phường vải lại vang lên trong thôn xóm.
 
Câu lạc bộ phường vải Kim Liên đã thu hút hơn 30 thành viên, già có, trẻ có. Người già bày cho người trẻ, họ luyện từng câu hát, luyện từng cách ngắt nhịp, lấy hơi, không còn ranh giới, không còn phân biệt tuổi tác, lúc này chỉ còn lại tình yêu với câu ví phường vải. Đây cũng là khoảnh khắc cụ Tư lần tìm về với những kỷ niệm, với những trầm tích văn hóa của quê hương Nam Đàn.

Cùng với thời gian, những nghệ nhân phường vải ngày càng yếu đi, lớp trẻ lớn lên không còn vô tư thả lòng với những canh hát thâu đêm như trước. Tuổi già như cây đèn đã cháy đến cạn dầu, dẫu giàu tâm huyết với phường vải, dẫu mong muốn phường vải được hồi sinh trên mảnh đất Nam Đàn thì cụ Trần Văn Tư và những nghệ nhân cao tuổi ở Kim Liên vẫn không thể dựa sức mình.
 
Biết quỹ thời gian đang ngày càng ít đi, biết ví phường vải đang ngày càng mất đi mà lực bất tòng tâm. Ở tuổi 84, cái tuổi cần được nghỉ ngơi thế nhưng cụ Trần Văn Tư vẫn băn khoăn tìm lối đi riêng cho câu ví quê hương. Thiết nghĩ, để hát phường vải không còn là chuyện của quá khứ, cụ Tư và các nghệ nhân phường vải rất cần sự phối hợp, hỗ trợ của các ban, ngành liên quan.
 
Bà Lê Thị Hằng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết: “Năm 2006, chúng tôi đã xây dựng đề án bảo tồn và phát triển hát phường vải. Trong đó, chủ trương hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các câu lạc bộ hát phường vải, tổ chức các cuộc thi hát dân ca và ưu tiên chấm điểm cao hơn cho các tiết mục hát phường vải, phối hợp với phòng giáo dục để đưa hát phường vải vào trường học”.

Câu hát ví lắng đọng biết bao tình cảm, ẩn chứa nét đẹp tâm hồn, trí tuệ của người dân xứ Nghệ. Ước mong về sự hồi sinh của câu ví phường vải truyền thống không chỉ là ước mong của cụ Trần Văn Tư, của những nghệ nhân Nam Đàn mà đó còn là sự đồng vọng của những người con đất Việt hướng về quê hương Bác Hồ.

Nguyễn Lê
.