“Mùa Xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”, từ lâu, câu thơ của Bác Hồ đã thấm vào tâm trí của hàng triệu trái tim con người Việt Nam. Và hôm nay, khi về với Kim Liên, từ khắp các ngả đường thôn quê đã điệp trùng cây xanh, bóng mát. Không chỉ thế, trong khuôn viên Khu di tích Kim Liên, làng Trù, làng Sen quê hương Bác Hồ, người dân có thể dễ dàng nhận ra mỗi cây xanh đều mang dấu ấn của các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ được trồng lưu niệm tại đây. Tiết Xuân đang về cũng là lúc bắt gặp những cây xanh trong quần thể Khu di tích Kim Liên đang độ đơm chồi, nẩy lộc.
Những ngày đầu Xuân, về thăm khu vườn quê Bác, làng Trù quê mẹ và làng Sen quê cha, đi giữa trùng điệp cây cao bóng cả, lòng người như ấm áp đến lạ thường. Nhớ lại những lần Bác về thăm quê, vẫn nhà lá đơn sơ, vườn tược quê cũ vẫn còn đây in dấu chân Người những năm tháng tuổi thơ. Cảnh xưa còn hiện nguyên sơ nơi đây như minh chứng cho sự trường tồn của đất trời xanh tươi, lòng người thêm yêu quý vị Cha già của dân tộc Việt Nam còn mãi. Bác đã đi vào cõi vĩnh hằng nhưng mong muốn của Người “Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân” vẫn được thế hệ hôm nay tiếp nối, gìn giữ. Đã hơn 50 năm trôi qua, kể từ ngày Bác Hồ phát động Tết trồng cây (1959) đến nay, lời kêu gọi của Người đã trở thành lời hiệu triệu đối với con dân nước Việt.
Tìm trong sử vàng, nhớ lại những năm Bác Hồ phát động Tết trồng cây, theo lệ, cứ Tết đến Xuân về, toàn Đảng, toàn quân và nhân dân cả nước lại náo nức trồng thêm cây xanh. Hành động ấy, việc làm ấy đã trở thành truyền thống lâu nay của người dân chúng ta. Từ hải đảo xa xôi nơi đầu sóng ngọn gió, các chiến sĩ cùng người dân huyện đảo Trường Sa nô nức thực hiện “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác”. Phong trào trồng cây phủ xanh đảo cát san hô đã được quân dân huyện đảo duy trì đều đặn hằng năm vào độ Xuân về. Từng đơn vị, cụm dân cư và người dân đều có nhiệm vụ phải trồng và chăm sóc cây theo chỉ tiêu đã được phân bổ. Còn tại tỉnh miền núi Lào Cai, dân làng Khẩu Cồ, xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng lại tưng bừng lễ hội ăn thề bảo vệ rừng. Mọi người cùng nhau thắp hương cùng thề bảo vệ rừng, trồng rừng và bàn về các quy định bảo vệ rừng. Các lễ hội này của đồng bào miền núi mang ý nghĩa khuyến khích phong trào trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, đồng thời động viên bà con không đốt rừng làm nương rẫy.
Còn tại miền xuôi, không phân biệt lứa tuổi, nam hay nữ, học sinh các trường học, rồi các cụ già, thanh niên… đều phát động phong trào trồng cây xanh nhân dịp đầu Xuân năm mới. Nhiều nơi vẫn duy trì phong trào chăm sóc, trồng mới và bảo vệ vườn cây xanh. Nghệ An cũng như bao miền đất khác, vinh dự là quê hương của Bác Hồ, cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, từ nơi rẻo cao huyện Kỳ Sơn, miền Tây xứ Nghệ cho đến khắp các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đều tổ chức ra quân thực hiện Tết trồng cây. Ai cũng hiểu, cây xanh có vai trò to lớn đối với hệ sinh thái tự nhiên, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của con người.
Giám đốc Khu di tích Kim Liên - Nguyễn Văn Hoè giới thiệu về cây đa
do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trồng lưu niệm
Những lần đi thăm nước bạn hoặc tiếp đón các vị nguyên thủ quốc gia tới Việt Nam, Bác đều tổ chức trồng cây lưu niệm. Người đã trồng cây đại ở Ấn Độ, trồng cây sồi ở Nga và Người gọi đó là “những cây hữu nghị”. Cây lớn lên theo thời gian, không chỉ thể hiện tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với bạn bè thế giới mà còn thể hiện ý thức bảo vệ môi trường trong sâu thẳm nhân loại. Trong Di chúc, Bác cũng không quên nhắc nhở nhân dân ta phải tiếp tục trồng cây gây rừng: “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi, ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”. Trong bài viết cuối cùng của mình về “Tết trồng cây” đề ngày 5/2/1969, Bác nhắc tới “lợi ích to lớn cho kinh tế, quốc phòng” của việc trồng cây gây rừng. Người không quên nhắc nhở “đồng bào các địa phương phải biến đồi trọc thành vườn cây”.
Vốn dĩ từ bao đời, cây cỏ thiên nhiên trở thành biểu tượng cao đẹp cho tinh thần quật khởi của người Việt Nam. Cây tre là biểu tượng cho tinh thần bất khuất của người miền Bắc, cây dừa là hình ảnh của đồng bào miền Nam giữ vững thành đồng Tổ quốc, cây cao su là sự dẻo dai bền bỉ của buôn làng Tây Nguyên... chỉ cần nhắc đến những loại cây ấy thôi cũng dễ khiến cho ta hình dung ra cuộc kháng chiến nhân dân vĩ đại của dân tộc. Ngoài ra, mỗi loại cây còn tượng trưng cho một vùng quê, một tỉnh khác nhau: cây nhãn Hưng Yên, cây vải Lục Ngạn (Bắc Giang), cây bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ), cây cọ Vĩnh Phúc, cây chôm chôm Cần Thơ... Còn phải kể đến, cây cỏ gắn với cuộc sống của từng người. Dường như trong ký ức của mỗi con người, trong những kỷ niệm của thời gian luôn gắn chặt với nhiều loài cây cỏ thiên nhiên. Cây me, cây sấu gợi nhắc về tuổi ấu thơ trong trắng, mộng mơ, nghịch ngợm; cây phượng hồng, cây bằng lăng kỷ niệm của tuổi học trò; cành đào Tây Bắc, cành mai vàng xứ Huế gắn chặt với Tết, cây đa, cây gạo là hình ảnh của làng quê đồng bằng Bắc bộ... Mỗi khi trồng thêm một cây xanh và chăm sóc nó sinh trưởng phát triển là ta đang tự làm phong phú cho đất nước, giữ và gieo mầm xanh trong tâm hồn thế hệ tương lai.
Thấm nhuần tư tưởng của Người, lâu nay, người dân chúng ta vẫn thấy hình ảnh những vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta thường tổ chức trồng cây lưu niệm tại các di tích, đền chùa… mỗi dịp đến thăm và làm việc. Ở khuôn viên Khu di tích Kim Liên - quê hương Hồ Chủ tịch, từ cây vải do cố Tổng Bí thư Lê Duẩn trồng năm 1973 rồi đến cây đa do đồng chí Trường Chinh trồng vào dịp xuân năm 1976 đến nay đã sum suê hoa trái, toả bóng mát cả khu vườn. Bây giờ, trong quần thể Khu di tích Kim Liên rộng hơn 15ha nhưng nơi nào cũng nhìn thấy cây xanh đủ loại, cổ thụ có, đang độ khép tán cũng có, rồi những chồi non cũng được chăm trồng cẩn thận.
Chưa kể, xung quanh khu mộ bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Bác Hồ với gần 40ha cây xanh quần tụ thành rừng với bạt ngàn thông, keo, tràm… đủ loại. Chẳng những thế mà năm 2009, Công an tỉnh đã phát động đoàn viên thanh niên trồng hàng trăm cây sao đen đến nay đã xanh tốt trong khu vực quần thể Khu di tích Kim Liên. Mỗi cây xanh, mỗi một tấm lòng thành kính được gieo trồng nơi đây, hơn ai hết, mỗi cán bộ, chiến sĩ công an luôn ý thức được không chỉ gìn giữ bình yên trên quê Bác mà còn trân trọng màu xanh của rừng.
Dẫn chúng tôi đi thăm những khóm cây đang đâm chồi nẩy lộc trong tiết trời đang độ vào Xuân, ông Nguyễn Văn Hoè, người gắn bó đã mấy chục năm có lẻ ở đây và nay là Giám đốc Khu di tích Kim Liên cho biết: “Hiện nay, toàn bộ cây xanh trong quần thể khu di tích được cán bộ, công nhân viên chăm sóc cẩn thận. Hơn ai hết, mọi người ở đây hiểu được rằng, cây xanh là tài sản vô giá nên việc gắn trách nhiệm bảo vệ cụ thể tới từng người được thực hiện một cách nghiêm túc. Từ cây vải đầu tiên được đồng chí Lê Duẩn trồng tại đây cho đến mới đây nhất là cây đa do đồng chí Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trồng, chúng tôi đều bảo vệ và chăm sóc hết sức chu đáo. Hàng năm, hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước đến thăm quê nội, quê ngoại Bác, nhìn hàng cây xanh phủ kín sân vườn, lối đi, ai cũng cảm giác ấm áp khôn tả khi về với quê hương của Người. Hiện nay, chúng tôi là những người trực tiếp được giao nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ cây xanh cùng với di sản, hiện vật ở Khu di tích Kim Liên nên ai cũng ý thức được trách nhiệm gìn giữ của mình. Giữ màu xanh trên quê hương Bác Hồ đối với chúng tôi là nhiệm vụ hết sức cao cả”.
Đứng trong khuôn viên quê hương Hồ Chủ tịch, chúng tôi lại nhớ tới bà má Nguyễn Thị Bé (76 tuổi) quê tận Bến Tre ra thăm quê Bác vào dịp cả nước đang thi đua lập công mừng sinh nhật lần thứ 121 của Người (19/05/1890 - 19/05/2011). Tỉ mẩn ngắm những cây xanh do các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước trồng lưu niệm tại đây, má Bé xúc động nói: “Mùa Xuân năm 1959, Bác Hồ kêu gọi quân dân cả nước thực hiện Tết trồng cây, má năm đó mới 24 tuổi.
Nghe lời kêu gọi của Người, Xuân năm ấy quê má dù trong mưa bom bão đạn, giặc Mỹ tàn phá ruộng nương, vườn tược nhưng người dân vẫn trồng thêm cây trong vườn nhà. Bây giờ, những cây trái đã sum suê quả ngọt mới thấy lợi ích của việc trồng cây. Má ra đây thấy nhiều cây xanh do các đồng chí lãnh đạo cấp cao trồng ở quê Bác, lòng vui lắm”.
Hơn bao giờ hết, cây xanh trong vườn Bác hôm nay không còn là hình ảnh tượng trưng nữa mà nó được thể hiện bằng hành động, bằng ý chí trồng cây gây rừng của cả dân tộc lâu nay. “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”, lời Bác dạy và cũng là nguyện vọng của Người luôn được toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta nô nức thực hiện. Và không biết tự khi nào, Tết trồng cây đã trở thành nét đẹp văn hoá của người dân Việt Nam. Cứ mỗi độ Xuân về, người người, nhà nhà lại nô nức ra quân thực hiện trồng thêm cây xanh.
Vũ Hằng - Ngọc Thái
.