Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201202/18293-nguoi-me-suu-tam-nhung-cau-chuyen-ve-bac-ho-398961/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201202/18293-nguoi-me-suu-tam-nhung-cau-chuyen-ve-bac-ho-398961/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Người “mê” sưu tầm những câu chuyện về Bác Hồ - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 11/02/2012, 15:00 [GMT+7]
18293

Người “mê” sưu tầm những câu chuyện về Bác Hồ

Lần theo từng ngõ nhỏ, từng con hẻm, tôi có mặt tại nhà ông vào một buổi xế chiều mưa, se lạnh. Ông đi vắng, mỗi mình bà ở nhà.
 
Ngỡ ngàng trước những chồng sách vở được bày biện ngăn nắp trong tủ để giữa sân, hiếu kỳ trước một tấm bảng đen với một cái lịch dày đặc những việc mà ông phải hoàn thành trong tháng đã khiến cho tôi tò mò, cố nán lại để hi vọng được gặp ông. Ông là Thái Bá Đắc (79 tuổi) ở xóm 12, xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương. Là tấm gương sáng của Hội người cao tuổi huyện Đô Lương.
 
Thật may mắn cho tôi khi được trò chuyện cùng ông. Từng học khoa Văn tại Trường Sư phạm Quảng Tây, Trung Quốc những năm 1954, sau 3 năm miệt mài, ông trở về nước theo học tại Trường bổ túc công nông Hà Nội. Tại đây, 2 lần ông được gặp Bác Hồ.
 
Nhắc đến đó, mắt ông Đắc sáng rực lên, ông nở một nụ cười hiền từ, chia sẻ: “...Thời đó, lớp chúng tôi mới chuyển từ Trung Quốc về, đang còn gặp phải rất nhiều khó khăn. Bác đến mang theo một gói trà xanh động viên lớp Văn chúng tôi. Hôm đó, khi xem xong cuốn sổ học tập của lớp, Bác tiến lại gần và hỏi tôi học tập thế nào. Tôi trả lời Bác: “Thưa Bác, cháu thường được điểm 4 ạ!” (Trước đây, điểm 5 là điểm cao nhất, tương tự điểm 10 bây giờ). Nghe xong, Bác liền nói cả lớp: “Tất cả các cháu phải học được điểm 5 thì nhân dân, đất nước mới được nhờ... ”. Lần khác, trong một đợt tổng kết năm học của trường, Bác đến dự lễ. Hôm đó, Bác đề cập rất nhiều vấn đề nhưng tôi nhớ mãi câu nói của Bác: “Các cháu nên nhớ là: Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”.
 
Cốt cách và việc làm của Bác Hồ đã theo ông suốt những năm tháng dạy học. Với ông Đắc, Bác Hồ là một hình tượng đẹp nhất, Người đã giúp ông trở thành một giáo viên dạy giỏi.
 
Ông Thái Bá Đắc miệt mài ghi chép những mẩu chuyện về Bác Hồ
 
Đã mấy chục năm trôi qua, ông luôn trau dồi, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xem đó là mục tiêu phấn đấu của mình. Lời Bác Hồ dạy luôn sáng mãi trong ông.
 
Năm 1968, ông trở thành 1 trong 5 giáo viên dạy giỏi của tỉnh và điều mà ông “sướng” nhất là thường xuyên bồi dưỡng học sinh giỏi văn của Nghệ An tham dự các kỳ thi học sinh giỏi toàn miền Bắc đạt giải cao. Trong các dịp hè, ông trực tiếp giảng dạy, truyền thụ kinh nghiệm cho các giáo viên cấp 2. Với những nỗ lực ấy, ông đã được ngành giáo dục tặng Bằng khen.
 
Năm 1985, ông về hưu, Trường cấp 3 dạy nghề huyện Đô Lương ngỏ ý mời ông về dạy Văn và Anh văn. Theo giảng dạy được 4 năm, sau đó ở nhà ông hăng say nghiên cứu văn học, báo chí và nhiều lĩnh vực khác.
 
Đặc biệt, sáng nào cũng vậy, bên chiếc bàn làm việc, ông cặm cụi sưu tầm các mẩu chuyện, bài viết về Bác Hồ trên tất cả các loại sách báo. Ông ghi chép, tập hợp lại thành các tập sách.
 
Để có thể ghi chép ra những cuốn sách viết về Bác Hồ, ông Đắc đã tận dụng những tờ lịch cũ, đóng thành quyển và chép ra phía sau của tờ lịch. Để có những cuốn sách ghi chép đó, ông đã phải đến nhà bạn bè để mượn, có những cuốn mượn đến hàng tháng trời.
 
Đến nay, ông đã chép tay được 329 mẩu chuyện về Bác với 45 tác phẩm truyện, thơ viết về Bác như cuốn: Bác Hồ thời niên thiếu ở Huế, Thơ chúc Tết của Bác Hồ, Ca dao về Bác Hồ...

Bên cạnh sưu tầm, ghi chép lại những mẫu chuyện, những câu thơ về Bác, ông Đắc còn có sở thích sưu tầm những bức ảnh chụp về Bác theo từng thời kỳ hoạt động cách mạng của Người. Trong tập ảnh: “Bác Hồ về thăm đền Hùng”, ông đã sưu tầm từ đầu chí cuối từ lúc Bác Hồ đến cho đến rời khỏi đền Hùng như thế nào, hay những bức hình Bác Hồ chụp với lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Đến nay, ông Đắc đã có trên 200 ảnh chụp về Bác Hồ với những dấu ấn lịch sử. Ông tâm sự: “Tôi học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thứ nhất để trả lại cái ơn của Người, thứ hai, sưu tầm những tấm ảnh, ghi chép những mẩu chuyện về Bác Hồ sẽ cho tôi một kho tàng tư liệu quý giá để sau này con cháu mình học tập và noi theo”.

Không những là một người thích sưu tầm, ông Đắc còn tham gia viết báo, bình thơ và còn là một thầy thuốc giỏi. Trong nhà ông có một vườn cây thuốc nam. Ông tự mày mò, nghiên cứu chế ra nhiều loại thuốc như thuốc chữa thần kinh gót chân, chữa đau răng...
 
Hiện, ông đang nghiên cứu dược liệu chế thuốc chữa dạ dày và sỏi thận. Trên Báo Lao động, Báo Nhân dân và Báo Nông nghiệp Việt Nam... thường xuyên có những bài viết của ông.
 
Năm 2006, ông được Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An tặng Giấy khen trong cuộc thi tìm hiểu “An ninh nhân dân Việt Nam: 60 năm truyền thống vẻ vang” viết bằng văn xuôi.
 
Năm 2009, ông được đồng chí Nguyễn Thế Trung - Uỷ viên TW Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy khen ngợi về thành tích sưu tầm các tư liệu về Bác Hồ. Cũng trong năm này, ông được Ban Tuyên giáo gửi thư khen về thành tích học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
 
Tháng 8/2010, ông được đồng chí Phạm Quang Nghị - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội gửi thư khen ngợi về thành tích đóng góp hình ảnh 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Vinh dự năm 2011, Thái Bá Đắc được Hội Người cao tuổi tỉnh Nghệ An tặng Giấy khen về thành tích xuất sắc trong phong trào “Tuổi cao gương sáng” 10 năm ( 2001 - 2010).

Cần mẫn như một chú ong, ngày ngày ông Đắc vẫn miệt mài bên những trang giấy trắng. Ở cái tuổi xưa nay hiếm,  ông vẫn làm việc không biết mệt mỏi: Đều đặn đi bộ vào mỗi buổi sáng, bình thơ gửi báo và tiếp tục nghiên cứu lại tất cả những tài liệu để sưu tầm ghi chép lại các bài viết về cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đăng trên các báo, tạp chí...

Phan Tuyết
.