Thứ Năm, 10/12/2020, 09:53 [GMT+7]

2.300 đại biểu dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X

Với chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X chính thức khai mạc vào sáng nay (10/12) với sự tham dự của 2.300 đại biểu, gồm 280 đại biểu khách mời và 2.020 đại biểu chính thức.
 

Lễ khai mạc Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Lễ khai mạc Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tham dự Đại hội có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các điển hình tiên tiến đại diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, công nghiệp, nông nghiệp, khoa học công nghệ...; các thành phần tôn giáo, dân tộc, nhân sĩ, trí thức, thầy thuốc, nhà giáo, nghệ nhân, văn nghệ sĩ, các nhà khoa học...

Theo chương trình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ có phát biểu khai mạc Đại hội. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương, sẽ trình bày báo cáo tóm tắt tổng kết phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng trong 5 năm (2016-2020), phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương tới dự Đại hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương tới dự Đại hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đại hội cũng tiến hành giao lưu, tôn vinh các điển hình tiên tiến, đại diện “Anh hùng Lao động”, “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021-2025.

Đặc biệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ có phát biểu quan trọng chỉ đạo Đại hội.

Chương trình Đại hội sẽ được phát thanh và truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam.

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Đại hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Đại hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đại hội sẽ đánh giá kết quả thực hiện các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2015-2020; đề ra mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ của phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2020-2025; tôn vinh các tập thể, cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua, các gương điển hình tiên tiến tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua; tiếp tục khơi dậy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc; tạo động lực mới nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương phát biểu khai mạc Đại hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương phát biểu khai mạc Đại hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đồng thời, phát động phong trào thi đua trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và tiếp tục đẩy mạnh 4 phong trào thi đua trọng tâm do Thủ tướng Chính phủ phát động: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, gắn với đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới theo Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị và Luật Thi đua - Khen thưởng.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương phát biểu tại Đại hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương phát biểu tại Đại hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong 5 năm qua, thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, phong trào thi đua và công tác khen thưởng thực sự có nhiều chuyển biến tích cực. Cấp ủy Đảng và lãnh đạo chính quyền các cấp và người đứng đầu cơ quan, đơn vị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác thi đua, khen thưởng, cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; phát huy truyền thống thi đua yêu nước và tiếp tục thực hiện chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, công tác thi đua, khen thưởng trong 5 năm tới được xác định là: Phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng phải phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, của cả hệ thống chính trị, trở thành động lực to lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, phấn đấu đến năm 2025 nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đồng thời, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng, tự hào dân tộc; thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và không ngừng nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Củng cố quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển; nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế…

.

Nguồn: Chinhphu.vn